Tỷ giá cuối tuần qua giảm còn 21.160 VND/USD

Tỷ giá cuối tuần qua giảm còn 21.160 VND/USD

Tỷ giá giảm mạnh, vì sao?

(ĐTCK) Tỷ giá trong tuần qua giảm mạnh, giảm khoảng 170 đồng so với mức giao dịch cao nhất 21.360 VND/USD ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định điều chỉnh tỷ giá trong tháng 6. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Đức Quang, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) về hiện tượng này.

Theo ông, tại sao tỷ giá lại sụt giảm như vậy?

Diễn biến tỷ giá đang phản ánh thực chất cung cầu ngoại tệ trên thị trường. Bên cạnh đó, phản ánh cách nhìn của các thành viên thị trường xung quanh thông tin điều hành tỷ giá, tín dụng trong 6 tháng đầu năm và định hướng điều hành của NHNN trong 6 tháng cuối năm.

Thông tin về một vài nguồn cung lớn từ hoạt động đầu tư nước ngoài (ODA, FDI, FII…) thực sự đáng tin cậy khi một số ngân hàng lớn trong nước và nước ngoài tăng cường bán ra ngoại tệ trên thị trường liên ngân hàng, trong khi cung cầu thường nhật từ hoạt động xuất nhập khẩu ổn định đã giúp tỷ giá giảm sâu.

Một thực tế khác là phần lớn các ngân hàng thương mại không có ý định đầu cơ mua gom ngoại tệ (giữ trạng thái dương ngoại tệ âm tiền đồng Việt Nam) để chờ tỷ giá tăng. Các ngân hàng đã nắm rõ thông điệp quản lý của NHNN và đang tập trung nguồn lực VND để tăng cường giải ngân tín dụng, tăng trưởng dư nợ cho vay và đầu tư vào giấy tờ có giá tiền đồng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang và chuẩn bị có dư nợ tín dụng ngoại tệ có tâm lý thoải mái đối với rủi ro tỷ giá sau khi NHNN thông tin chi tiết về việc vẫn đang kiểm soát vấn đề tăng trưởng tín dụng ngoại tệ một cách sát sao; tỷ lệ cho vay/huy động ngoại tệ tiếp tục ở mức thấp nếu tính cả các khoản tiền gửi ngoại tệ trong nước khác và nguồn vốn nước ngoài (các khoản vay nước ngoài, các khoản tiền gửi của ngân hàng nước ngoài tại ngân hàng trong nước, các khoản cấp tín dụng của ngân hàng mẹ ở nước ngoài cho chi nhánh ngân hàng hoạt động tại Việt Nam, các khoản ủy thác bằng ngoại tệ từ Chính phủ, các tổ chức tài chính quốc tế và các tổ chức khác để các ngân hàng cho vay ngoại tệ trong nước). Với tâm lý thoải mái như vậy, rất ít doanh nghiệp vội vàng mua ngoại tệ, trừ khi họ thực sự có nhu cầu đến hạn.

Có ý kiến cho rằng, NHNN trong tuần trước đã mua vào ngoại tệ và có khả năng sẽ nâng tỷ giá mua để hỗ trợ xuất khẩu. Ông đánh giá thế nào về khả năng này?

NHNN đã đóng vai trò là người mua bán cuối cùng, cung cấp thanh khoản cho thị trường trong suốt 3 năm qua. Sắp tới, nếu các nguồn cung vẫn lấn át, thì việc NHNN mua vào ngoại tệ là điều có thể xảy ra. Thực tế, công tác điều hành tỷ giá theo hướng ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ xuất khẩu, tăng dự trữ ngoại hối, giảm tình trạng đô la hóa không phải chỉ thể hiện khi NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá và có thông cáo là điều chỉnh tăng để hỗ trợ xuất khẩu (như diễn biến trong tháng 6/2014). Những định hướng này còn nằm kín đáo và khéo léo trong cách thức niêm yết tỷ giá mua vào, bán ra của NHNN trong thời gian qua. Trong suốt hơn một năm qua kể từ tháng 6/2013, NHNN kiên định niêm yết giá mua vào ở mức 21.100 VND/USD là một quyết định rất rõ ràng hỗ trợ cho xuất khẩu, mặc dù có những giai đoạn thị trường dư thừa ngoại tệ lớn như trong quý I/2014.

