Lãi suất USD đã tăng 0,75%/năm vào cuối tháng 6/2022 và dự báo sẽ còn tăng tiếp. Ảnh: Dũng Minh

Lãi suất USD đã tăng 0,75%/năm vào cuối tháng 6/2022 và dự báo sẽ còn tăng tiếp. Ảnh: Dũng Minh

Tỷ giá còn chịu nhiều áp lực

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc chưa xác định được thời điểm và mức độ tăng lãi suất USD tiếp theo khiến tỷ giá USD-VND chịu nhiều áp lực thời gian tới.

Sức ép VND mất giá

Tỷ giá (mua vào/bán ra) niêm yết tại Vietcombank tăng 80 đồng/USD, kết tuần ở mức 23.270/23.580 đồng/USD - cao nhất kể từ tháng 5/2020, trong khi tỷ giá bán niêm yết tại một số ngân hàng cổ phần đã tăng chạm mức 23.800 đồng/USD. Đáng chú ý, diễn biến mạnh lên liên tục của USD khiến nhu cầu tích trữ tăng và tỷ giá USD-VND trên thị trường tự do tăng mạnh 300 đồng/USD…

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp BIDV cho biết, áp lực đáng kể nhất lên tỷ giá xuất phát từ những chuyển dịch kém tích cực của môi trường tài chính quốc tế.

Cụ thể, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất mạnh hơn kỳ vọng với mức tăng tổng cộng 125 điểm cơ bản trong quý II/2022 và dự báo mức lãi suất cơ bản vào cuối năm nay được đẩy lên mức 3,25-3,5%/năm. Theo đó, chỉ số DXY đã tăng tới gần 7% lên quanh mức 105 - cao nhất trong 20 năm qua, trong khi tỷ giá USD-CNY tăng khoảng 5,5% lên quanh mức 6,7 CNY/USD.

Bên cạnh đó, cung cầu ngoại tệ trong nước cũng trở nên kém thuận lợi rõ nét. Mặc dù dòng tiền cơ bản như cán cân thương mại, giải ngân FDI… vẫn khá tích cực, nhưng nhu cầu ngoại tệ phát sinh đột biến như găm giữ ngoại tệ, mua kỳ hạn, chuyển lợi nhuận về nước… có xu hướng tăng mạnh do tâm lý lo ngại trước những chuyển dịch xấu của bối cảnh quốc tế. Vị lãnh đạo BIDV ước tính, chênh lệch cung cầu ngoại tệ trong quý II/2022 vào khoảng 7 tỷ USD nghiêng về phía cầu - mức tăng nhiều nhất trong 10 năm gần đây.

Điểm đáng chú ý, chênh lệch lãi suất swap (hợp đồng hoán đổi) VND-USD có xu hướng giảm khá mạnh với biên độ giảm hơn 200 điểm (từ mức 1,8%/năm xuống quanh mức -0,5%/năm đối với kỳ hạn 1 tuần) khi lãi suất USD trong nước tăng mạnh theo mặt bằng lãi suất quốc tế, trong khi lãi suất VND duy trì chủ đạo ở mức thấp. Tương tự năm 2018, chênh lệch lãi suất âm sâu là yếu tố cộng hưởng gây áp lực lên tỷ giá trong nước, đặc biệt trong giai đoạn nửa cuối tháng 6.

Tuy nhiên, nhìn chung, mức giảm giá của VND thấp hơn đáng kể so với các đồng tiền khác trong khu vực. Tính đến ngày 12/7/2022, so với cuối năm 2021, các đồng tiền mất giá mạnh so với USD là MYR (-4,93%); CNY (-5,5%); INR (-6,54%); TWD (-7,65%); THB (-8,21%); KRW (-9%); EUR (-11,01%); GBP (-12,17%); JPY (-15,76%).

“Liên tục thực hiện bán ngoại tệ kỳ hạn với các ngân hàng thương mại, điều chỉnh tăng tỷ giá bán để đưa tỷ giá lên mặt bằng mới phù hợp với thực tế thị trường, đồng thời quay trở lại gọi thầu tín phiếu để giảm bớt dư thừa tiền đồng… là những điều chỉnh kịp thời, linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), giúp cho đồng Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định so với các đồng tiền khác”, vị lãnh đạo BIDV cho hay.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, tỷ lệ lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm 2022 của Việt Nam chỉ 2,44%, trong khi con số lạm phát tháng 6 của Mỹ lên tới 9,1%, cho nên lẽ ra VND phải tăng giá so với USD bởi lạm phát của Việt Nam thấp hơn của Mỹ rất nhiều. Tuy nhiên, NHNN đã giữ chủ trương đảm bảo VND ổn định so với USD, đồng thời để giữ uy tín đối với Bộ Tài chính Mỹ trong việc tuân thủ nghiêm túc cam kết, tránh rơi vào tình trạng “thao túng tiền tệ”.

