Việc Fed đảo chiều chính sách tiền tệ giúp áp lực lên tỷ giá USD/VND vơi bớt

Việc Fed đảo chiều chính sách tiền tệ giúp áp lực lên tỷ giá USD/VND vơi bớt

Tỷ giá dưới ngưỡng 25.000 VND/USD cho năm 2024 giai đoạn cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Áp lực bên ngoài từ sức mạnh của đồng USD giảm dần khi Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ, trong khi các yếu tố nội tại cho thấy sự ổn định hơn nữa của VND.

9 tháng đầu năm, VND chỉ mất giá 0,9% so với USD

Khởi đầu tháng 9, chỉ số DXY (đo lường sức mạnh đồng USD so với các ngoại tệ mạnh khác) ở mức 101,8 điểm và duy trì tương đối ổn định đến giữa tháng khi các dữ liệu kinh tế Mỹ liên tiếp phát đi những tín hiệu trái chiều. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 8 đã giảm nhẹ so với tháng trước đó, về mức 4,2%, nhưng mức tăng trưởng việc làm yếu hơn vào tháng 8 đã khiến gia tăng mối lo ngại về sức khỏe của thị trường lao động.

Tuy nhiên, theo nhận xét của bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS), các khía cạnh khác của nền kinh tế Mỹ mang đến những tín hiệu tích cực khi tiếp tục tăng trưởng ổn định. Cụ thể, lạm phát đã giảm mạnh từ mức đỉnh 9,1% vào giữa năm 2022 xuống mức thấp nhất trong ba năm là 2,5% vào tháng 8, trong khi doanh số bán lẻ bất ngờ tăng 2,1% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tiền lương duy trì ổn định và sản lượng sản xuất phục hồi mạnh mẽ đã xoa dịu những lo ngại về lĩnh vực này. Trước hàng loạt tin tức tích cực về nền kinh tế, chỉ số DXY tiếp tục dao động quanh ngưỡng 101 điểm, khi thị trường kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản, bởi chưa có sức ép nào đáng kể để dẫn đến mức giảm nửa điểm phần trăm. Song Fed đã gây ngạc nhiên khi mạnh tay cắt giảm lãi suất chủ chốt 50 điểm cơ bản, nhằm bảo vệ nền kinh tế khỏi suy thoái trong bối cảnh rủi ro gia tăng đối với thị trường lao động. Sau quyết định này, chỉ số DXY liên tục trượt dốc và kết thúc tháng 9 ở mức 100,2 điểm.

Với nền kinh tế đang trong trạng thái cân bằng và lạm phát tiến gần tới mục tiêu 2%, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã phát tín hiệu về khả năng sẽ có thêm hai lần cắt giảm lãi suất trong năm nay nhưng mức giảm nhỏ hơn, với 25 điểm cơ bản trong mỗi lần cắt giảm.

Việc Fed đảo chiều chính sách tiền tệ đã giúp vơi bớt áp lực lên tỷ giá hối đoái. So với đầu tháng 9, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng vào ngày 30/9/2024 đã giảm 1,3%, xuống mức 24.564 VND/USD. Nếu tính từ đầu năm, VND hiện chỉ mất giá khoảng 0,9% so với USD, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh gần 5% được ghi nhận vào tháng 6. Tỷ giá trên thị trường tự do cũng giảm xuống mức 25.250 VND/USD, trong khi tỷ giá trung tâm đang niêm yết tại 24.093 VND/USD, tăng lần lượt 2% và 1% so với đầu năm.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp BIDV nhận định, trong quý III vừa qua, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng có xu hướng giảm khoảng 3,5%, về quanh mức 24.600 VND/USD. Đà giảm của tỷ giá USD/VND khá tương đồng với một số cặp tỷ giá trong khu vực, mặc dù mức độ có phần thấp hơn, đặc biệt so với một số đồng tiền như JPY, THB, MYR. Như vậy, tính từ đầu năm, tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng khoảng 1,4%.

