Cân đối cung - cầu ngoại tệ quý III có thể tích cực hơn quý II.

Cân đối cung - cầu ngoại tệ quý III có thể tích cực hơn quý II.

Tỷ giá duy trì xu hướng ổn định trong quý III

(ĐTCK) Thị trường ngoại hối vừa bước qua quý II nhiều biến động, tuy nhiên, đang xuất hiện nhiều tín hiệu thuận lợi cho xu hướng ổn định của tỷ giá USD/VND trong quý III này.   

Đi qua quý II nhiều biến động

Sau giai đoạn bình ổn, trong quý II/2019, thị trường ngoại hối đã có những biến động mạnh. Cụ thể, tỷ giá USD/VND tăng 0,84% chỉ trong vòng 5 tuần kể từ cuối tháng 4, đạt đỉnh ở mức 23.360 VND/USD (tỷ giá ngân hàng). Tuy nhiên, sang tháng 6, VND đã có bước phục hồi khá mạnh khi tỷ giá giao dịch USD/VND liên tục giảm, mức giảm tổng cộng cả tháng là 0,43%.

Theo đó, tỷ giá ngân hàng giảm 100 VND/USD, về mức 23.260 VND/USD mua vào và 23.380 VND/USD ở chiều bán ra. Tỷ giá tự do giảm 115 VND/USD ở chiều mua vào và 110 VND/USD ở chiều bán ra, tương ứng tại mức 23.300/23.320 VND/USD. Tỷ giá trung tâm được điều chỉnh tăng giảm xen kẽ, kết thúc tháng 6 ở mức 23.066 VND/USD - chỉ tăng 1 VND/USD so với cuối tháng 5.

Tính chung cả 6 tháng, tỷ giá USD/VND tăng 0,41%, trong khi tỷ giá trung tâm tăng thêm 1,06% từ cuối năm 2018 cho đến cuối tháng 6/2019. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào hơn 8 tỷ USD, nâng dự trữ ngoại hối của Việt Nam lên mức cao nhất từ trước tới nay. So sánh với một số quốc gia trong khu vực như Philippines, Malaysia, Singapore…, Việt Nam đang nằm trong nhóm các quốc gia có đồng nội tệ ổn định.

Nhận định được đưa ra từ lãnh đạo cao cấp Ngân hàng BIDV, những yếu tố tác động lên tỷ giá trong quý II có xu hướng bớt thuận lợi hơn so với giai đoạn quý I. Thứ nhất, áp lực từ môi trường quốc tế gia tăng. Cụ thể, diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bất ngờ đảo chiều từ trạng thái hòa hoãn sang căng thẳng leo thang khi hai bên tuyên bố áp các mức thuế mới lẫn nhau kể từ đầu tháng 5.

“Diễn biến này đã có tác động mạnh đến thị trường ngoại hối quốc tế cũng như trong nước, với việc tỷ giá USD/Nhân dân tệ tăng mạnh khoảng 3% chỉ trong 1 tháng lên mức cao nhất kể từ đầu năm, ở mức 6,96 Nhân dân tệ/USD. Trong bối cảnh Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, đồng Nhân dân tệ mất giá đã tạo áp lực mạnh lên đồng tiền của Việt Nam”, vị lãnh đạo BIDV nói.

Thứ hai, cân đối cung - cầu ngoại tệ cơ bản của nền kinh tế chưa hẳn xấu đi, song đã bớt thuận lợi hơn so với giai đoạn thặng dư rất lớn của quý I. Nếu như giải ngân FDI vẫn duy trì tốc độ khá tốt ở mức 5 tỷ USD (tăng 10% cùng kỳ năm nay so với năm trước), cán cân thương mại trong quý II đã chuyển sang thâm hụt khoảng 1,4 tỷ USD, trong bối cảnh tăng trưởng xuất khẩu chậm lại với những khó khăn từ mặt hàng điện thoại, linh kiện điện tử hay các mặt hàng thô như gạo, cà phê, hạt điều. Ước tính, chênh lệch cung - cầu ngoại tệ trong quý II/2019 ở mức 1,1 tỷ USD, nghiêng về phía cung ngoại tệ. Con số này thấp hơn giai đoạn thặng dư rất lớn của quý I, vào khoảng 7 tỷ USD.

