Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông: Gia tăng sức ép triển khai thu hồi vốn nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
Vẫn chưa có nhiều bước tiến trong cụ thể hóa phương án thu hồi vốn nhà nước đã đầu tư vào các đoạn đường bộ sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.
Thi công tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45.

Thi công tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45.

Thu theo Luật Giá

Theo thông tin mà phóng viên Báo Đầu tư mới nhận được, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) một lần nữa phát công văn gửi Bộ Tài chính để “thúc” tiến độ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án thu hồi vốn nhà nước đã đầu tư vào các đoạn đường bộ sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Trong Công văn số 1774/BGTVT-TC, ngày 25/2/2022, Bộ GTVT đề nghị lãnh đạo Bộ Tài chính trên cơ sở phương án thu hồi vốn do Bộ GTVT đề xuất, sớm báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

Nếu Bộ Tài chính chấp thuận đề xuất này, lộ trình triển khai thu phí hoàn vốn đối với các đoạn đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông do Nhà nước đầu tư 100% vốn mới chính thức được kích hoạt, bao gồm 2 bước.

Bước thứ nhất, Chính phủ trình Quốc hội/Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết chấp thuận bổ sung dịch vụ sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá vào Luật Giá; hình thức định giá: giá cụ thể. Quốc hội sẽ giao thẩm quyền Chính phủ quyết định việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc để thu hồi vốn nhà nước đã đầu tư đối với các đoạn cao tốc được đầu tư toàn bộ bằng ngân sách nhà nước trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Sau khi Quốc hội/Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết, Chính phủ xem xét, quyết định cho phép Bộ GTVT triển khai các thủ tục và thực hiện đầu tư bổ sung hạ tầng thu phí, trang thiết bị, hệ thống phần mềm thu phí... trên các đoạn đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ nguồn đầu tư công của các dự án. Trong trường hợp nguồn kinh phí dự án đầu tư công không còn, cho phép sử dụng nguồn thu phí để hoàn trả kinh phí đầu tư hạ tầng, trang thiết bị, phần mềm... thu phí.

Bước thứ hai, Chính phủ giao Bộ Tài chính, Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan để tổ chức thực hiện và tiếp tục giao Bộ GTVT lập Đề án Khai thác, quản lý các đoạn đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông trình Thủ tướng phê duyệt làm cơ sở triển khai.

Cần phải nói thêm, sức ép phải sớm triển khai thu hồi vốn nhà nước đã đầu tư vào các đoạn đường bộ sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đối với Bộ GTVT đang tăng lên, sau khi đoạn Cao Bồ - Mai Sơn được thông xe hôm 4/2. Ngoài đoạn tuyến này, trong năm 2022, sẽ có ít nhất 4 phân đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông khác được đầu tư 100% vốn nhà nước được đưa vào khai thác.

Đấu thầu lựa nhà cung cấp

Tại Thông báo kết luận số 217/TB-VPCP, ngày 23/8/2021, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã chỉ đạo, trong trường hợp xác định sự cần thiết phải có cơ sở pháp lý để chuẩn bị, tổ chức triển khai cơ chế thu đối với dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư vào thời điểm phù hợp trước khi Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được ban hành, có hiệu lực, Bộ GTVT chủ động đề xuất việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gửi Bộ Tài chính tổng hợp.

Trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT, Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan, xin ý kiến các ủy ban của Quốc hội để hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy định thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc qua trạm thu phí do Nhà nước đầu tư, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào thời điểm thích hợp khi có đề xuất của Bộ GTVT.

Tại Tờ trình số 160/TTr-TCĐBVN, ngày 30/11/2021 về phương án thu hồi vốn nhà nước đã đầu tư vào các đoạn đường bộ sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đề xuất 1 phương thức quản lý, khai thác, vận hành là cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trực tiếp tổ chức khai thác.

Với mức thu phí dự kiến 1.000 đồng - 1.500 đồng/xe tiêu chuẩn/km, tổng phí thu được (đã trừ các khoản chi tổ chức thu phí) tại 8 tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông ước khoảng 2.190 tỷ đồng/năm. Sau khi chi cho công tác bảo trì, tổ chức thu sẽ nộp vào ngân sách, hoàn lại một phần vốn đã được Nhà nước đầu tư.

Để đảm bảo khách quan, minh bạch, 8 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ áp dụng công nghệ thu phí điện tử không dừng.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án, đơn vị này sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí cho từng chu kỳ 5 - 8 năm.

Trong 3 tháng đầu sau khi dự án đưa vào sử dụng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất không thu phí để khảo sát lưu lượng, hoàn thiện các thủ tục lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ thu phí. Sau khi thu phí được 5 - 8 năm, sẽ tổ chức đánh giá hiệu quả của phương thức khai thác hiện tại và nghiên cứu triển khai phương thức khai thác khác (nếu phù hợp).

“Để có thể triển khai thu phí, cần thực hiện nhiều bước, thủ tục pháp lý, đòi hỏi có thời gian triển khai. Do đó, việc trình Quốc hội phê duyệt chủ trương thu hồi vốn nhà nước đã đầu tư vào các đoạn đường bộ sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam, phía Đông đang rất cấp bách”, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết.

So với việc lưu thông trên các tuyến quốc lộ song hành, phương án lưu thông trên 8 tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông do Nhà nước đầu tư sẽ tiết kiệm được khoảng 1.500 - 6.000 đồng/xe tiêu chuẩn/km. Phương tiện có lợi ích lớn nhất là xe khách và xe con với khoảng 2.500 - 6.000 đồng/xe tiêu chuẩn/km; xe tải có lợi ích thấp hơn, bình quân 1.500 - 3.000 đồng/xe tiêu chuẩn/km.

Tin bài liên quan