Nghị quyết 52-NQ/TW có thể được coi như một tuyên ngôn của Đảng về cách mạng công nghiệp 4.0
Con đường sáng đang mở ra với các doanh nghiệp này cũng như vô vàn ý tưởng sáng tạo, đổi mới đang nở rộ tại Việt Nam.
Nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà Bộ Chính trị vừa ban hành có thể được coi như một tuyên ngôn của Đảng về cách mạng công nghiệp 4.0.
Nghị quyết đã có những yêu cầu rất cụ thể về hoàn thiện thể chế nhằm tạo thuận lợi cho việc chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Theo đó, Nghị quyết yêu cầu sớm ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư...
Điều đáng nói, khung thể chế sẽ được xây dựng trên nền tảng là cách tiếp cận mở, sáng tạo, cho thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Mọi biểu hiện bàng quan, thiếu tự tin, thụ động, chủ quan, nóng vội, duy ý chí… sẽ được kiểm soát, loại trừ.
Đặc biệt, Ban cán sự Đảng, Chính phủ được giao lãnh đạo xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; ban hành, triển khai Đề án Chuyển đổi số quốc gia và các đề án, chương trình, kế hoạch tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chỉ đạo xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các sản phẩm, mô hình, kinh doanh mới…
Nghị quyết cũng yêu cầu gắn các mục tiêu, nhiệm vụ tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các cấp, các ngành...
Cùng với Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Đề án Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ mới được Chính phủ phê duyệt, có thể kỳ vọng về những thay đổi rất lớn từ tư duy, hành động của các cơ quan Đảng, Chính phủ, Nhà nước tới từng đơn vị ở cơ sở trong thời gian tới.
Như vậy, có thể nói, mong muốn lớn nhất mà doanh nghiệp chờ đợi nhiều năm qua đã gần tới đích. Đó là có khung khổ pháp lý phù hợp để hoạt động, chấm dứt thế “đi trên dây” của nhiều ý tưởng, mô hình kinh doanh mới.
Thực tế, nhiều mô hình kinh doanh mới của nền kinh tế chia sẻ xuất hiện và đang hoạt động tại Việt Nam. Có thể nhắc tới dịch vụ vận tải, dịch vụ tài chính, dịch vụ lưu trú...
Những dịch vụ này được người tiêu dùng đón nhận hào hứng bởi sự thuận tiện, thân thiện, chi phí rẻ, nhưng các doanh nghiệp ứng dụng lại luôn trong tình trạng không biết mình có kinh doanh đúng pháp luật hay không.
Trên thực tế, hầu hết văn bản pháp luật hiện hành chưa có quy định liên quan đến kinh tế chia sẻ; còn thiếu các cơ chế, chính sách quy định về quản lý, giám sát hoạt động của mô hình kinh tế chia sẻ. Cũng chưa có các chính sách cụ thể đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa kinh tế truyền thống và kinh tế chia sẻ.
Hơn thế, những băn khoăn, lấn cấn của các cơ quan quản lý nhà nước trong tìm kiếm cách thức quản lý các mô hình này khiến rủi ro của doanh nghiệp bị nhân lên.
Một ví dụ điển hình hay được nhắc tới là cuộc chiến dai dẳng giữa taxi truyền thống với taxi công nghệ. Một ví dụ khác nữa, đó là chỉ trong vài năm, có cơ quan quản lý đã ra hơn một chục phiên bản dự thảo nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, song vẫn còn những điểm cần bổ sung, chỉnh sửa…
Tình trạng này chắc chắn sẽ được kiểm soát bởi các yêu cầu mới của Nghị quyết. Tuy vậy, cũng phải nhắc lại rằng, tốc độ đang là thước đo của cuộc cách mạng 4.0. Nhà nước đã thể hiện rất rõ vai trò chủ động kiến tạo hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo với những thể chế vượt trội, tạo thuận lợi tối đa cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, cũng như thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới...
Tốc độ thực thi là điều không thể lơ là.