Tỷ giá USD/VND bất ngờ tăng mạnh trong tháng cuối năm 2021. Ảnh: Dũng Minh

Tỷ giá USD/VND bất ngờ tăng mạnh trong tháng cuối năm 2021. Ảnh: Dũng Minh

Tỷ giá 2022 sẽ bình yên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi hoạt động giao thương được mở rộng ra toàn cầu, những biến động trên thị trường ngoại hối liên quan đến nhiều cặp tỷ giá khác nhau, chứ không riêng tỷ giá USD/VND, nên việc phòng ngừa rủi ro tỷ giá là vô cùng cần thiết…

Ngoại trừ tháng cuối năm, thị trường ngoại hối Việt Nam duy trì sự ổn định trong suốt năm 2021. Tuy nhiên, mức biến động 1-2% trong khoảng thời gian ngắn được đánh giá là bình thường và hợp lý trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Sự ổn định cao trong diễn biến tỷ giá USD/VND năm 2021 dựa vào một số yếu tố then chốt sau đây:

Thứ nhất, Việt Nam tiếp tục duy trì cán cân thương mại tăng trưởng vững chắc có thặng dư. Mức tăng trưởng tổng kim ngạch xuất khẩu trên 20% của Việt Nam trong năm 2021 thực sự gây ấn tượng với thị trường và các nhà đầu tư trong bối cảnh các trung tâm sản xuất công nghiệp, các khu chế xuất từ Bắc vào Nam trải qua nhiều tháng trong tình trạng phong tỏa để hạn chế dịch bệnh lây lan với rất nhiều khó khăn, thách thức do chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chi phí đầu vào (nguyên liệu, nhân công, vận chuyển…) tăng cao, cùng nhiều thủ tục phát sinh khác…

Thứ hai, Việt Nam tiếp tục thu hút dòng vốn nước ngoài mạnh mẽ trong năm 2021 thông qua các hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp vào sản xuất - kinh doanh, các hoạt động đầu tư gián tiếp vào thị trường vốn với sự tăng trưởng ngoạn mục về thanh khoản và giá trị của thị trường chứng khoán, đi cùng các hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) sôi động… đã bổ sung nguồn cung ngoại tệ dồi dào cho thị trường ngoại hối.

Thứ ba, kiều hối cũng là một yếu tố tác động tích cực tới tỷ giá năm 2021 với doanh số tiếp tục tăng trưởng từ khắp các châu lục có kiều bào và lực lượng xuất khẩu lao động Việt Nam. Dòng tiền này đã bù đắp hoàn toàn cho sự sụt giảm nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động du lịch.

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam
Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam

Thứ tư, nguồn vốn tài trợ của các tổ chức tài chính quốc tế cho các tổ chức tín dụng và kinh tế tại Việt Nam cũng bổ sung thêm nguồn cung ngoại tệ mạnh mẽ trong năm 2021. Tiền đồng Việt Nam đã tăng giá liên tục trong 11 tháng đầu năm 2021 và chỉ giảm giá nhẹ trong tháng 12 khi thị trường có nhu cầu ngoại tệ mạnh hơn để phục vụ hoạt động thương mại trong dịp lễ tết.

Các yếu tố trên đã hỗ trợ thị trường ngoại hối hoạt động ổn định, cơ quan quản lý tiếp tục tăng cường quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia. Trên cơ sở ổn định vĩ mô chung, lạm phát được kiểm soát, sự ổn định của thị trường ngoại hối và lãi suất tiếp tục tạo dựng lòng tin đến các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam.

Trong năm 2022, chúng tôi cho rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì được sự ổn định của thị trường ngoại hối với khả năng tăng trưởng tích cực từ hoạt động thương mại quốc tế, thu hút đầu tư trên nền tảng vĩ mô tiếp tục ổn định và một loạt hiệp định thương mại đi vào hiệu lực có chiều sâu.

Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, sự tăng trưởng ấn tượng của hoạt động xuất nhập khẩu trong năm 2021 đã khẳng định vị thế của Việt Nam là một mắt xích quan trọng không thể thiếu trong chuỗi sản xuất cung ứng hàng hóa toàn cầu hiện nay. Cùng với mức độ bao phủ tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trên diện rộng tại Việt Nam và trên thế giới, cũng như việc dỡ bỏ các rào cản đi lại, du lịch quốc tế trong năm 2022, thị trường đã bắt đầu nhìn thấy sự phục hồi kinh tế thương mại toàn cầu và Việt Nam chắc chắn được hưởng lợi với tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.

