Tháng 11/2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 23 tại Manila (Philippines) theo lời mời của Tổng thống Philippines Benigno Aquino III. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Tháng 11/2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 23 tại Manila (Philippines) theo lời mời của Tổng thống Philippines Benigno Aquino III. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Tương lai xán lạn đang chờ Việt Nam

Nhân dịp đầu năm mới, lãnh đạo một số tổ chức quốc tế và đại sứ quán chia sẻ cảm nhận về những thành tựu của Việt Nam sau 30 năm đổi mới, cũng như kỳ vọng của họ trong nỗ lực đổi mới kinh tế của Việt Nam. 

ADB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam cải cách kinh tế. 

Tương lai xán lạn đang chờ Việt Nam ảnh 1

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam 
 

Nếu nhìn vào thành công về kinh tế của Việt Nam từ khi sự nghiệp Đổi mới được tiến hành năm 1986, tôi tin rằng, bất cứ ai cũng đồng ý rằng, việc tạo ra môi trường kinh doanh thân thiện, thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân như là cỗ máy tăng trưởng quan trọng, cải cách doanh nghiệp nhà nước, khu vực tài chính và cải thiện sức cạnh tranh, sẽ là trọng tâm của chiến lược tổng thể về cải cách kinh tế.

Như chúng tôi đã khuyến nghị Chính phủ Việt Nam, việc đẩy nhanh cải cách doanh nghiệp nhà nước sẽ giảm thiểu các rủi ro và hỗ trợ tăng trưởng thông qua cải thiện việc phân bổ nguồn lực. Trong khi Chính phủ đã đạt nhiều tiến bộ, thì cũng cần nỗ lực hơn nữa để đẩy nhanh thực hiện và cải thiện sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành. Chính phủ cũng cần đẩy mạnh giám sát khu vực tài chính và phát triển hệ thống tài chính đa dạng và minh bạch hơn, có khả năng huy động vốn đầu tư từ nhiều kênh để phát triển, cả cho phát triển kết cấu hạ tầng.

Tuy nhiên, để có thể đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội, thì Việt Nam còn nhiều việc phải làm. Về chính sách, vẫn còn nhiều văn bản quan trọng chưa được ban hành. Trong khi đó, việc hội nhập ngày càng mạnh mẽ của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu đã, đang và sẽ tạo ra nhiều cơ hội, cũng như đặt ra nhiều thách thức, rủi ro. Việt Nam cần phát triển hơn nữa năng lực thể chế để đẩy mạnh cải cách và giảm thiểu các rủi ro như thế.

Khi Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển cho 5 năm tới, ADB cũng đang thực hiện Chiến lược Đối tác Quốc gia mới đối với Việt Nam. Chiến lược này được thiết kế phù hợp với Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 của Việt Nam để chúng tôi có thể hỗ trợ Việt Nam nhiều hơn nữa.

Tương lai xán lạn đang chờ Việt Nam ảnh 2

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam
 

Chuẩn bị cho nền kinh tế cất cánh.

Bước vào năm 2016, nhìn chung, bức tranh kinh tế của Việt Nam là tích cực. Kinh tế đã hồi phục từ sự suy giảm trong 4 năm qua và hiện bắt đầu một quỹ đạo đi lên. Chúng tôi tin rằng, sự phục hồi kinh tế này sẽ được duy trì trong bối cảnh thị trường thế giới bất ổn hiện nay. Triển vọng kinh tế Việt Nam được cho là mạnh hơn so với một số nước trong khu vực.

Việt Nam đang bắt đầu một làn sóng hội nhập khu vực và quốc tế mới, dự kiến sẽ mở ra những thị trường mới và hỗ trợ sự nghiệp công nghiệp hóa của đất nước qua việc mang tới cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, nâng cao sự tham gia của họ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng sẽ vượt xa hơn hội nhập thương mại để thúc đẩy hiện đại hóa và lộ trình của Việt Nam hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế trong một loạt vấn đề thể chế.

Việt Nam đã bắt đầu có được sự quan tâm lớn hơn từ các nhà đầu tư sau các hiệp định quốc tế và đã thấy có sự dịch chuyển của một số doanh nghiệp từ nước khác, đặc biệt là Trung Quốc, nhằm tận dụng lợi thế của việc thực hiện TPP sắp tới. 

