Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân: Rõ thêm lộ trình tái sinh

0:00 / 0:00
0:00
Thi công dang dở do bị đình hoãn, giãn tiến độ suốt từ năm 2011 đến nay, Dự án Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân dài 131 km đang có tín hiệu tích cực, với lộ trình “tái sinh” rõ ràng hơn.
Dự án Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân thực hiện dang dở, “tê liệt” từ năm 2011 đến nay.

Dự án Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân thực hiện dang dở, “tê liệt” từ năm 2011 đến nay.

Hoàn thành vào năm 2030

Đã có những tín hiệu tích cực đối với Dự án Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân, nếu chiểu theo báo cáo mới nhất vừa được Ban Quản lý dự án đường sắt gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vào cuối tuần trước.

Điểm nhấn đáng chú ý nhất trong bản báo cáo này là việc Ban Quản lý dự án Đường sắt cho biết đã hoàn tất Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án.

Cụ thể, theo kết quả nghiên cứu do liên danh tư vấn Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) - Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng GTVT (TRICC) lập, việc tiếp tục triển khai Dự án Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân là cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển và phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo động lực phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Ước tính, tổng mức đầu tư bổ sung để hoàn thiện toàn bộ tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân khoảng 7.102 tỷ đồng.

Liên danh TEDI - TRICC cũng đã dự kiến kế hoạch thực hiện Dự án ngay trong giai đoạn 2025 - 2030, cụ thể: lập điều chỉnh Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi (đã hoàn thành Báo cáo và trình Bộ GTVT); trình Chính phủ thẩm định, chấp thuận chủ trương đầu tư trong năm 2025; lập Báo cáo Nghiên cứu khả thi và phê duyệt Dự án: từ năm 2025 đến năm 2026; thiết kế kỹ thuật: từ năm 2026 đến năm 2027; thi công xây dựng: từ năm 2027 đến năm 2030.

Trong Báo cáo số 3266, Ban Quản lý dự án đường sắt không nói rõ nguồn vốn triển khai, nhưng vào cuối năm 2019, đơn vị này cũng đã từng thất bại trong việc mời các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư hoàn thiện tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.

Trước đó, vào cuối tháng 6/2024, ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt khẩn trương hoàn thiện Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án nhằm hoàn thành tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân trước năm 2030 theo yêu cầu của Bộ Chính trị tại Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 về định hướng phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

“Về quy mô và giải pháp thiết kế cho Dự án, cần bám sát quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030 để triển khai thực hiện, phù hợp kết quả dự báo nhu cầu vận tải, phương án tổ chức chạy tàu trong mạng lưới đường sắt. Giải pháp thiết kế các hạng mục công trình tận dụng tối đa các hạng mục đã đầu tư, đảm bảo hiệu quả đầu tư”, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy lưu ý.

Gỡ hệ lụy đình hoãn

Được biết, Dự án Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân dài 131 km, với tổng mức đầu tư 7.663 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2004; được khởi công vào năm 2008, dự kiến hoàn thành năm 2011.

Theo thiết kế, tuyến đường sắt mới này sử dụng đường lồng (gồm đường khổ 1,435 m và 1 m) sử dụng ray hàn liền, có hệ thống thông tin tín hiệu hiện đại và các nút giao cắt khác mức với các quốc lộ để đạt tốc độ 120 km/giờ cho tàu khách và 80 km/giờ cho tàu hàng. Nếu tuyến đường này hoàn thành, hành trình tàu khách chạy từ Hạ Long về Yên Viên còn 1,5 - 2 giờ; tàu hàng là 3 - 4 giờ.

Tuy nhiên, do bị đưa vào danh sách các dự án phải đình hoãn, giãn tiến độ theo chủ trương cắt giảm đầu tư công tại Nghị quyết số 11/2011/NQ-CP của Chính phủ, công trình rơi vào tình trạng “tê liệt” suốt từ năm 2011 đến nay.

Ngoài tiểu dự án Hạ Long - cảng Cái Lân dài 5,66 km với tổng mức đầu tư 1.510 tỷ đồng cơ bản hoàn thành vào năm 2011, 3 tiểu dự án còn lại của Dự án thực hiện dở dang, nhiều hạng mục phải “đắp chiếu” bảo quản.

Theo ông Mai Minh Việt, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt, khi dừng/giãn, các hạng mục công trình đang dở dang, để đảm bảo an toàn công trình, Bộ GTVT đã chỉ đạo triển khai thi công đến điểm dừng kỹ thuật. Tuy nhiên, do còn thiếu một số thủ tục, điều kiện, nên các bên không tổ chức nghiệm thu khối lượng đã thực hiện với giá trị khối lượng chưa được nghiệm thu là 254,47 tỷ đồng.

“Đến nay, một số hạng mục công trình đã bị xuống cấp, suy giảm chất lượng, khối lượng nghiệm thu thực tế tại thời điểm hiện nay sẽ sai khác với hồ sơ tại thời điểm dừng, giãn. Mặt khác, thời gian thực hiện hợp đồng đã hết, nên Ban Quản lý dự án đường sắt đang gặp khó khăn trong việc nghiệm thu, quyết toán đến điểm dừng kỹ thuật do không ký được phụ lục hợp đồng”, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết.

Tin bài liên quan