“Có một vấn đề khác là lần đầu tiên trong nhiều năm cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam thâm hụt cho thấy tiền đồng chịu sức ép mất giá, cũng như cán cân vãng lai của Việt Nam đang rơi vào chu kỳ thâm hụt và chu kỳ này cng có thể kéo dài”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Lạc quan trong thận trọng

Sau động thái điều chỉnh tỷ giá của NHNN ngay đầu tháng 7/2022, lãnh đạo các ngân hàng kỳ vọng tỷ giá trong nước sẽ trở nên ổn định hơn trong quý III này với ngưỡng chặn trên là tỷ giá bán giao ngay của NHNN với giả định chưa có thay đổi thêm về chính sách giá bán.

Các diễn biến có liên quan được các lãnh đạo ngân hàng xác định là áp lực từ môi trường quốc tế vẫn ở mức cao khi Fed nhiều khả năng sẽ tăng tổng cộng 125 điểm lãi suất (lần lượt 75 điểm và 50 điểm trong phiên họp tháng 7 và tháng 9/2022), kết hợp với quá trình thu hẹp bảng cân đối tài sản mạnh tay để kìm chế lạm phát. Mặt khác, tâm lý thị trường thận trọng trước rủi ro suy thoái kinh tế cũng sẽ đưa dòng tiền tới những nơi trú ẩn để củng cố đà tăng của USD.

“Dự kiến chỉ số DXY sẽ thiết lập mức đỉnh mới của năm ngay trong quý III/2022, lên quanh mức 107-108”, vị lãnh đạo BIDV nhận định.

Đồng thời, các cấu phần cung cầu cơ bản dự báo duy trì tích cực trong thời gian tới do kinh tế Việt Nam tiếp đà phục hồi sau dịch. Cụ thể, cán cân thương mại sẽ cải thiện, ước đạt mức xuất siêu khoảng hơn 2 tỷ USD, trong khi nguồn cung từ giải ngân FDI đạt khoảng 4,5 tỷ USD. Tuy nhiên, nhu cầu ngoại tệ dự kiến tiếp tục gia tăng trong bối cảnh môi trường quốc tế tiềm ẩn nhiều rủi ro, khiến cân đối cung cầu ngoại tệ trong quý III/2022 vẫn khó khăn để cân đối, ước thâm hụt khoảng 2-3 tỷ USD.

Trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, nhiều lãnh đạo ngân hàng kỳ vọng, tâm lý thị trường sẽ được giải tỏa phần nào sau động thái điều chỉnh chính sách có phần mạnh tay của NHNN trong giai đoạn đầu tháng 7/2022 như chuyển sang hình thức bán ngoại tệ giao ngay (spot) và nâng mức giá bán lên 23.400 đồng/USD, gọi thầu tín phiếu với kỳ hạn dài hơn (1 tháng), truyền thông ổn định thị trường…

Trong một tương quan khác, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, sau một thời gian ngắn mua vào, NHNN buộc phải bán ra ngoại tệ để ổn định tỷ giá hối đoái, cân bằng cung cầu nhập khẩu và động thái này còn có thể kéo dài khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2022 của Việt Nam chỉ đạt 17% - giảm đáng kể so với năm ngoái là 29%. Bên cạnh đó, năm 2021, thặng dư thương mại của Việt Nam là 1,8 tỷ USD, nhưng từ đầu năm 2022 tới nay chỉ hơn 0,7 tỷ USD cho thấy thâm hụt cán cân vãng lai còn tiếp diễn.

Trái lại, cán cân tài chính chứng kiến xu hướng rút vốn của các các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư gián tiếp, chứng tỏ có một dòng tiền từ khu vực đầu tư trong thị trường chứng khoán bắt đầu rút về nước khi nghe tin lãi suất ở Mỹ tăng lên và điều này là bình thường. Tuy nhiên, nếu Việt Nam tiếp tục duy trì được kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát tương đối thấp thì dòng tiền này có thể quay trở lại khi kinh tế Mỹ bắt đầu rơi vào suy thoái.

“Điều cần tiếp tục theo dõi lúc này là thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể, bởi số lượng ngoại tệ dùng để cân đối quan hệ cung cầu vừa rồi không phải là nhiều, chiếm khoảng 11-12% dự trữ ngoại tệ mà Việt Nam có, nhưng như thế cũng là một cảnh báo, nếu để tình trạng này kéo dài có thể khiến dự trữ ngoại tệ suy giảm nhiều”, ông Nghĩa lưu ý.

“Mặc dù dự trữ ngoại hối vẫn tương đối dồi dào để có thể ổn định thị trường ngoại hối trong bối cảnh cầu ngoại tệ tăng cao, nhưng áp lực điều hành của NHNN ngày càng rõ rệt hơn, đặc biệt khi vẫn chưa xác định được cụ thể thời điểm và mức độ tăng lãi suất của Fed. Do vậy, tỷ giá USD-VND sẽ chịu nhiều sức ép thời gian tới”, phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần nhận định.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Michele Wee, Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam nói: “Chúng tôi nâng dự báo đối với tỷ giá USD-VND lên mức 23.000 VND/USD vào cuối quý III và 22.800 VND/USD vào cuối quý IV/2022 trong bối cảnh áp lực lên cán cân thương mại đến từ giá cả hàng hóa gia tăng. Chúng tôi cho rằng, tiền đồng sẽ tăng giá mạnh mẽ trong năm 2023 cùng với đà phục hồi của thặng dư tài khoản vãng lai”.

Tin bài liên quan