Vị lãnh đạo BIDV phân tích: “Xu hướng giảm của tỷ giá bắt nguồn chủ yếu từ sự xoay trục của môi trường quốc tế, với việc Fed giảm lãi suất 50 điểm cơ bản trong tháng 9, sau chuỗi dữ liệu lạm phát tại Mỹ ở mức thấp và thị trường lao động phát tín hiệu yếu đi. Ở trong nước, tâm lý thị trường cũng có xu hướng cải thiện song song với xu hướng trên thị trường quốc tế”.

Đà tăng của VND khó duy trì như quý III

Vị lãnh đạo BIDV cho rằng, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ, diễn biến sẽ phụ thuộc lớn vào biến động của môi trường quốc tế. Đối với môi trường quốc tế, tâm điểm của thị trường sẽ nằm ở một số nhóm vấn đề lớn như mức độ nới lỏng chính sách tiền tệ của Fed hay các vấn đề địa chính trị (Trung Đông, bầu cử Tổng thống Mỹ). Đáng chú ý là khả năng ban hành các gói kích thích kinh tế lớn của Trung Quốc và đồng USD quốc tế có thể sẽ duy trì xu hướng khá giằng co.

Một mặt, yếu tố hạn chế sức mạnh của USD cũng được vị lãnh đạo BIDV chỉ rõ, bao gồm Fed dự kiến tiếp tục giảm lãi suất cơ bản thêm khoảng 50 điểm trong hai phiên họp vào tháng 11 và tháng 12/2024, trong bối cảnh áp lực lạm phát tại Mỹ đã giảm đáng kể và thị trường lao động có xu hướng hạ nhiệt; Trung Quốc có thể đưa ra các gói kích thích kinh tế quy mô lớn để hỗ trợ nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5%, qua đó, gia tăng tâm lý tìm kiếm tài sản có mức độ rủi ro cao hơn.

“Mặt khác, đồng USD cũng khó giảm sâu khi triển vọng kinh tế Mỹ vẫn khá tích cực so với các nền kinh tế lớn khác, đồng thời một số ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như ECB, BOE, PBOC... cũng tiến hành giảm lãi suất đồng pha với lộ trình của Fed”, vị lãnh đạo BIDV nói.

Đối với thị trường trong nước, vị lãnh đạo BIDV nhận định, các yếu tố ảnh hưởng tới tỷ giá nhìn chung chưa có nhiều thay đổi. Cân đối cung - cầu ngoại tệ xét trên tổng thể không quá dồi dào do nhu cầu ngoại tệ phát sinh nhập khẩu cho các dự án lớn, trả nợ vay, chuyển lợi nhuận về nước dịp cuối năm vẫn lớn. Ngoài ra, chênh lệch lãi suất VND - USD nhiều khả năng vẫn duy trì ở mức thấp, tạo môi trường không thuận lợi cho tỷ giá để có thể giảm sâu.

Còn bà Hiền cho rằng, việc áp lực tỷ giá hạ nhiệt sẽ giúp NHNN có thêm nhiều dư địa để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tiêu dùng trong nước cũng như đầu tư nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 24.700 - 24.900 VND/USD trong quý IV/2024, được hỗ trợ bởi những yếu tố như: thặng dư thương mại tích cực (khoảng 19,1 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm), dòng vốn FDI vào mạnh (vốn FDI thực hiện 8 tháng đầu năm đạt 14,15 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước) và du lịch phục hồi mạnh mẽ (ghi nhận mức tăng trưởng 45,8% so với cùng kỳ trong 8 tháng đầu năm.

“Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2024”, bà Hiền nhận định.

Ông Suan Teck Kin, Giám đốc điều hành Khối Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore) cho biết, VND đã cùng chung diễn biến với các đồng tiền trong khu vực khi ghi nhận mức tăng theo quý lớn nhất kể từ năm 1993, phục hồi 3,2% trong quý III, đạt mức 24.630 VND/USD. Kỳ vọng về chính sách tiền tệ ổn định từ NHNN với trọng tâm là thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cũng hỗ trợ cho VND, tuy nhiên, đà tăng giá của VND từ đây khó có thể diễn ra với tốc độ tương tự như quý vừa qua.

“Dự báo của chúng tôi là tỷ giá USD/VND đạt 24.500 trong quý IV/2024, 24.300 trong quý I/2025, 24.100 trong quý II/2025 và 23.900 trong quý III/2025”, ông Suan Teck Kin nói.

Tin bài liên quan