Twitter của Trung Quốc không tạo được “cú nổ” khi IPO

Twitter của Trung Quốc không tạo được “cú nổ” khi IPO

(ĐTCK) Với việc chính thức lên sàn Nasdaq dưới tên gọi WB vào ngày thứ Năm, mạng xã hội nổi tiếng Trung Quốc Weibo đã thành công bước đầu khi huy động được hơn 285 triệu USD sau ngày đầu ra mắt. Mặc dù kết quả này thấp hơn so với con số dự tính ban đầu, song nhiều chuyên gia cho rằng, nó phản ánh đúng thực tế căng thẳng trên thị trường cổ phiếu công nghệ hiện nay.

Weibo là một trang mạng xã hội có những tính năng kết nối tương tự như Twitter, đồng thời sở hữu khối lượng người dùng khổng lồ với trên 130 triệu người. Ngay khi tin tức về đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) của Weibo phát tán, rất nhiều người kỳ vọng Weibo sẽ làm nên kỳ tích như những gì Twitter đã làm được.

Thế nhưng, bối cảnh Twitter ra mắt công chúng hoàn toàn khác với thực tế bây giờ khi cái cảm giác “thèm muốn” dành cho cổ phiếu công nghệ đã “nhạt vị”, thậm chí là trở nên căng thẳng hơn khi nhiều cổ phiếu trong ngành đã chứng kiến mức giảm mạnh từ 10 - 15% chỉ trong một thời gian ngắn kể từ đầu tháng 3/2014. Twitter cũng không phải là ngoại lệ khi bị mất hơn 30% giá trị sau sự ra đi của hàng loạt nhà đầu tư.

Vậy đâu là lời giải cho sự sụt giảm nhanh chóng của cổ phiếu các công ty mạng? Câu trả lời nằm ở đà tăng trưởng của các tập đoàn công nghệ đã có phần chững lại, thậm chí sụt giảm hơn nhiều so với những năm trước. Ở thời kỳ đỉnh cao, Weibo từng có xấp xỉ hơn 600 triệu người đăng ký sử dụng, so với con số 646 triệu người dùng của Twitter. Song, mức đăng ký kỷ lục đó giảm xuống liên tiếp và chỉ còn 281 triệu người với cú giảm gần nhất 9% vào cuối năm 2013 so với cùng kỳ năm 2012.

Đơn vị chủ sở hữu Weibo, Sina Corp cũng thừa nhận rằng, lượng người dùng đang ngày càng đi xuống bất chấp những báo cáo nghiên cứu khác đều khẳng định số lượng tài khoản đăng ký có thể sẽ tiếp tục tăng. Theo số liệu của Viện Khoa học và Kỹ thuật thuộc Trường đại học ECNU East China Normal University, nhiều người dùng đã ngưng sử dụng tài khoản Weibo từ lâu mặc dù họ không chính thức đóng cửa trang cá nhân, dẫn đến lượng truy cập vào Weibo giảm mạnh 70% trong năm qua từ mức kỷ lục 1,6 triệu người truy cập cùng một thời điểm. Tuy nhiên, số liệu nghiên cứu này đã bị đại diện của Sina Weibo bác bỏ và cho là “thiếu căn cứ, không hoàn chỉnh và thiếu chính xác”.

Một báo cáo khác từ Trung tâm Thông tin mạng thuộc Bộ Thông tin Trung Quốc (CNNIC) cho thấy, số lượng người sử dụng mạng xã hội nói chung giảm 9%, từ 308 triệu người xuống còn 280 triệu người vào năm ngoái, song không đề cập cụ thể đơn vị nào chứng kiến mức giảm mạnh nhất.

Một trong những lý do khiến Weibo càng ngày bị “xa lánh” đó là vấn đề kiểm duyệt gắt gao. Nhiều người dùng cho rằng, Weibo đang quá nhạy cảm với những thông tin liên quan đến yếu tố chính trị, trong khi Twitter với hơn 1/3 lượng người sử dụng nước ngoài không hề can thiệp quá sâu vào vấn đề này.

“Các cơ quan chính quyền không chỉ xóa những bài viết, họ còn bắt đầu tiến hành bắt giam người làm sai. Hai việc làm này hoàn toàn khác hẳn nhau”, Giáo sư Qiao Mu ở Bắc Kinh, người đã bị xóa hơn 10 tài khoản kể từ thời điểm năm 2009 cho biết.

Cụ thể, tháng 9/2013, Tòa án Trung Quốc ban hành quy định mới, theo đó bất cứ ai đăng những bài viết có nội dung chỉ mới ở dạng “tin đồn” nhưng được “retweet” (trả lời lại) 500 lần đều có khả năng bị bắt giam. Theo số báo Bắc Kinh Daily ra trong tháng 11/2013, đã có 100.000 tài khoản Weibo bị xóa sổ hoặc nằm trong diện nghi ngờ sau khi luật mới có hiệu lực.

Không thể phủ nhận những trang mạng có lượng người truy cập cao đều tìm cách kiếm tiền thông qua quảng cáo. Twitter và Weibo không phải ngoại lệ khi đang kiếm lời trên lượng người sử dụng thông qua những mẩu quảng cáo xuất hiện trên trang chủ người dùng. Nhờ đó, doanh thu của cả Weibo và Twitter đều tăng gấp đôi trong năm 2013, lên tương ứng 188 triệu USD và 665 triệu USD.

Tuy nhiên, trong khi Twitter khá cân nhắc đối với những “tweet quảng cáo” khi phải chắc chắn đó là thông tin mà mọi người quan tâm, thì trang chủ Weibo luôn ngập chìm trong các mẩu quảng cáo, khiến người dùng phải không ngừng kéo xuống mới nhìn thấy tin nhắn riêng của họ.

Quan trọng hơn, thời điểm Weibo tăng trưởng chậm lại không may trùng hợp với đà đi lên của WeChat, một ứng dụng nhắn tin như WhatsApp. Theo một báo cáo gần đây của CNNIC, đã có 37,4% người ngừng sử dụng Weibo chuyển sang dùng WeChat trong năm 2013.

Đây là con số đáng cảnh báo khi cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các công ty mạng đang đến lúc cao trào. Weibo buộc phải có những động thái thay đổi chiến lược tích cực mới có thể lôi kéo người dùng trở lại và tác động tâm lý của nhà đầu tư.

Tin bài liên quan