Phiên thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Ảnh: Phạm Thắng

Phiên thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Ảnh: Phạm Thắng

Tường minh về giá đất ngay trong Luật Đất đai

0:00 / 0:00
0:00
Tham gia thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, cả Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đều nhấn mạnh rằng, giá đất là vấn đề rất khó, cần được xử lý thấu đáo.

Chỉ quy định trong nghị định thì làm sao Quốc hội yên tâm thông qua

Sau khi tiếp thu ý kiến nhân dân, cuối tuần qua, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo) lại tiếp tục được Quốc hội cho ý kiến.

Báo cáo Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, trong 12.107.457 lượt ý kiến góp ý đối với Dự thảo, về tài chính đất đai, giá đất có 1.035.394 lượt ý kiến; còn về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có 1.008.494 lượt ý kiến.

Đây cũng là hai vấn đề được nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện.

Trong Dự thảo, Điều 158 giao Chính phủ quy định chi tiết việc xác định giá đất; nội dung, điều kiện áp dụng phương pháp định giá đất; xây dựng và áp dụng bảng giá đất, định giá đất cụ thể; kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện; tư vấn định giá đất.

Sau khi thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, quy định như Dự thảo về “phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường” là chưa thực sự rõ ràng, chưa bảo đảm thể chế đầy đủ, toàn diện theo yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW về phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, chính sách tài chính về đất đai phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.

Phát biểu tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai có yêu cầu phải có phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, Dự thảo, khi quy định về vấn đề này, lại giao Chính phủ quy định chi tiết về phương pháp định giá đất. "Các đồng chí đọc lại các điều, khoản về giá đất. Quy định như thế này, thì Quốc hội khó thảo luận", Chủ tịch Quốc hội nhận xét.

Ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong Dự thảo Luật Đất đai, khó nhất là tài chính đất đai, còn trong tài chính đất đai thì khó nhất là giá đất. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần phải quy định cụ thể trong luật về nguyên tắc và phương pháp để Quốc hội còn cho ý kiến.

"Như thế sẽ tường minh hơn. Hơn nữa, một trăm người góp ý thì hơn một người. Chứ chờ thông qua luật, rồi Chính phủ mới xây dựng nghị định thì có khi lại khó. Người ta nói, càng nhiều phương pháp thì càng khó xác định. Rồi lại đặt câu hỏi tại sao anh áp dụng phương pháp kia, mà không áp dụng phương này... ", ông Vương Đình Huệ phân tích.

Dẫn câu chuyện TP.HCM đề xuất cho phép áp dụng phương pháp hệ số K để tính giá đất tại Dự thảo Nghị quyết thí điểm chính sách đặc thù cho thành phố này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phương pháp này minh bạch và cũng dễ làm hơn.

"Khi Luật Đất đai quy định rõ về giá đất, thì nhà đầu tư sẽ biết chi phí đầu vào trong phương án tài chính của mình là bao nhiêu, cơ quan hữu quan cứ thế áp thôi, rất minh bạch... TP.HCM áp dụng nhiều rồi, lần này tiếp tục đề xuất áp dụng hệ số K", Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Ông Vương Đình Huệ cũng lưu ý, "cái khó nhất" trong định giá đất là ở những khu vực giáp ranh ở cùng một tỉnh hay hai tỉnh khác nhau, khi một bên là đô thị đặc biệt, một bên là đô thị thường, giá đất chênh lệch rồi sinh ra khiếu kiện.

Vì thế, Chủ tịch Quốc hội lo ngại: "Thế mà tất cả định giá đất Dự thảo bỏ đâu hết, rồi bảo giao Chính phủ quy định trong nghị định, thì làm sao Quốc hội yên tâm thông qua. Quan điểm chúng tôi là Chính phủ đưa ra, không sợ dài, quy định rõ nguyên tắc, phương pháp. Trí tuệ của toàn dân, Quốc hội và cả xã hội chắc chắn đóng góp tốt hơn. Còn hơn sau đó, Chính phủ vất vả đi làm việc này", ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Ở tổ thảo luận khác, đề cập về giá đất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói đây là vấn đề được cử tri quan tâm.

Định giá thế nào cho phù hợp phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN là vấn đề khó, thị trường thì luôn lên - xuống, mình tuân thủ thị trường thì có can thiệp gì khi cần thiết không? Phải cân đối chỗ này. Cần có công cụ của Nhà nước vừa để thị trường phát triển lành mạnh, nhưng không tạo nên xáo trộn, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi phải nhường đất triển khai các dự án.

Theo Thủ tướng, cái này là khó, không lượng hóa ra được sẽ dễ dẫn đến không bám sát thực tế và tùy tiện, dẫn đến cái sai.

