Chuyển hướng…
7h tối, điện thoại cho cô em gái thấy tắt máy và nhắn “em không nghe được máy, đang họp”. Trong bụng thầm nghĩ, do dịch Covid-19, nhân viên ngân hàng giờ được nghỉ việc ở nhà đầy ra, có tuyển dụng thêm đâu mà họp.
Cô em gái người viết làm ở khối nhân sự, được phân vào nhóm gián tiếp (back-office), đúng ra mùa dịch phải rất rảnh chứ, hoặc chí ít được phép làm online!
Sau nửa giờ, cô em gái điện thoại lại phân trần: “Cả ngày nay em tuyển dụng nhân sự bên chi nhánh. 5h quay lại họp với lãnh đạo về kế hoạch tuyển dụng đã thực hiện được bao nhiêu, tại sao chưa thực hiện đủ, hướng giải quyết… nên về muộn”.
Ðem thắc mắc về việc các ngân hàng đang cho nhân viên nghỉ luân phiên không lương, giảm giờ làm đồng thời là giảm lương, buộc nghỉ việc các cộng tác viên…, thì ngân hàng em lại tuyển dụng.
Cô em gái giải thích: “Ngân hàng em đã dừng tuyển nhân sự ngay từ đầu năm bộ phận back-office, giờ tuyển dụng nhân sự chỉ là nhân viên bán hàng”.
Quả vậy, khảo sát của Báo Ðầu tư Chứng khoán trên trang tuyển dụng nhân sự ngân hàng cho thấy, hầu hết các ngân hàng đã không còn đăng tin tuyển nhân viên bộ phận back-office thông thường, mà tập trung vào telesales, dịch vụ khách hàng như TPBank;
Khách hàng doanh nghiệp như VPBank và SeABank; cho vay ô tô, bất động sản, kinh doanh và đặc biệt là thu hồi nợ như VIB; phê duyệt tín dụng, quản lý rủi ro, quản lý nợ có vấn đề như VietinBank; chuyên viên xử lý nợ như SeABank và MB…
Câu chuyện thu hồi nợ thực sự đang là vấn đề lớn của các ngân hàng. Ông Nguyễn Ðức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank cho biết : “Ngân hàng thành lập Ban chỉ đạo, tổ chức các đội, thậm chí 50% lực lượng kinh doanh chuyển sang quản lý nợ, thu hồi, cấu trúc nợ vì số lượng rất nhiều”.
Chuyên viên tuyển dụng một ngân hàng cho biết: “Một số trang tuyển dụng vẫn còn các vị trí back-office, nhưng khi liên lạc trực tiếp, các ứng viên đều được thông báo tạm dừng. Nhân sự bộ phận back-office nếu nghỉ việc, ngân hàng không tuyển dụng thêm, mà luân chuyển giữa các phòng ban”.
... Ðến dừng tuyển mới
Ngoài chuyện chuyển hướng tuyển dụng, thì tại một số ngân hàng, theo khảo sát của Báo Ðầu tư Chứng khoán, thậm chí đã dừng tuyển dụng mới, một số ứng viên được tuyển từ cuối năm 2019 nhưng chưa đi làm đã nhận được “thư xin lỗi” vì “kế hoạch thay đổi”.
Chưa thấy ngân hàng nào tuyên bố sa thải, nhưng việc giảm tuyển và dừng tuyển trong điều kiện chắc chắn có những nhân sự nghỉ việc trong năm sẽ dẫn tới số lao động ngành ngân hàng năm nay được dự báo giảm.
Chưa thấy ngân hàng nào tuyên bố sa thải, nhưng việc giảm tuyển và dừng tuyển trong điều kiện chắc chắn có những nhân sự nghỉ việc trong năm sẽ dẫn tới số lao động ngành ngân hàng năm nay được dự báo giảm.
Thực tế, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế quốc tế và trong nước, tác động tới nhiều ngành kinh tế, các ngân hàng đánh giá tình hình kinh doanh của ngành tài chính - ngân hàng trong quý I/2020 diễn biến kém tích cực hơn so với các quý trước.