Việt Nam đã duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô trong 3 năm liền, giữ cho lạm phát dưới 1% - mức thất nhất kể từ năm 2001 và duy trì ổn định tỷ giá hối đoái trong sự biến động của thị trường tài chính toàn cầu. Đặc biệt quan trọng là sự dịch chuyển dần sang chính sách quản lý tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn của Ngân hàng Nhà nước, nhằm đối phó với áp lực lên VND, ổn định thị trường ngoại hối và hỗ trợ sự cạnh tranh của nền kinh tế.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với một số thách thức. Áp lực tài khóa đang gia tăng dẫn tới nợ quốc gia tăng. Đối với nền kinh tế mở của Việt Nam, sẽ cần dự trữ ngoại hối lớn hơn để chống lại những biến động bên ngoài. Xây dựng lại không gian tài chính và dự trữ ngoại hối sẽ củng cố khả năng phục hồi kinh tế vĩ mô và làm cho nền kinh tế có khả năng đối phó cao hơn với những cú sốc cả trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, đã có nhận thức rằng, để duy trì tăng trưởng, cần khả năng cạnh tranh cao hơn và năng suất ngày càng lớn hơn. Những đổi mới toàn diện và sâu sắc về cơ cấu là cần thiết để giải quyết các vấn đề tồn tại về thể chế, như khu vực công còn lớn, cơ chế thị trường chưa hoàn thiện và môi trường đầu tư rườm rà.

Hướng tới năm 2016, Việt Nam có thể tận dụng làn sóng hội nhập mới để tiếp thêm sức mạnh và làm sâu sắc hơn những cải cách mạnh mẽ, nhằm chuẩn bị cho nền kinh tế cất cánh một cách bền vững hơn, đảm bảo thành công của Việt Nam với tư cách là nước thu nhập trung bình thịnh vượng trong những năm tới.

Tương lai xán lạn đang chờ Việt Nam ảnh 3

Ngài Ng Teck Hean, Đại sứ Singapore tại Việt Nam
 

Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách kinh tế.           

Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ quan trọng trong 30 năm đổi mới. Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới vào năm 2007 và trở thành quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2008, Việt Nam đã tiếp tục đạt được nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực. Về mặt kinh tế, Việt Nam đã áp dụng một số biện pháp giải quyết các vấn đề trong nền kinh tế của mình.

Việt Nam cũng đang hội nhập sâu hơn vào cộng đồng toàn cầu thông qua việc thiết lập các đối tác chiến lược với nhiều quốc gia, trong đó có Singapore. Việt Nam cũng quan tâm vào hội nhập kinh tế khu vực thông qua các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Đây là thời điểm quan trọng đối với quá trình phát triển của Việt Nam. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ vạch ra phương hướng của Việt Nam trong 5 năm tới. Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách kinh tế nhằm tận dụng tối đa các cơ hội mà hội nhập kinh tế toàn cầu đem lại.

Điều này bao gồm các nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế, giải quyết các vấn đề trong các khu vực doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng, và tăng năng suất lao động. Những cải cách này sẽ giúp Việt Nam tăng sức cạnh tranh và trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm các doanh nghiệp đến từ Singapore đang rất muốn đóng góp vào sự phát triển kinh tế Việt Nam.

Tương lai xán lạn đang chờ Việt Nam ảnh 4

Ông Jonathan Dunn, Đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam
 

Một câu chuyện thành công lớn về nỗ lực phát triển.    

Việt Nam là một câu chuyện thành công lớn về nỗ lực phát triển. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế nhờ sự lãnh đạo mạnh mẽ, dựa nhiều vào các thị trường để phân bổ nguồn lực và hội nhập tích cực vào nền kinh tế thế giới về thương mại và đầu tư. Với xuất phát điểm là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, Việt Nam giờ đây đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, đạt được nhiều thành tựu kinh tế -xã hội vốn chỉ thấy ở các quốc gia có mức thu nhập cao hơn nhiều.

Từ năm 2000, kinh tế của Việt Nam đã tăng trưởng trung bình hơn 6,5%/năm và trong số các nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Việt Nam cũng đã đạt được ổn định kinh tế vĩ mô trong 4 năm qua. Với mức tăng trưởng mạnh mẽ và khả năng tạo việc làm to lớn, Việt Nam cũng đã đạt thành tựu hầu như chưa từng có về giảm nghèo trong những năm gần đây.

