Tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình tiếp tục chờ tháo gỡ chính sách

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Doanh nghiệp dự án BOT đang phải bù lỗ chênh lệch do trần lãi suất huy động vốn chưa sát thực tế dẫn tới càng triển khai càng lỗ.
Tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình tiếp tục chờ tháo gỡ chính sách

Cơ chế trần lãi suất huy động chưa sát thực tế

Thời gian qua, Chính phủ đã và đang đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ từ Bắc tới Nam, triển khai các dự án cao tốc, các dự án vành đai, dự án kết nối… với quyết tâm Việt Nam sẽ là điểm sáng thu hút các doanh nghiệp FDI trong khu vực. Để thực hiện mục tiêu này, kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng đến năm 2030 của Việt Nam dự kiến lên tới 900.0000 tỷ đồng, đây là nhu cầu tương đối lớn, nên cần phải huy động mọi nguồn lực từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Trong bối cảnh này, việc triển khai đồng loạt các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), hình thức hợp đồng BOT để huy động tối đa nguồn vốn xã hội cùng tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng được đánh giá cao. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các dự án theo hình thức hợp đồng BOT để phát triển cơ sở hạ tầng đã bộc lộ một số bất cập về cơ chế xác định lãi suất vốn vay, điều này đã và đang ảnh hưởng tới hàng loạt nhà đầu tư và hệ quả là nguy cơ thua lỗ kéo dài nếu không được tháo gỡ vướng mắc kịp thời.

Đầu tháng 11/2022, nhóm các nhà đầu tư các dự án BOT đã trình đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp Dự án BOT. Quy định về điều chỉnh lãi suất vốn vay là một trong những vướng mắc lớn nhất và chung nhất của nhóm các nhà đầu tư này.

Ngày 28/5/2024, Công ty TNHH Đầu tư đường ven biển Hải Phòng (doanh nghiệp dự án) tiếp tục kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ giải quyết những vướng mắc cấp bách cho Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn TP. Hải Phòng và 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình theo hình thức PPP (viết tắt: Tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình) để nhà đầu tư tiếp tục triển khai và sớm đưa dự án vào khai thác.

Dự án Tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình theo hình thức hợp đồng BOT có tổng chiều dài 29,7 km, tổng vốn đầu tư 3.758,6 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước tham gia là 720 tỷ đồng, vốn BOT là 3.038,6 tỷ đồng (vốn vay là 2.138,6 tỷ đồng, chiếm 70% vốn BOT).

Dự án gặp vướng mắc rất lớn do chênh lệch lãi suất vốn vay giữa thực tế và theo quy định tại hợp đồng BOT, khoảng 5 - 6%/năm. Với mức chênh lệch này, nhà đầu tư cho biết, Dự án sẽ bị thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng. Việc này vượt quá khả năng cân đối tài chính và dẫn tới phá sản doanh nghiệp dự án.

Để tháo gỡ khó khăn này, UBND TP. Hải Phòng đã đồng hành cùng với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và đã 2 lần báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh lãi suất vốn vay và nguyên tắc xác định lãi suất vốn vay. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có đủ cơ sở để UBND TP. Hải Phòng thương thảo, đàm phán với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án về điều chỉnh lãi suất vốn vay.

Nhà đầu tư nản lòng dù vẫn mong muốn tiếp tục triển khai để sớm đưa vào khai thác

Theo phản ánh của nhà đầu tư, dự án càng làm, chênh lệch lãi vay càng lớn và có nguy cơ âm vốn chủ sở hữu đã buộc nhà đầu tư mặc dù có quyết tâm, có kinh nghiệm nhưng do vướng mắc về lãi vay chưa được giải quyết đã khiến dự án bị chậm tiến độ và kéo dài hơn dự kiến.

Thực tế, tính tới thời điểm hiện tại, việc giải phóng mặt bằng Dự án Tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình đã hoàn thành, nhà đầu tư đã thực hiện đầu tư 2.377/3.038 tỷ đồng, đạt 78,2% giá trị hợp đồng và sản lượng phần xây lắp đạt 1.868/2.549 tỷ đồng, đạt 73,3%. Ngoài ra, tổng giá trị huy động đạt 2.204,51/3.100 tỷ đồng, đạt 71,1% tổng giá trị huy động của dự án.

Cầu qua sông Văn Úc có tổng chiều dài 2.217 m đã hoàn thành từ tháng 5/2023 (dự án thành phần của Tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình)

Cầu qua sông Văn Úc có tổng chiều dài 2.217 m đã hoàn thành từ tháng 5/2023 (dự án thành phần của Tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình)

"Như vậy, nhà đầu tư về cơ bản đã triển khai được phần lớn khối lượng công việc, nếu được tháo gỡ khó khăn, dự án có thể hoàn thành trong vòng 1 năm tới", đại diện doanh nghiệp dự án nói và cho biết, nếu cơ chế không được tháo gỡ, dự án có nguy cơ tạm dừng, không thể tiếp tục triển khai và phải thanh lý hợp đồng BOT.

Cũng theo nhà đầu tư, nếu trường hợp xấu xảy ra phải chấm dứt hợp đồng BOT trước hạn. Khi đó, phải thực hiện hàng loạt thủ tục pháp lý rất phức tạp, mất rất nhiều thời gian của các cơ quan liên quan. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền phải tổ chức lập lại tổng mức đầu tư với đơn giá mới cao hơn, áp dụng lãi suất vốn vay theo quy định mới nhất, phải tổ chức lựa chọn lại nhà đầu tư Dự án…

Do đó, nhà đầu tư mong muốn tháo gỡ vướng mắc để Dự án tiếp tục triển khai và có thể bàn giao trong vòng 1 năm tới, mà không phải mất thêm thời gian để xử lý thủ tục pháp lý phức tạp và tổ chức lựa chọn lại nhà đầu tư.

Tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình nếu hoàn thành sẽ là cầu nối cho các địa phương mà tuyến đường đi qua, đồng thời kết nối giao thông hành lang ven biển Bắc Bộ, góp phần nâng cao hiệu quả việc sử dụng tài nguyên biển, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng Bắc Bộ.

"Chúng tôi hiểu rằng vấn đề này liên quan đến quy định chính sách nên không thể xử lý nhanh chóng, nhưng chúng tôi đang rất kỳ vọng sự vào cuộc từ cơ quan liên quan sẽ giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là vướng ở đâu gỡ ngay ở đó, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Nếu được áp dụng chính sách tại Nghị định số 28/2021/NĐ-CP, nhà đầu tư không được hưởng bất cứ lợi ích gì, mà chỉ giúp nhà đầu tư không phải bù lỗ do chênh lệch lãi vay", đại diện doanh nghiệp dự án chia sẻ.

Tin bài liên quan