Cùng một dòng chảy
Trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2019, du lịch Đà Nẵng bứt tốc, kéo theo thị trường bất động sản cũng được “phá băng”, phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đây cũng là giai đoạn bất động sản Quảng Nam, đặc biệt là khu vực Bắc Hội An diễn ra hết sức sôi động.
Tại Đà Nẵng, từ cuối năm 2015, phân khúc đất nền hồi sinh mạnh mẽ sau hơn 4 năm thị trường đóng băng. Đây là thời điểm các dự án khu đô thị quy mô lớn được đầu tư xây dựng như Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, Khu đô thị Nam cầu Nguyễn Tri Phương, FPT City Đà Nẵng, Đà Nẵng Pearl, Khu đô thị Golden Hills… Trừ Dự án Golden Hills nằm ở phía Tây Bắc Đà Nẵng, các dự án còn lại đều có điểm chung là nằm ở khu vực Đông Nam Đà Nẵng, nơi có vị trí giáp ranh với tỉnh Quảng Nam.
Các dự án tại Đà Nẵng thu hút hàng loạt nhà đầu tư lớn trên cả nước, tạo hiệu ứng lan tỏa giúp thị trường bất động sản Quảng Nam dần sôi động theo. Đặc biệt là tại khu vực Bắc Hội An, thị xã Điện Bàn - nơi được giới đầu tư đánh giá là thị trường Nam Đà Nẵng, gần như trong giai đoạn 2015 - 2019, các dự án bất động sản được nhà đầu tư trên cả nước quan tâm đều nằm trong quy hoạch Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, thuộc khu vực dọc hai bên sông Cổ Cò, đoạn giáp ranh Đà Nẵng đến hết phường Điện Dương (thị xã Điện Bàn).
Bên cạnh phân khúc đất nền, bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng - Quảng Nam trong giai đoạn 2015 - 2019 cũng phát triển hết sức mạnh mẽ với hàng loạt dự án lớn được đầu tư xây dựng dọc ven biển từ Sơn Trà vào đến Hội An, điển hình như Ariyana, Four Points by Sheraton, Shilla Monogram, The Nam Hai… Đặc biệt là Tổ hợp giải trí nghỉ dưỡng Cocobay.
Sự sôi động của thị trường bất động sản Đà Nẵng - Quảng Nam trong giai đoạn này không chỉ giúp nền kinh tế phát triển, mà còn góp phần đẩy nhanh quá trình hoàn thiện hạ tầng đô thị của hai địa phương.
Cần sự đồng bộ, khớp nối
Ông Phan Thế Đức, Giám đốc chiến lược Công ty cổ phần Bất động sản Đông Phong nhận định, với thị trường bất động sản Quảng Nam - Đà Nẵng, đây cũng là một sự kết nối về mặt kinh tế khi giữa hai thị trường này có tính chất liên kết, tương hỗ và lan tỏa với nhau. Do vậy, ngay khi làm công tác lập quy hoạch, cả hai địa phương đều phải xem xét đến sự kết nối tuyến tính nhau thông qua các tuyến giao thông huyết mạch như đường Trường Sa, Hoàng Sa - Dũng Sỹ Điện Ngọc, Lê Văn Hiến - Trần Đại Nghĩa, sông Cổ Cò…
“Ngay cả với việc quy hoạch tổng thể hay quy hoạch chi tiết các phân khu, các dự án, cả hai địa phương cũng cần phải ngồi với nhau để bàn bạc nhằm tạo ra tính đồng bộ. Đặc biệt là khi Đà Nẵng - Quảng Nam là hai địa phương đã có lịch sử phát triển gắn với nhau lâu dài, cùng chung các tuyến giao thông xương sống quan trọng”, ông Đức nhận định.
Theo ông Đức, nhìn xa hơn, khu vực Bắc Quảng Nam có thể trở thành một đô thị vệ tinh trong tương lai nhằm giải tỏa áp lực cho đô thị trung tâm Đà Nẵng, giống như trường hợp hai đô thị vệ tinh là Bình Dương, Đồng Nai với TP.HCM.
“Trong tương lai, giữa hai địa phương cần phải phát triển thêm các tuyến giao thông công cộng mới, đó có thể là các tuyến metro, tàu điện ngầm, cao tốc… nhằm giúp mở rộng thêm tính kết nối. Mật độ dân số ngày càng đông, nhu cầu nhà ở ngày càng lớn, trong khi các đô thị trung tâm đang quá tải về mặt hạ tầng nên dẫn đến xu hướng dịch chuyển, hình thành các đô thị vệ tinh đa cực. Hiện nay, khi tính liên kết về mặt giao thông đã tốt hơn nhiều, thì việc kết nối giữa đô thị vệ tinh với đô thị trung tâm cũng trở nên thuận lợi”, ông Đức góp ý.
Mới đây, tại Hội thảo “Khơi thông sông Cổ Cò: Đột phá mới cho phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam và Đà Nẵng”, các chuyên gia cho rằng, việc tiến hành khơi thông nạo vét sông Cổ Cò của Đà Nẵng - Quảng Nam sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Trước mắt, Đà Nẵng và Quảng Nam cần kết nối, khớp nối quy hoạch tổng thể chung, bao gồm cả khu vực 28 km sông Cổ Cò để tạo sự đồng bộ và thuận lợi cho phát triển dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh cho biết, Quảng Nam - Đà Nẵng đã thống nhất thành lập Ban điều phối quy hoạch sông Cổ Cò để sửa đổi những bất cập về không gian hai bên sông. Cùng với đó, hai địa phương đang bàn biện pháp đồng bộ hóa quy hoạch theo kiến trúc cảnh quan chung.
“Thời gian tới cần điều chỉnh cục bộ các công trình tạo điểm nhấn kiến trúc dọc sông Cổ Cò. Những điểm chưa đầu tư sẽ đầu tư từ nguồn lực của Nhà nước và cả những doanh nghiệp tư nhân hưởng lợi từ dự án”, ông Thanh nói.