Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại đã có một phiên tăng mạnh trong ngày 15/8.
Tại Vietcombank, ngay từ đầu giờ sáng, tỷ giá được yết ở mức 23.680 VND/USD (mua vào) và 24.020 VND/USD (bán ra). Sau khi chính thức bứt khỏi vùng 24.000 đồng ở chiều bán ra, tỷ giá tiếp tục tăng sau đó. Cập nhật đến cuối ngày, tỷ giá bán ra tại Vietcombank đã tăng lên 24.140 đồng, tăng 150 đồng so với hôm qua. Thậm chí, tỷ giá tại VietinBank còn tăng lên 24.185 đồng đổi 1 đôla chiều bán ra.
Tỷ giá VND/USD tăng mạnh trong những tuần đầu tháng 8 sau khi giữ ổn định và đi ngang trong tháng 7. Còn trên thị trường tự do, tỷ giá VND/USD đã tăng 170 đồng so với cuối tháng 7 và hiện giao dịch ở mức 23,840 đồng/USD. Tỷ giá trung tâm được NHNN công bố ở mức 23.881 đồng/USD, tăng 123 đồng trong nửa đầu tháng 8.
Đánh giá về diễn biến tăng mạnh của tỷ giá VND/USD những ngày qua, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Chứng khoán MB cho rằng, nguyên nhân không hẳn đến từ yếu tố cung cầu.
“Tỷ giá tăng mạnh trong bối cảnh Việt Nam duy trì mức thặng dư thương mại lớn là 16,2 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm; mức FDI giải ngân ổn định đạt 11,58 tỷ USD và dự trữ ngoại hối gia tăng lên mức 93 tỷ USD cho thấy yếu tố cung cầu USD không hẳn là nguyên nhân khiến tỷ giá gia tăng so với đầu năm”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đồng nội tệ của Việt Nam chịu áp lực từ yếu tố quốc tế. Cụ thể, theo ông Tuấn, nếu xét các yếu tố áp lực từ thị trường ngoại hối toàn cầu, USDindex đã tăng lại lên mức 103 điểm trong hai tuần đầu tháng 8 sau khi chạm ngưỡng thấp nhất năm là mức 99,7 điểm trong tháng 7. Các đồng tiền khác trong khu vực cũng có xu hướng mất giá so với USD trong 2 tuần đầu tháng 8. So với đầu năm, đa phần các đồng tiền trong khu vực cũng mất giá so với USD với mức dao động từ 3-5%, cao hơn nhiều sự ổn đình của tiền đồng. Do đó, VND cũng chịu sức ép giảm giá một phần từ yếu tố này.
Diễn biến các đồng tiền so với USD từ đầu năm đến nay |
Tuy nhiên, theo kinh tế trưởng của MBS, yếu tố chính khiến VND giảm giá so với USD xuất phát từ chính sách tiền tệ của Việt Nam hiện tại.
Trong thời gian qua NHNN đã có các động thái hạ lãi suất quyết liệt để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và để tỷ giá VND/USD biến động ở mức thấp. Vào ngày 14/8/2023, NHNN đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm thêm 1,5-2% lãi vay, áp dụng với cả khoản vay hiện hữu. Các động thái nới lỏng tiền tệ và thông điệp mạnh mẽ của NHNN đã khiến chênh lệch lãi suất giữa VND và USD duy trì ở mức cao, khuyến khích nắm giữ USD qua đó gây sức ép lên VND. Hiện tại,lãi suất cho vay qua đêm VND ở mức 0,2%. Trong khi đó, lãi suất cho vay qua đêm bằng USD giữa các ngân hàng ở mức trên 5%.
Theo ông Tuấn, đây là mức chênh lệch lớn và khó có khả năng thu hẹp trong tương lai gần. Cùng đó, nhu cầu USD cũng thường gia tăng vào cuối năm theo yếu tố mùa vụ khiến cho tỷ giá VND/USD nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
“Chúng tôi đánh giá, mặc dù áp lực lên VND đã tăng nhưng không gây áp lực lên ổn định kinh tế vĩ mô và mức giảm giá của VND so với USD vẫn còn khá thấp so với các đồng tiền khác trong khu vực. Khó có khả năng NHNN đảo chiều chính sách”. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng nhấn mạnh diễn biến gần đây của tỷ giá VND/USD sẽ khiến NHNN thận trọng hơn với các thông điệp nới lỏng chính sách tiền tệ.
Do đó, có nhiều khả năng NHNN sẽ không tiếp tục hạ lãi suất điều hành trước khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có động thái hạ lãi suất vào năm sau.
Ngoài ra, việc kỳ vọng NHNN hạ lãi suất điều hành cũng là một trong các động lực hỗ trợ đà tăng của thị trường trong 4 tháng vừa qua. Do đó, về tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam, kinh tế trưởng của MBS cho rằng nếu tỷ giá VND/USD tiếp tục tăng trong các ngày tới, nhiều khả năng TTCK sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh từ 3-5%.
VN-Index đã có phiên giảm nhẹ trong ngày 15/8. Dù mở cửa tăng điểm nhẹ nhưng đã nhanh chóng đảo chiều rơi xuống dưới mức tham chiếu và diễn biến này được duy trì hầu như xuyên suốt cả phiên, đóng cửa giảm 2,79 điểm (-0,23%), xuống 1.234,05 điểm.