Thứ ba, chênh lệch lãi suất VND - USD trên thị trường có xu hướng giảm nhẹ. Mức chênh lệch lãi suất VND - USD có xu hướng co hẹp khoảng 100 điểm, kỳ hạn 1 tuần từ mức phổ biến 1,5 - 2,5% trong quý I dao động quanh mức 0,5 - 1,5%. Chi phí nắm giữ USD thấp là yếu tố cộng hưởng gây áp lực lên tỷ giá trong một số thời điểm, đặc biệt giai đoạn cuối tháng 4 đầu tháng 5.

“Huy động vốn USD trong quý II tăng khoảng 3% so với thời điểm cuối quý I cho thấy tình trạng găm giữ ngoại tệ có xu hướng quay trở lại, tâm lý thị trường chuyển sang trạng thái thận trọng hơn. Trên thị trường tự do, tỷ giá USD/VND bám sát mức tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng khi tăng khoảng 0,5% so với thời điểm đầu năm”, Phó tổng giám đốc một ngân hàng có trụ sở phía Nam cho biết.

Nhiều yếu tố thuận lợi cho xu hướng ổn định trong quý III

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, giám đốc tiền tệ một ngân hàng nhận định: “Trong quý III, tỷ giá sẽ ổn định quanh mức hiện nay là 23.300 - 23.600 VND/USD. Ngân hàng Nhà nước vẫn đang mua vào ngoại tệ và cũng không dễ để tỷ giá tăng lên quá mạnh”.

Một nghiên cứu của Nhóm Nghiên cứu, Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV phân tích, cân đối cung - cầu ngoại tệ quý III có thể tích cực hơn quý II, với cán cân thương mại dự báo có thể cải thiện, thặng dư vào khoảng 1,5 tỷ USD nhờ sự đóng góp cho hoạt động xuất khẩu của khối FDI, tiêu biểu là các dòng sản phẩm mới của Samsung như Galaxy Note 10. Trong khi đó, giải ngân đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dự kiến duy trì tốc độ khả quan, ước đạt  5,5 - 6,0 tỷ USD.

Đặc biệt, dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) được kỳ vọng có thể sôi động trở lại với các giao dịch bán trái phiếu quốc tế của một số ngân hàng. Cụ thể, VPBank vừa huy động thành công 300 triệu USD (tương đương hơn 7.100 tỷ đồng) thông qua phát hành trái phiếu quốc tế kỳ hạn 3 năm dưới sự tư vấn của BNP Paribas, JP Morgan và Standard Chartered.

Được biết, trái phiếu có lãi suất danh nghĩa 6,25%/năm và được phân phối cho các nhà đầu tư châu Á và châu Âu, với tỷ lệ lần lượt là 52% và 48%. TPBank cũng đang có kế hoạch phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế vốn cấp 2 trong năm 2019. Trong trường hợp thuận lợi, các giao dịch này có thể bổ sung nguồn cung ngoại tệ khoảng 500 - 700 triệu USD cho thị trường.

Bên cạnh đó, áp lực từ thị trường quốc tế lên tỷ giá có thể giảm bớt, bởi Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ quay trở lại bàn đàm phán thương mại sau cam kết không tăng thuế của nhà lãnh đạo hai nước trong phiên họp cấp cao tại Hội nghị G20. Bên cạnh đó, phát biểu trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 10/7, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed Jerome Powell nói rằng, trong vòng 1 tháng trở lại đây, đã có thêm nhiều dữ liệu cho thấy nền kinh tế toàn cầu yếu đi và không có dấu hiệu nào cho thấy thị trường việc làm quá nóng. Fed đang chuẩn bị sẵn sàng để cắt giảm lãi suất khoảng 25 điểm lần đầu tiên trong một thập kỷ vào cuối tháng 7.

“Chênh lệch lãi suất VND/USD liên ngân hàng dự kiến duy trì ổn định ở mức dương, kỳ hạn 1 tuần dao động quanh mức 0,7 - 1,2%. Tâm lý thị trường dự kiến duy trì ổn định, giảm bớt trạng thái lo ngại trong bối cảnh áp lực quốc tế dự kiến dịu bớt. Mặt khác, bối cảnh kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn vững vàng như tăng trưởng ổn định, lạm phát thấp, dòng vốn ngoại tệ chảy vào vẫn được duy trì là các yếu tố cốt lõi giúp thị trường ngoại hối trong nước không còn chịu biến động mạnh như khoảng thời gian giữa năm ngoái. Chúng tôi đánh giá thị trường ngoại hối trong quý III/2019 vẫn có nhiều yếu tố thuận lợi để duy trì xu hướng ổn định từ đầu năm”, nghiên cứu của BIDV nhận định.

Tin bài liên quan