Tờ Wall Street Journal đưa tin, Ủy ban bảo vệ dữ liệu (DPC) Ireland đã quyết định mức phạt 450 nghìn Euro (khoảng 560 nghìn USD) đối với mạng xã hội Twitter vì phạm lỗi tiết lộ dữ liệu riêng tư của người dùng vào tháng 1/2019.
Cụ thể, lỗ hổng trong hệ thống bảo mật của Twitter trên hệ điều hành Android đã khiến một số tweet cá nhân của người dùng bị công khai.
Theo điều khoản của Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) yêu cầu các công ty có nghĩa vụ thông báo cho các cơ quan quản lý trong vòng 72 giờ những vi phạm về dữ liệu.
Vụ việc đang gây chú ý bởi vì đây là công ty Mỹ lớn đầu tiên bị xử phạt vì vi phạm quy định về bảo mật dữ liệu mới của Liên minh châu Âu (Eu).
Cuộc điều tra được thực hiện dưới sự đứng đầu của DPC Ireland là do Twitter đặt trụ sở chính ở nước này. Trước đó vào tháng 5, DPC Ireland đã thông báo bản dự thảo về những vi phạm của Twitter theo Quy định chung về bảo vệ dữ liệu. Tuy nhiên vì vướng phải bất đồng với các cơ quan quản lý khác, dẫn đến vụ việc bị kéo dài cho đến tận ngày 15/12 mới đưa ra phán quyết cuối cùng.
Khoản tiền xử phạt ban đầu được đề nghị thấp hơn mức 450 nghìn Euro, lý do DPC tin rằng vi phạm của Twitter là do sơ suất chứ không phải mang tính chất cố ý và có hệ thống. Nhưng sau quá trình giải quyết tranh chấp, khoản tiền phạt 450 nghìn Euro đã được cơ quan này quyết định.
Tuyên bố trên TechCrunch, Twitter cho biết công ty tôn trọng quyết định xử phạt của DPC, việc chậm trễ báo cáo là do "sự cố không lường trước" gây ra bởi quá trình sắp xếp nhân sự mùa Giáng sinh 2018 và đón năm mới năm 2019. Twitter đã nghiêm túc tiến hành các biện pháp khắc phục để đảm bảo an toàn quyền riêng tư và dữ liệu của khách hàng.
Ngoài Twitter, hàng loạt các công ty công nghệ lớn của Mỹ cũng đang rơi vào tầm ngắm của DPC, trong đó có thể kể đến Facebook và các công ty con như WhatsApp.