Tỷ giá tăng tháng 3 chỉ do tác động ngắn hạn
Diễn biến tháng 4 này ngược hoàn toàn với tháng trước đó, khi vào nửa cuối tháng 3/2020, tỷ giá mua trên ngân hàng và tự do tăng lần lượt là 1,7% và 2% so với tháng 2. Ðây là mức điều chỉnh được coi là mạnh nhất kể từ tháng 6/2018, khi nổ ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Theo các chuyên gia kinh tế, tỷ giá tăng trong tháng 3 chủ yếu do các biến số ngắn hạn, chẳng hạn như nhà đầu tư nước ngoài bán ròng chứng khoán và rút vốn.
Thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), mức bán ròng cổ phiếu tháng 3 của khối ngoại riêng tại sàn này lên tới xấp xỉ 8.000 tỷ đồng.
Việc bán chứng khoán ra khỏi các thị trường tài chính mới nổi là xu hướng chung kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tới nay. Ngoài ra, cũng phải kể tới nhu cầu tăng do biên mậu Việt - Trung mở cửa trở lại, khiến lượng ngoại tệ cần để thanh toán tăng lên…
Còn phân tích thực tế, tổng thể cung - cầu ngoại tệ trong nước vẫn ở trạng thái ổn định ở phía tích cực.
Vốn FDI giải ngân trong tháng 3/2020 đạt 1,4 tỷ USD, lũy kế đạt 3,85 tỷ USD trong quý I/2020, tuy giảm 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng cũng là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh dịch bệnh hiện tại. Thặng dư thương mại tháng 3 ước tính đạt 1 tỷ USD và lũy kế từ đầu năm thặng dư 2,8 tỷ USD, tăng 68% so với tháng trước…
Trao đổi với Ðầu tư Chứng khoán, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB nhận định: “Ðể bình ổn thị trường, NHNN đã phát đi thông điệp sẵn sàng bán ngoại tệ quy mô lớn ở tỷ giá thấp hơn tỷ giá niêm yết và hạ tỷ giá bán xuống 23.650 VND/USD, giảm 221 VND/USD (tương đương 0,93%) so với cuối tháng 2.
Với dự trữ ngoại hối gần 85 tỷ USD, NHNN có đủ tiềm lực và kinh nghiệm để ổn định thị trường, tỷ giá nhiều khả năng sẽ đi ngang trong vùng hiện tại, trừ khi có những thay đổi lớn về bối cảnh dịch bệnh trong nước”.
Sự trấn an kịp thời của NHNN đã giúp thị trường ngoại tệ không rơi vào trạng thái “tâm lý đám đông”, thường xảy ra khi tỷ giá có biến động tăng, nhiều doanh nghiệp và người dân dù không có nhu cầu cũng đua mua vào, tăng thêm áp lực cho tỷ giá.
Sang tháng 4, các yếu tố tác động ngắn hạn dịu bớt, tỷ giá đã giảm. Ðến giữa tuần này (sáng 8/4), tỷ giá trung tâm giữa VND và USD được NHNN công bố ở mức 23.225 VND/USD, ghi giảm 5 đồng so với ngày 7/4 và giảm 14 đồng so với cuối tuần trước.
Tỷ giá giao dịch thực tế tại các ngân hàng thương mại cũng được điều chỉnh linh hoạt, không còn tình trạng kịch trần cho phép như tháng 3.
Cũng trong ngày 8/4, Vietcombank và Eximbank cùng giảm 10 đồng ở cả hai chiều mua và bán USD, trong khi đó, VietinBank và Techcombank có mức điều chỉnh tăng nhẹ lần lượt 5 và 2 đồng so với tỷ giá phiên sáng 7/4. Giá mua USD tại các ngân hàng dao động từ 23.360 - 23.390 VND/USD, trong khi bán ra từ 23.550 - 23.580 VND/USD.
Theo lãnh đạo một ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, thì sức hấp dẫn với đồng USD tại Việt Nam không quá lớn, ngoại trừ các nhà đầu tư ngoại hay các doanh nghiệp nhập khẩu có nhu cầu thật về ngoại tệ. Còn đối với người dân, việc nắm giữ tiền đồng vẫn có lợi hơn.
“Lãi suất huy động của các ngân hàng gần đây có giảm nhưng chủ yếu ở những kỳ hạn ngắn, còn các kỳ hạn trên 6 tháng, lãi suất vẫn ở mức khá cao, khiến việc nắm giữ VND có lợi hơn hẳn nắm giữ USD khi mà tỷ giá tăng ít và gửi tiền thì không được hưởng lãi suất”, vị lãnh đạo này nhận định.
