“Tướng mới” bảo hiểm và sức ép cổ tức

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ba công ty bảo hiểm liên tục thay nhân sự cấp cao và có chung cổ đông lớn DB (Hàn Quốc) là VNI, PTI, BSH đều nhiều năm liền không chia cổ tức cho cổ đông.

Mới đây, tại Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH, mã BHI), Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Vinh và 5 thành viên HĐQT gồm ông Vũ Đức Trung, ông Lê Đăng Khoa, ông Vũ Đức Tiến, ông Lưu Danh Đức, ông Nguyễn Văn Trưởng và 1 thành viên ban kiểm soát là bà Ninh Thị Lan Phương đã đồng loạt từ nhiệm. Ông Vinh đảm nhận ghế Chủ tịch HĐQT BSH thay bố mình là ông Đỗ Quang Hiển từ giữa năm 2022.

Trước đó, vào tháng 7/2023, ông Vinh thôi làm Phó chủ tịch HĐQT SHBFinance. Ông Vinh hiện là Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS).

Thay vào danh sách miễn nhiệm là danh sách ứng cử nhân sự bổ sung cho thời gian còn lại nhiệm kỳ 2023-2028 gồm ông Kim Kang Wook, ông Oh Ji Won và ông Đoàn Kiên được nhóm cổ đông sở hữu 75% cổ phần là DB đề cử vào vị trí thành viên HĐQT BSH. Bà Trần Bích Hợp được bầu vào vị trí thành viên Ban kiểm soát BSH.

Đầu tháng 4/2024, ông Kiên được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc phụ trách, trực tiếp điều hành BSH. Trước khi đảm nhận chức vụ này, ông Kiên từng nắm giữ một số vị trí chủ chốt tại Bảo hiểm Bưu điện (PTI, mã PTI).

Không chỉ tại BSH, với việc đổi chủ, nắm cổ phần chi phối tại 2 doanh nghiệp bảo hiểm khác của Việt Nam là PTI và Bảo hiểm Hàng không (VNI, mã AIC), Tập đoàn DB Insurance Co., Ltd (DBI) - Hàn Quốc đã liên tiếp thay tướng tại các doanh nghiệp này. DB là 1 trong 5 hãng bảo hiểm lớn nhất Hàn Quốc, bên cạnh những tên tuổi khác như Samsung Fire & Marine Insurance, Hyundai Marine & Fire Insurance, Meritz và KB Insurance.

Tại VNI, Chủ tịch HĐQT là bà Lê Thị Thanh Hà và 4 thành viên còn lại gồm ông Nguyễn Thành Nam, ông Trần Sỹ Tiến, bà Nguyễn Diệu Trinh, bà Nguyễn Quỳnh Trang đều miễn nhiệm, đồng thời bầu bổ sung 4 thành viên mới thay thế (nhiệm kỳ 2023-2028 giảm số lượng thành viên HĐQT từ 5 người xuống còn 4 người).

Tính đến cuối tháng 1/2024, DB đã sở hữu 75% cổ phần và trở thành cổ đông lớn nhất của VNI. Được biết, trước khi đổi chủ, cả BSH và VNI đều có chung “ông chủ” là ông Đỗ Quang Hiển.

Với PTI, nhà bảo hiểm này cũng thông qua việc miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với bà Vũ Nam Hương, ông Jung Young, ông Mai Xuân Dũng; miễn nhiệm thành viên ban kiểm soát đối với ông Lee Tae Hun.

Hiện tại, DB đang nắm giữ 37% cổ phần tại PTI và một điều trùng hợp là cả 3 công ty bảo hiểm có chung cổ đông lớn này đều nhiều năm liền không chia cổ tức.

Những năm gần đây, dù thị trường khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp phi nhân thọ vẫn trả cổ tức cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng, ngoại trừ PTI, BSH và VNI. Trong đó, PTI có 2 năm liên tiếp 2022, 2023 nói không với cổ tức và dự kiến năm 2024 tiếp tục không chia do giảm cả kế hoạch doanh thu và lợi nhuận. Còn tại VNI, với số lợi nhuận khiêm tốn 24,6 tỷ đồng đạt được năm 2023, tính từ năm 2017 đến nay, nhà bảo hiểm này 7 năm liền không chia cổ tức cho cổ đông.

Thực tế, việc thay đổi nhân sự cấp cao tại các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn luôn diễn ra và sự xáo trộn dường như gia tăng khi doanh nghiệp đổi chủ. Theo đó, hiệu quả kinh doanh được thể hiện qua việc chia cổ tức, diễn biến giá cổ phiếu… là áp lực không nhỏ đối với các “chủ mới”, “tướng mới”.

Tại đại hội cổ đông của Bảo hiểm Petrolimex (PJICO, mã PGI) mới đây, ngoài ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan sau một năm thay đổi cả chủ tịch HĐQT lẫn tổng giám đốc (CEO), cổ đông Trịnh Minh Phúc thắc mắc việc Ban lãnh đạo mới đặt mục tiêu chi trả cổ tức hàng năm bình quân tối thiểu 8%/vốn điều lệ bằng tiền trong giai đoạn 2024-2029, thấp hơn mức cổ tức năm 2023 là 12% bằng tiền.

Trả lời cổ đông, tân Chủ tịch HĐQT PJICO - ông Phạm Thanh Hải cho hay, đây chỉ là kế hoạch tối thiểu, nếu kết quả kinh doanh sau này thuận lợi có thể chi cao hơn. Ngoài ra, mục đích giảm chi cổ tức là để tăng lợi nhuận giữ lại cho Công ty.

Tại VNI và BSH, việc không chia cổ tức trong nhiều năm liền cũng nhằm giữ lại nguồn vốn bổ sung cho hoạt động kinh doanh, tăng tổng lợi nhuận giữ lại. Hiện tại, tổng lợi nhuận để lại của VNI là 81,2 tỷ đồng và BSH là 197 tỷ đồng. Đây được coi là cách hấp dẫn những nhà đầu tư tương lai, cổ đông mới như DB.

Ở khối bảo hiểm nhân thọ, từ quý II/2023 đến nay, có 5 doanh nghiệp bổ nhiệm CEO mới là AIA, MB Ageas Life, Manulife, Daiichi và Generali. Trong đó, mới nhất, MB Ageas Life bổ nhiệm ông Bùi Trung Kiên giữ chức CEO từ cuối tháng 2/2024. Việc thay đổi một loạt CEO diễn ra sau khi ngành bảo hiểm nhân thọ trải qua cuộc khủng hoảng niềm tin lớn nhất từ trước tới nay. Bởi vậy, trong thời gian tới, sức ép vực dậy doanh nghiệp đối với các “tướng mới” này là rất lớn.

Tin bài liên quan