“Tút” Facebook gây tranh cãi của lãnh đạo HOSE đáp trả ý kiến của ai?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự kiện nổi bật nhất trên thị trường chứng khoán ngày 24/2/2020 không liên quan đến giao dịch, điểm số tăng giảm, hay thanh khoản của thị trường mà lại là một “status” đăng trên mạng xã hội Facebook của lãnh đạo cao nhất tại Sở GDCK TP. HCM (HOSE) ông Lê Hải Trà.
“Tút” Facebook gây tranh cãi của lãnh đạo HOSE đáp trả ý kiến của ai?

Ảnh chụp Status trên Facebook của ông Trà có nội dung “Anh bảo này, lúc chúng mày rùng mình có gọi anh không?”, cùng các bình luận và trả lời bình luận lan truyền trên khắp các diễn đàn, hội nhóm nhà đầu tư chứng khoán ở các mạng, phần mềm chát trực tuyến như zalo, viber...

Hầu hết các ý kiến bình luận đều cho rằng, phát ngôn trên mạng xã hội, dùng từ ngữ như vậy không phù hợp với vị trí một lãnh đạo Sở Giao dịch. Nhiều người ban đầu nghi ngờ đây là tin giả, hoặc Facebook nhái, không chính chủ hoặc tài khoản của Thành viên phụ trách HĐQT HOSE bị hack.

Các ý kiến bình luận điển hình trên mạng xã hội đối với status của ông Trà là “Phát ngôn như bọn trẩu tre”, “Đường đường đứng đầu một Sở Giao dịch chứng khoán mà phát ngôn trên FB như vậy”, “Nếu không làm hệ thống tốt hơn thì ít nhất anh cũng nên tốt hơn chứ”, “Đây là phát ngôn của Chủ tịch đấy á”...

Tất cả các ý kiến đều nhận định câu trạng thái này của ông Trà là dành cho những người đang bức xúc vì tình trạng giao dịch không thông suốt trên sàn TP.HCM được miêu tả bằng các từ chỉ hiện tượng như nghẽn lệnh, đơ bảng điện, hay hình ảnh “rút phích”...

Trong suốt thời gian từ cuối tháng 12/2020 khi xảy tình trạng nghẽn lệnh, chỉ trích của nhà đầu tư dành cho Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM ngày một tăng. Đặc biệt là chỉ trích dành cho ông Trà , với tư cách là người đứng đầu HOSE và là người cung cấp thông tin chính, trả lời giải thích lý do nghẽn lệnh qua cuộc tiếp xúc với báo chí, qua một vài bài phóng vấn của báo chí.

Theo các quy định của Luật Chứng khoán, doanh nghiệp niêm yết cần công bố các thông tin quan trọng, có ảnh hưởng đến giá chứng khoán trong vòng 24 đến 72 giờ tùy mức độ. Thế nhưng, một đại vấn đề là năng lực xử lý của hệ thống giao dịch, có thể ảnh hưởng đến toàn thị trường lại được công bố thông tin một cách không bài bản.

Kể từ khi sự cố nghẽn lệnh xảy ra, HOSE chưa tổ chức một cuộc họp báo nào, không có một thông cáo báo chí chính thức nào hay chưa có một lời xin lỗi nào dành cho nhà đầu tư. Trong khi lỗi hệ thống vẫn thể hiện trên bảng điện gây bức xúc cho nhà đầu tư thi status của người đứng đầu HOSE như đổ thêm dầu vào lửa.

Nhiều người trong giới đầu tư cho biết, status của ông Trà xuất hiện sau khi một nhà đầu tư lâu năm, từng là lãnh đạo ở Công ty chứng khoán VNDS đăng lên Facebook những câu hỏi nghi vấn về tình trạng của thị trường có nội dung chất vấn về các vấn đề của thị trường và gợi ý việc từ chức, nhường ghế của người chịu trách nhiệm.

Nhà đầu tư này cho biết, không bình luận gì về việc thị trường gán ghép bình luận của ông là lý do dẫn đến dòng trạng thái trên mạng xã hội của người đứng đầu HOSE.

Với status gây rúng động cộng đồng nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán của người đứng đầu, HOSE có thể đang đứng trước một cuộc khủng hoảng truyền thông bên cạnh khủng hoảng về lỗi hệ thống liên tiếp xảy ra.

Chia sẻ góc nhìn với phóng viên Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch học viện MVV, chuyên gia về truyền thông cho rằng: “Các cơ quan chính phủ cần có guideline (hướng dẫn) cho phát ngôn trên mạng xã hội của quan chức, công chức. Việc này tôi cũng đã từng góp ý cho Bộ Ngoại giao. Ủy ban Chứng khoán cũng nên có hướng dẫn này”.

Sau khi ông Trà trả lời phỏng vấn báo chí cung cấp thông tin về cách hệ thống giao dịch tại HOSE chia lệnh theo thuật toán từ Chicago và dung lượng lệnh tối đa sàn tiếp nhận được 900.000 lệnh/phiên, nhà đầu tư buộc lòng chấp nhận việc sàn sẽ "đơ" không tiếp nhận khi lệnh khi tiệm cận đến số lệnh tối đa này. Và thời điểm này thường xảy ra vào cuối giờ giao dịch buổi chiều.

Tuy nhiên, trong những phiên giao dịch sau đó, lỗi hệ thống xảy ra không chỉ vào thời điểm giao dịch buổi chiều như trước mà cũng không phải khi thanh khoản đã tăng đến ngưỡng giới hạn 18.000 tỷ đồng.

Điển hình là ngày 28/1, ngay trong phiên sáng, việc bảng điện không hiển thị, không cập nhật lệnh mua bán kịp thời là nguyên nhân quan trọng kích hoạt nhà đầu tư hoảng loạn đặt lệnh MP nhằm bán bằng mọi giá, khiến thị trường trắng bên mua có lúc giảm điểm kỷ lục trong lịch sử đến 75 điểm.

Hay mới đây là ngày 24/2, khi thị trường giảm điểm thì đầu giờ chiều bảng điện đã bị "đơ".

Một nhà đầu tư giao dịch chuyên nghiệp mô tả: “Chiều 24/2, lúc thị trường vừa mở cửa vài phút thì bảng điện đứng hình không cập nhật vào hệ thống mà thanh khoản thị trường phiên buổi sáng chỉ khoảng 7.000 tỷ đồng, nhưng phút đầu giờ giao dịch buổi chiều thông thường không phải là giờ giao dịch cao điểm của nhà đầu tư cá nhân nên cũng không thể nói là quá tải lệnh. Sau 10 phút khi bảng điện hoạt động trở lại thị trưởng từ giảm 2 điểm lúc đầu đã giảm rất nhanh xuống hơn 20 điểm. Có những cổ phiếu bị giảm sàn vào lúc này như DXG. Thị trường không đến nỗi hoảng loạn như phiên 28/1 nhưng lỗi tương tự. Lỗi này khác với những phiên nghẽn lệnh mà nhà đầu tư cứ nhìn thanh khoản để đoán thời điểm nghẽn”.

Thị trường lại chờ những lời giải đáp chính thức từ phía HOSE hơn là một câu status ('tút') gây rúng động.

Tin bài liên quan