Triển vọng tăng trưởng thuận lợi trong thời gian tới của Việt Nam có thể được tăng cường thông qua tiếp tục cải cách và các hành động chính sách dựa trên thành tựu đã đạt được trước đây. Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô sẽ là yếu tố then chốt đối với thành công của cải cách trong tương lai và đối với khả năng Việt Nam tối đa hóa các lợi ích có thể đạt được từ các hiệp định thương mại tự do gần đây.

Sự ổn định này sẽ được củng cố thông qua việc tiếp tục điều hành tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn trong khi vẫn duy trì được lạm phát thấp. Tương tự, củng cố tài khóa từng bước, vẫn hỗ trợ tăng trưởng mà duy trì chi đầu tư và chi xã hội cấp thiết cũng sẽ là yếu tố quan trọng để kiểm soát nợ công và củng cố sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Nói rộng hơn, thực hiện các cải cách cơ cấu nhanh hơn và chất lượng hơn sẽ giúp cải thiện niềm tin và đẩy mạnh tăng trưởng, nhằm tạo việc làm và cơ hội cho lực lượng lao động năng động và lớn mạnh nhanh chóng của Việt Nam. Đặc biệt, cải cách khu vực tài chính vẫn là ưu tiên hàng đầu, vì một hệ thống ngân hàng lành mạnh và được quản lý tốt sẽ hỗ trợ tăng trưởng thông qua việc đảm bảo rằng, các nguồn lực sẽ chảy vào các ngành, lĩnh vực sinh lợi nhất.

Tương lai xán lạn đang chờ Việt Nam ảnh 5

Bà Nguyễn Thị Lê Hoa, Phó giám đốc Oxfam tại Việt Nam
 

Đáng lo nhất là bất bình đẳng về tiếng nói và cơ hội.   

Sau 30 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đương đầu với nhiều khó khăn trước mắt. Quan trọng nhất là vấn đề bất bình đẳng thu nhập đang tăng lên nhanh chóng (đo bằng chỉ số Gini, tăng từ 0,32 năm 1993 đến nay trung bình là 0,42 - cao hơn các nước OECD với Gini trung bình 0,31).

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Oxfam, loại bất bình đẳng đáng lo ngại nhất ở Việt Nam là bất bình đẳng về tiếng nói và cơ hội, đặc biệt đối với nhóm người nghèo ở nông thôn, miền núi. Nghiên cứu nhấn mạnh rằng, người dân lo ngại về khoảng cách ngày càng lớn trong tiếp cận hệ thống giáo dục chất lượng và cơ hội bình đẳng khi xin việc làm để con cái họ có được cuộc sống tốt đẹp hơn. 

Oxfam đề xuất 3 giải pháp chiến lược, có ý nghĩa sống còn đối với Việt Nam để đạt được phát triển bền vững và công bằng.

Thứ nhất, đảm bảo quản trị toàn diện và công bằng, tăng cường tiếng nói và quyền năng của các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm nông dân sản xuất quy mô nhỏ, dân tộc thiểu số, phụ nữ, thanh niên nghèo và lao động nhập cư. Điều này được thực hiện thông qua việc đảm bảo cơ hội bình đẳng trong học tập, phát triển năng lực, kỹ năng và sự tự tin để họ có thể tận dụng các cơ hội mà hội nhập mang lại.

Thứ hai, bên cạnh việc huy động toàn bộ nguồn lực cho tăng trưởng, Việt Nam cần tái cơ cấu các chính sách về tài chính công và tái phân bổ nguồn lực. Sử dụng hiệu quả các nguồn lực giảm nghèo, minh bạch trong tiếp cận thông tin và tạo cơ chế, không gian cho thực hiện trách nhiệm giải trình là những chìa khóa chủ yếu.

Cuối cùng, tài chính cho phát triển phải hướng đến giảm thiểu bất bình đẳng và đói nghèo, cũng như các hành động thiết thực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Tài chính cho phát triển có thể giúp giảm bất bình đẳng nếu đặt trọng tâm vào thúc đẩy tiếp cận công bằng các dịch vụ công chất lượng và cải thiện khả năng ứng phó của người dân sau với khủng hoảng kinh tế và biến đổi khí hậu.

Tương lai xán lạn đang chờ Việt Nam ảnh 6

Ngài Giles Lever, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam
 

Tăng trưởng của Việt Nam đã ở mức bao trùm.