Mạnh dạn phân cấp, phân quyền

Thảo luận tại tổ, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, pháp luật hiện hành quy định chặt chẽ vấn đề quản lý việc chuyển mục đích sử dụng các loại đất (đất lúa nước, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ quy mô trên 20 ha, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên) phải được Chính phủ chấp thuận bằng văn bản. Việc tập trung quản lý quá mức vào Trung ương như hiện nay không phát huy được sự sáng tạo, chủ động của địa phương, tăng chi phí xã hội.

“Dự thảo quy định về điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất… đã có phần cụ thể hơn so với dự thảo xin ý kiến nhân dân, thể hiện sự phân cấp mạnh mẽ cho địa phương. Sự phân cấp này là cần thiết. Lần sửa đổi này, nội dung nào phân cấp được thì cần phân cấp mạnh mẽ”, ông Đồng nêu quan điểm.

Đồng tình với đại biểu Hà Sỹ Đồng, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các vị đại biểu rà soát lại việc phân cấp, phân quyền đang rất vướng. “Ý kiến anh Đồng phát biểu, tôi rất tán thành, phải được quy định trong luật thì Chính phủ mới làm được”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ví dụ, một số loại đất cần chuyển đổi phải trình lên đến Thủ tướng Chính phủ, qua quy trình nhiều bước thì mất rất nhiều thời gian, làm lãng phí nguồn lực và cơ hội.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, phân cấp, phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực và nâng cao khả năng thực thi của đơn vị được phân cấp; tăng cường kiểm tra, giám sát. Nếu không tăng cường kiểm tra, giám sát có khi lại đi chệch hướng, không đi đúng mục tiêu của mình.

Thêm một lần nhấn mạnh cần mạnh dạn phân cấp, phân quyền, Thủ tướng nêu, vừa qua, một số tỉnh, thành phố đề xuất cơ chế đặc thù đều đề xuất việc phân cấp, chứng tỏ đó chính là vướng mắc từ thực tiễn rồi, chứ không phải cơ chế ưu đãi.

“Đề nghị đại biểu Quốc hội ủng hộ phân cấp, phân quyền, tất nhiên, phải xem đến mức độ nào phù hợp với trình độ quản lý ở mỗi cấp, ta quản lý được. Ta phải tin tưởng chứ, vì ở mỗi cấp đều có tổ chức Đảng lãnh đạo, có cơ quan nhà nước, có các đoàn thể… làm công tác kiểm tra, giám sát. Vậy tại sao không mạnh dạn? Tôi mong muốn đại biểu rà soát phân cấp, phân quyền xem luật thiết kế thế được chưa”, Thủ tướng phát biểu.

Liên quan quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Thủ tướng cho rằng, đây cũng là vấn đề cần quy định rõ thẩm quyền, phân cấp, phân quyền và giảm thủ tục hành chính, để vừa giải quyết vấn đề trước mắt, vừa có tầm nhìn dài hạn để phát triển bền vững, lâu dài.

Nhìn tổng thể, Thủ tướng hai lần nhấn mạnh Luật Đất đai là luật khó, nhạy cảm, phạm vi rộng, đối tượng nhiều, thời gian dài, vừa phải xử lý những vấn đề bất cập trước đây, vừa phải xử lý việc hiện tại, nhưng phải có tầm nhìn trong tương lai. Bởi thế, ông mong đại biểu Quốc hội phát huy trí tuệ, đầu tư thêm thời gian, công sức để hoàn thiện Dự thảo.

“Ý kiến nhân dân cũng nhiều, song cố gắng chắt lọc để xây dựng đạo luật chất lượng, đáp ứng nhu cầu cuộc sống, có tầm nhìn và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Chính phủ sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp, tiếp thu tối đa ý kiến hợp lý. Phải làm sao cho luật rõ ràng, vừa phải dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm, dễ giám sát, dễ kiểm tra”, Thủ tướng phát biểu.

Theo nghị trình, Quốc hội sẽ dành cả ngày 21/6 để thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Đất đai sửa đổi.

Hồ sơ gửi chậm, khó khăn lớn cho đại biểu

Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, Luật Đất đai là dự án luật hết sức đồ sộ, phức tạp, đại biểu cần có thời gian nghiên cứu thấu đáo, song hồ sơ hoàn thiện gửi đến đại biểu quá chậm, tờ trình ngày 29/5 mới hoàn thành và theo đó cơ quan thẩm tra cũng hoàn thành báo cáo thẩm tra trễ theo, chỉ cách đây 3 ngày mới có.

Đồng quan điểm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt cho rằng, việc gửi hồ sơ dự án chậm đã gây khó khăn rất lớn cho việc nghiên cứu tham gia ý kiến của các đại biểu Quốc hội, trong khi đây là dự án luật rất quan trọng, nhận được sự quan tâm lớn của đại biểu và cử tri.

Tin bài liên quan