Mặc dù đây là lần tăng lãi suất thứ 4 trong năm qua, song diễn biến thị trường ngoại hối trong nước vẫn yên ắng. Giá giao dịch USD tại các ngân hàng thương mại không những không tăng mà còn giảm, trong khi tỷ giá trung tâm được giữ nguyên so với ngày trước đó.
Ngược với động thái tăng lãi suất USD của Fed, các ngân hàng thương mại trong nước tiếp tục giảm từ 15-30 đồng mỗi USD trong ngày cuối tuần. Cụ thể, Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 23.235 - 23.325 đồng/USD, giảm 15 đồng so với một ngày trước đó.
Tại BIDV, giá USD được niêm yết ở mức 23.235 - 23.325 đồng/USD, giảm 25 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Việc giảm giá USD ở cả hai chiều mua - bán cũng được áp dụng tại VietinBank với mức giảm 10 đồng, ở mức 23.235 - 23.325 đồng/USD. Tương tự, giá USD giảm 30 đồng ở cả hai chiều mua - bán tại Techcombank, niêm yết ở mức 23.215 - 23.325 đồng/USD.
Tỷ giá trung tâm ngày 21/12 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 22.785 đồng/USD, không đổi so với một ngày trước đó. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước cũng được giữ nguyên, với chiều mua vào là 22.700 đồng/USD và và bán ra là 23.419 đồng/USD. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng trong ngày cuối tuần ở mức 23.468 đồng/USD và tỷ giá sàn là 22.102 đồng/USD.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối Kinh doanh ngoại hối và thị trường vốn HSBC Việt Nam nhận định, động thái tăng lãi suất lần này của Fed đúng như dự đoán trước đó, nên về cơ bản thị trường tài - chính tiền tệ trong nước nói chung, thị trường ngoại hối nói riêng sẽ không chịu nhiều tác động trong ngắn hạn.
"Mặt khác, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có những biện pháp điều hành chính sách linh hoạt thông qua các công cụ và sản phẩm trên cả kênh tỷ giá và lãi suất để ổn định thị trường ngoại hối, góp phần ổn định tỷ giá", ông Khoa phân tích.
Mặc dù được nhìn nhận ổn định trong ngắn hạn, nhưng trong trung và dài hạn, tỷ giá đang đối mặt không ít áp lực. Theo ông Khoa, với việc Fed dự báo sẽ tăng lãi suất USD 2 lần trong năm 2019 sẽ tạo áp lực về tăng lãi suất tiền đồng trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực duy trì mức chênh lệch lãi suất USD-VND ở mức hợp lý nhằm tránh tạo áp lực lên tỷ giá.
"Việc USD tiếp tục mạnh lên đồng nghĩa với tỷ giá USD/VND sẽ chịu áp lực tăng", ông Khoa nói.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, giảng viên Chính sách công của Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) cho rằng, khi Fed tăng lãi suất USD, yếu tố đầu tiên chịu áp lực là lãi suất tiền đồng. Do đó, nếu muốn ổn định tỷ giá thì lãi suất tiền đồng phải tăng theo.
Tuy nhiên, theo ông Thành, cũng do lần tăng lãi suất này của Fed đã được tính đến và phản ánh vào thị trường nên tiền đồng sẽ không chịu nhiều tác động. Mặt khác, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại, nhất là các kỳ hạn dài, cũng đã điều chỉnh tăng thời gian qua nên lãi suất sẽ khó tăng mạnh.
Các chuyên gia tài chính - tiền tệ nhìn nhận, năm 2018 là năm khá thành công đối với điều hành kinh tế vĩ mô nói chung, các chỉ số lãi suất, tỷ giá hối đoái nói riêng.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia ngân hàng cho rằng, trong ngắn hạn, động thái tăng lãi suất của Fed chưa tạo áp lực lớn đối với chính sách điều hành lãi suất, tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, nhất là trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, GDP tăng trưởng tương đối cao... Điều này được phản ánh trên thực tế khi nhu cầu ngoại tệ trong nước không có biến động lớn, thậm chí tiền gửi ngoại tệ còn tăng lên.
Về dài hạn, theo ông Nghĩa, một số yếu tố tác động tới tỷ giá như thặng dư thương mại, cán cân tài chính trong xu hướng giảm dần..., từ đó tác động lên cán cân thương mại tổng thể, cũng như đối với điều hành tỷ giá hối đoái năm 2019.
"Nhiều khả năng lãi suất USD sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, gây sức ép lên tiền đồng. Dù vậy, với việc được dự báo trước, cũng như sự chuẩn bị của các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý, khả năng xảy ra cú sốc đối với tỷ giá USD/VND nói riêng, thị trường tiền tệ nói chung là không cao", ông Nghĩa nhận định.