Vẫn cần cẩn trọng
Trong quý II/2020, các chuyên gia kinh tế nhận định, diễn biến của thị trường ngoại hối sẽ phụ thuộc nhiều vào những diễn biến tiếp theo của tình hình dịch bệnh trong và ngoài nước. Nếu như dịch bệnh chưa có dấu hiệu được kiểm soát hiệu quả thì áp lực tăng đối với tỷ giá dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao.
Trong kịch bản cơ sở với xác suất xảy ra là 60% của một nghiên cứu đến từ Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV dự báo tỷ giá trong quý II có thể sẽ dao động trong biên độ 23.400 - 23.650 VND/USD, với mức chặn trên là mức tỷ giá bán ra của NHNN (trong điều kiện NHNN chưa thay đổi chính sách bán ngoại tệ). Có một số tác động cụ thể:
Thứ nhất, cung - cầu ngoại tệ dự kiến bớt thuận lợi hơn. Rủi ro sụt giảm đối với nguồn cung ngoại tệ trong quý II dự kiến có xu hướng gia tăng cùng với diễn biến căng thẳng của dịch bệnh trong nước.
Dòng tiền kiều hối và giải ngân FDI có thể sẽ sụt giảm khoảng 5 - 10% do nền kinh tế trong nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và tình hình dịch bệnh vẫn chưa cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt.
Hoạt động xuất khẩu cũng dự kiến không mấy khả quan khi không được hỗ trợ từ yếu tố mùa vụ cộng với việc nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường chủ lực như Mỹ hay châu Âu giảm mạnh do dịch bệnh.
Do đó, dự báo cán cân thương mại có thể sẽ giảm về thâm hụt khoảng 500 - 700 triệu USD trong quý II.
Trong khi đó, áp lực lên phía cầu ngoại tệ cũng dự kiến hạ nhiệt bớt so với thời điểm cuối tháng 3.
Mức độ rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán dự kiến có thể tiếp diễn nhưng chưa tới mức quá lớn, ước khoảng 200 - 300 triệu USD.
Ngoài ra, động thái can thiệp hạ giá bán của NHNN vừa qua cũng đã phần nào giúp ổn định lại tâm lý thị trường và có thể sẽ làm hạ nhiệt nhu cầu găm giữ ngoại tệ trong thời gian tới.
Thứ hai, áp lực từ môi trường quốc tế dự báo duy trì ở mức cao. Trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng về tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 tới kinh tế toàn cầu, dự kiến xu hướng tăng giá của đồng USD sẽ vẫn tiếp tục được duy trì trong quý II tới do nhu cầu tích trữ tài sản an toàn và thanh khoản.
US dollar Index dự kiến sẽ tăng khoảng 2 - 3% so với mức cuối tháng 3, dao động trong biên độ 102-103 và kéo theo xu hướng mất giá của các đồng tiền mới nổi như CNY, KRW, THB... tiếp tục được duy trì;
Thứ ba, chênh lệch lãi suất VND - USD liên ngân hàng dự kiến duy trì ở mức dương nhẹ. Chênh lệch lãi suất VND - USD dự kiến sẽ tiếp tục được duy trì ở mức dương, khoảng 1,0 - 2,0% kỳ hạn 1 tuần, hạn chế tình trạng đầu cơ găm giữ trên thị trường. NHNN dự kiến vẫn sẽ điều hành một cách chủ động, thận trọng nhằm tránh tình trạng chênh lệch lãi suất âm quay trở lại gây áp lực lên tỷ giá.
Trong kịch bản tích cực hơn, xác suất xảy ra là 25%, khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, US dollar Index hạ nhiệt giảm trở lại về mức khoảng 98 - 99 và cung cầu ngoại tệ tích cực hơn dự kiến, tỷ giá dự kiến có thể giảm về mức khoảng 23.250 - 23.420 VND/USD.
Trong kịch bản xấu nhất với xác suất xảy ra 15%, đồng USD tiếp tục tăng mạnh khoảng 5 - 6% và cung cầu ngoại tệ rơi vào trạng thái thâm hụt nặng khoảng trên 2 tỷ USD, NHNN có thể phải thiết lập một ngưỡng tỷ giá bán mới và tỷ giá có thể vượt ngưỡng chặn trên 23.650 như hiện nay.
Một báo cáo vừa được MBS công bố nhận định: “Xét về dài hạn, trong các tháng tới cho đến hết năm 2020, tỷ giá VND/USD có thể giữ ổn định với các yếu tố cơ bản đều thuận lợi. Xu hướng chung vẫn là VND sẽ giảm giá so với USD và có những thời điểm mức giảm có thể trên 3% so với đầu năm. Tuy nhiên, vào cuối năm, với mức độ điều chỉnh sẽ chỉ khoảng 2%/năm do các yếu tố hỗ trợ sức mạnh của USD sẽ suy giảm”.