Theo đó, nhu cầu sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng của khách hàng có biểu hiện chững lại, đặc biệt là nhu cầu tín dụng; mức độ rủi ro của các nhóm khách hàng được nhận định có xu hướng tăng nhẹ trong quý I/2020 và cả năm 2020.
Do vậy, hầu hết các ngân hàng đều điều chỉnh giảm kỳ vọng về kết quả hoạt động kinh doanh, tăng trưởng tín dụng và huy động vốn trong năm 2020 so với kỳ vọng đã đặt ra từ cuối năm 2019.
Nguyên nhân chủ yếu là do sự suy giảm “điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng” và “cầu của nền kinh tế đối với các sản phẩm dịch vụ ngân hàng” trong quý I/2020 và dự kiến có thể kéo dài trong cả năm 2020.
Ông Ðỗ Quang Hiển, Chủ tịch HÐQT SHB cho biết, với các giải pháp đang triển khai để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, SHB dự tính lợi nhuận năm 2020 của Ngân hàng có thể giảm 2.308 tỷ đồng, chiếm 27% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Ðặc biệt, SHB dự phòng số lượng khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 có thể lên tới 15.000 khách, với dư nợ trên 100.000 tỷ đồng, có thể số lợi nhuận bị ảnh hưởng lên tới 40% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Câu chuyện tương tự ở Agribank được ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Ngân hàng thông tin: “Phương án tài chính Agribank đã xác định lại, toàn bộ doanh thu năm nay sẽ giảm 6.000 tỷ đồng, lợi nhuận giảm khoảng 20%, trích lập dự phòng 16.000 tỷ đồng. Việc cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ việc trích lập dự phòng rất khó khăn, phân loại nợ rất khó, tinh thần cố gắng 16-18.000 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận Agribank còn 11.040 tỷ đồng”.
Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý II/2020 do Vụ Dự báo - Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) thực hiện cho biết, tình hình kinh doanh của ngành tài chính - ngân hàng trong quý I/2020 diễn biến kém tích cực hơn so với các quý trước.
Cụ thể, số tổ chức tín dụng đánh giá tình hình kinh doanh “cải thiện” giảm và số tổ chức tín dụng đánh giá “suy giảm” tăng (từ 0% lên 12,4% so với kỳ điều tra trước).
Lợi nhuận trước thuế toàn hệ thống được kỳ vọng trong năm 2020 giảm đáng kể so với mức kỳ vọng 16,92% của các tổ chức tín dụng ghi nhận tại cuộc điều tra tháng 12/2019 (việc giảm lợi nhuận được các tổ chức tín dụng đánh giá do giảm nguồn thu từ hầu hết các hoạt động kinh doanh của đơn vị).
Trong các nhân tố khách quan, “diều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng” được các tổ chức tín dụng nhận định đã diễn biến “tiêu cực hơn” trong quý I/2020 (chỉ số cân bằng ở mức -5,7%, với 33,4% tổ chức tín dụng đánh giá “tiêu cực”).
Trong khi đó, “cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của tổ chức tín dụng” được nhận định suy giảm rõ rệt so với quý trước (chỉ số cân bằng chỉ đạt 5,2% so với mức 25% của quý IV/2019).
Hầu hết các nhân tố chủ quan đều diễn biến kém tích cực hơn so với quý trước với chỉ số cân bằng giảm. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh từ các tổ chức tín dụng khác cũng được các tổ chức tín dụng dự báo sẽ gay gắt hơn so với nhận định tại cuộc điều tra tháng 12/2019…
Theo đó, thị trường lao động ngành tài chính ngân hàng có xu hướng phát triển chậm lại trong năm 2020.
Theo kết quả điều tra, 45,2% tổ chức tín dụng cho biết đã tăng thêm lao động trong quý I/2020, đồng thời cũng có 23,1% tổ chức tín dụng cho biết đã cắt giảm lực lượng lao động.
Dự kiến đến cuối năm 2020 so với cuối năm 2019, 62,5% tổ chức tín dụng dự kiến sẽ tăng lao động; 27,9% tổ chức tín dụng dự kiến giữ nguyên lao động và 8,7% tổ chức tín dụng dự kiến cắt giảm lực lượng lao động trong năm.