Ngay sau khi có quyết định điều chỉnh tỷ giá trong tháng 6/2014, NHNN vẫn niêm yết tỷ giá mua vào ở mức 21.100 VND/USD và giữ nguyên cho đến cuối tuần qua. Rõ ràng, trong đợt giảm giá sâu của tuần trước, NHNN chưa thể mua vào được, vì tỷ giá giao dịch thực tế của thị trường vẫn cao hơn mức này khá nhiều.

Chúng tôi cho rằng, trong ngắn hạn, NHNN sẽ chưa vội nâng giá mua lên vì nhà điều hành đang ở vị thế rất tốt để có thể thấy hết các góc cạnh của vần đề tỷ giá. Nếu đợt giảm vừa rồi chủ yếu do một vài nguồn cung đột xuất thì tỷ giá khó có thể giảm sâu hơn. Tỷ giá sẽ nhanh chóng quay lại các mức giá hợp lý quanh mức giá tham khảo bình quân mà nhà điều hành đã cân nhắc khi quyết định điều chỉnh tháng trước.

Những yếu tố nào sẽ tác động lên thị trường ngoại hối cuối năm và ông dự đoán tỷ giá cuối năm nay như thế nào?

Chúng tôi tin tưởng vào sự ổn định của tiền đồng trong 6 tháng cuối năm 2014 dựa trên các lý do sau:

Thứ nhất, vài năm gần đây, yếu tố chính chi phối cung - cầu ngoại tệ trên thị trường vẫn là nguồn thu - chi từ hoạt động xuất nhập khẩu. Các yếu tố khác như cung cầu ngoại tệ cho các hoạt động đầu tư từ nước ngoài và ra nước ngoài, cũng như nhu cầu từ cá nhân có tỷ trọng nhỏ, không thể gây ảnh hưởng lớn đến tỷ giá. Các kênh mua bán ngoại tệ và vàng không chính thức đã giảm sút rất mạnh. Trong hoạt động xuất nhập khẩu, hai yếu tố then chốt là sức cầu nội địa cho hoạt động nhập khẩu và sức cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường thế giới cho hoạt động xuất khẩu sẽ khó có những thay đổi đáng kể trong những tháng còn lại của năm. Các cơ quan quản lý vừa dự báo, cán cân thương mại cả năm sẽ ở mức gần như cân bằng.

Thứ hai, năm 2014 tiếp tục là năm để Việt Nam từng bước tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có trọng tâm tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng, với tốc độ tăng trưởng chậm, nhưng chắc và bền vững; đi cùng với đó là các cơ chế quản lý rất chặt chẽ làm giảm thiểu hành động đầu cơ, làm giá, lũng đoạn thị trường ngoại hối. Nguồn lực dự trữ ngoại hối hiện nay cũng là một yếu tố hỗ trợ rất lớn.

Thứ ba, đôi khi các chính sách điều hành tiền tệ, thị trường của nhà quản lý không hoàn hảo và thị trường tìm thấy những khe hở của các chính sách này, từ đó có sự dịch chuyển cơ cấu đầu tư, cách thức kinh doanh…, tạo ra những con sóng nhất thời về tỷ giá, lãi suất. Tuy nhiên, các nền tảng cơ bản nhất của thị trường về sức mua, sức tiêu thụ nội địa, cạnh tranh quốc tế, các nguồn cung đều đặn từ các kênh đầu tư, nhu cầu tín dụng từ phía doanh nghiệp… vẫn chưa thể thay đổi mạnh, thì những con sóng này chỉ là sóng ngắn và thị trường sẽ rất nhanh bình ổn.

Tin bài liên quan