Biểu tượng của Twitter trên máy tính bảng. (Nguồn: qz.com).
Ngày 1/2, mạng xã hội Twitter thông báo sẽ bắt đầu dãn nhãn những dòng chia sẻ (tweet) có nội dung sai lệch về vắcxin phòng COVID-19 và chặn những người dùng nhiều lần lan truyền những thông tin này.
Theo đó, Twitter giới thiệu một hệ thống cho phép từ dán nhãn tới dần loại bỏ những người dùng có dấu hiệu vi phạm nhiều lần (tối đa 5 lần).
Trong thông báo mới đăng tải, mạng xã hội Twitter khẳng định tin tưởng hệ thống mới sẽ góp phần giúp người dùng hiểu hơn những chính sách của công ty và tiếp tục giảm thiểu tình trạng lan truyền những thông tin có nguy cơ gây hại hoặc gây hiểu lầm.
Cụ thể, hệ thống này nhắm tới những trường hợp vi phạm (từ cấp độ nhẹ cho tới nghiêm trọng) những quy định của Twitter.
Người dùng sẽ nhận được lưu ý khi một dòng tweet bị dãn nhãn là gây hiểu nhầm hoặc cần phải gỡ bỏ vì vi phạm các quy định của nền tảng này.
Người dùng cũng bị đánh dấu một lần vi pham (1 strike). Ở lần vi phạm thứ 2 và thứ 3, tài khoản vi phạm sẽ bị chặn trong vòng 12 giờ mỗi lần.
Tài khoản vi phạm thứ 4 sẽ bị tạm khóa trong 7 ngày và bị chặn vĩnh viễm sau lần vi phạm thứ 5.
Hồi cuối năm ngoái, Twitter đã bắt đầu kêu gọi người dùng gỡ bỏ những thông tin gây hiểu lầm nghiêm trọng về đại dịch COVID-19, đặc biệt là những thông tin về vắcxin, những thông tin không có cơ sở về tác dụng phụ của vắcxin hay về nguồn gốc dịch bệnh.
Cho tới nay, Twitter đã dỡ bỏ hơn 8.400 tweet và gửi cảnh báo tới 11,5 triệu tài khoản trên toàn thế giới vì vi phạm quy định của mạng xã hội này về thông tin liên quan đại dịch COVID-19.
Hệ thống này cũng khá giống với hệ thống mà Twitter áp dụng với những thông tin sai lệch về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.
Hiện các chiến dịch tiêm chủng vắcxin COVID-19 đang được triển khai tại nhiều quốc gia trong nỗ lực nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân và đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường sau hơn một năm đảo lộn vì dịch bệnh.
YouTube và Facebook cũng nằm trong số những nền tảng liên tiếp thực hiện những biện pháp nhằm ngăn chặn lan truyền thông tin sai lệch về dịch bệnh và vắcxin.