Chúng tôi chưa nhận thấy các yếu tố đảo ngược xu thế này, cho dù khả năng đi lên của lãi suất USD đã hiện hữu với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố có thể tăng lãi suất vài lần trong năm 2022, đưa mức lãi suất cơ bản USD từ 0% hiện nay lên 0,75- 1%/năm trong 12 tháng tới, cũng chưa có quan điểm tiêu cực về tác động của tỷ giá lên thị trường vốn nói chung, thị trường chứng khoán nói riêng tại Việt Nam do tin tưởng vào chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt, phù hợp của cơ quan quản lý những năm qua. Sự lớn mạnh của Quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia là một trong các yếu tố then chốt cho thấy cơ quan quản lý có đủ nguồn lực để quản lý, can thiệp thị trường khi cần thiết nhằm duy trì giá trị của tiền đồng Việt Nam.

Chúng tôi cho rằng, sự phát triển tiếp theo của thị trường vốn, thị trường chứng khoán tại Việt Nam sẽ phụ thuộc vào các giải pháp nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp trong hoạt động, vào các giải pháp công nghệ mới, sản phẩm mới trên cơ sở pháp lý được hoàn thiện thêm nữa, chứ không bị phụ thuộc nhiều vào diễn biến biến động ngoại hối. Năm 2022, dự báo tỷ giá USD/VND có thể tăng từ 1-2% so với hiện nay, mức giao dịch cụ thể trong quý I là 23.100 VND/USD, quý II là 23.200 VND/USD, quý III là 23.300 VND/USD và quý IV là 23.400 VND/USD.

Năm 2022, dự báo tỷ giá USD/VND có thể tăng từ 1-2% so với hiện nay, cụ thể mức giao dịch trong quý I là 23.100 VND/USD, quý II là 23.200 VND/USD, quý III là 23.300 VND/USD và quý IV là 23.400 VND/USD.

Chúng tôi cũng chia sẻ sự quan tâm tới diễn biến thị trường ngoại hối của các doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu, khi quản lý rủi ro tỷ giá luôn là vấn đề đáng lưu tâm vì tác động trực tiếp tới hiệu quả kinh doanh. Trên thực tế, thị trường luôn tồn tại những rủi ro không thể dự báo chính xác như dịch bệnh Covid-19, các biến động trong chính sách điều hành tiền tệ của các đồng tiền mạnh, chính yếu trên thế giới như USD, EUR, JPY…, các sự kiện bất ngờ có thể làm ngưng trệ chuỗi cung ứng, vận chuyển trong thương mại quốc tế cũng như các hoạt động kinh doanh tiền tệ tại các định chế tài chính lớn.

Khi hoạt động giao thương được mở rộng ra toàn cầu, những biến động trên thị trường ngoại hối liên quan đến nhiều cặp tỷ giá khác nhau, chứ không riêng tỷ giá USD/VND, nên việc doanh nghiệp quan tâm đến phòng ngừa rủi ro tỷ giá, lãi suất là vô cùng cần thiết, nhất là khi khung pháp lý về phòng ngừa rủi ro tỷ giá đã được hoàn thiện và có thể dễ dàng tiếp cận. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần thường xuyên tham khảo các báo cáo nghiên cứu và dự báo xu hướng biến động về vĩ mô, tỷ giá, lãi suất… từ các tổ chức uy tín, từ đó giúp đội ngũ quản lý tài chính của doanh nghiệp có cơ sở hoạch định các chiến lược quản lý rủi ro ngoại hối hiệu quả, kịp thời.

Các ngân hàng thương mại và các định chế tài chính luôn sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp trong hoạt động chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tư vấn, đào tạo, cung cấp dịch vụ, sản phẩm phòng ngừa rủi ro tỷ giá, lãi suất. Ngược lại, các công cụ này cần được xem xét là một yếu tố trọng tâm giúp doanh nghiệp kiểm soát chi phí đầu vào hoặc xác định dòng tiền doanh thu trong tương lai, chứ không phải là công cụ kinh doanh tài chính vốn không phải là hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp sản xuất, thương mại. Chúng tôi cũng khuyến nghị các doanh nghiệp xây dựng cơ chế, chính sách nội bộ đầy đủ, quy định rõ ràng công tác quản lý rủi ro ngoại hối, góp phần quan trọng trong việc quản trị doanh nghiệp hiệu quả, bền vững.

Tin bài liên quan