Từng làm việc tại Việt Nam từ năm 1993 đến 1997, nên việc trở lại Việt Nam với vai trò Đại sứ đã cho tôi cảm nhận rõ ràng về quốc gia này đã phát triển nhanh trong suốt thời kỳ đổi mới. Điều ấn tượng chính là tăng trưởng của Việt Nam đã ở mức bao trùm - điều mà không phải nền kinh tế đang nổi nào cũng có thể làm được. Những nỗ lực tái cơ cấu kinh tế gần đây của Việt Nam đã giúp củng cố ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng, phản ánh tiềm năng thực sự của Việt Nam.

Việt Nam đang là điểm đầu tư, kinh doanh hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nước ngoài, gồm cả các công ty của Anh quốc. Đó một phần vì kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ so với các nền kinh tế trong khu vực và một phần vì Việt Nam đã hội nhập thị trường quốc tế một cách nhanh chóng và mạnh mẽ, với giá trị thương mại tương đương với 170% GDP - tỷ lệ đặc biệt cao nếu so với các tiêu chuẩn toàn cầu.  

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang gặp phải một số vấn đề cần phải khắc phục. Tăng trưởng năng suất đang có xu hướng giảm và là một quan ngại. Việc cải thiện tăng trưởng năng suất chính là yếu tố quan trọng đối với việc chuyển đổi của nhiều quốc gia như Hàn Quốc.

Để củng cố và phát huy những cơ hội trung và dài hạn trong việc duy trì các thành tựu trong 30 năm qua và bắt kịp với các quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam cần phải đẩy mạnh cải cách nhằm phát huy tiềm năng con người, phát triển nghiên cứu, củng cố các thể chế thị trường, giảm sở hữu nhà nước trong nền kinh tế, và thu hút thêm đầu tư tư nhân trong nước và quốc tế vào việc cải thiện kết cấu hạ tầng.

Việc đa dạng hóa các thành phần tham gia nền kinh tế chính là con đường đúng đắn, có thể được hỗ trợ bằng việc ban hành chính sách minh bạch và khả thi, cùng với các quy định hiệu quả hơn và một hệ thống hành pháp mạnh mẽ hơn. Hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh các cải cách này. Vương quốc Anh cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực cải cách kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế.

Tương lai xán lạn đang chờ Việt Nam ảnh 7

 Ngài Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam
  

Việt Nam và châu Âu có tương lai tươi sáng.

Tôi đến Việt Nam lần đầu vào những năm 1994-1998, trở lại đây từ năm 2011 đến tháng 7/2015 và bắt đầu nhiệm vụ Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam từ tháng 10/2015. So với Việt Nam mà tôi biết hơn 20 năm trước, Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu ấn tượng kể từ khi tiến hành Đổi mới, cuộc sống của người dân nói chung đã được cải thiện đáng kể.

Hiện nay, Việt Nam đang bước vào chặng đường phát triển mới. Bên cạnh những động lực to lớn như ổn định chính trị, xã hội, xuất khẩu mạnh mẽ, thu hút nhiều đầu tư nước ngoài và quyết tâm của người dân đưa nền kinh tế đi lên, Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức lớn mà không thể giải quyết được trong một sớm một chiều.

Chẳng hạn, một số bạn trẻ đi du học nước ngoài rồi không trở về nước làm việc, khiến Việt Nam mất đi vốn con người quý giá nhất. Thách thức này cần được giải quyết một cách cấp bách, thông qua các chính sách và ưu đãi phù hợp để thu hút nhân tài về nước.

Hiện nay, công nghiệp phụ trợ của Việt Nam khá yếu. Điều này đã buộc các doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên vật liệu từ các thị trường nước ngoài với giá rất cao. Ngoài ra, Việt Nam sẽ phải đảm bảo việc phát triển ngành năng lượng bền vững để cải thiện sức cạnh tranh, trong khi lại phải giảm thiểu khí thải nhà kính và ô nhiễm, vì lợi ích của tất cả mọi người.

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA). Gần đây nhất, việc đàm phán FTA song phương giữa EU và Việt Nam đã chính thức được hoàn tất. Khi được thực hiện, FTA này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho cả Việt Nam và EU trong việc đẩy mạnh hợp tác thương mại và đầu tư.

Là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba của Việt Nam, các quốc gia và tổ chức thành viên EU là đối tác ngày càng quan trọng của Việt Nam, sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam giải quyết các thách thức mới. Việt Nam cũng là đối tác rất hấp dẫn của chúng tôi trong khối ASEAN. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển thông qua quan hệ đối tác toàn diện và nhiều chương trình hợp tác.

Cùng nhau, Việt Nam và châu Âu có một tương lai tươi sáng.

Tương lai xán lạn đang chờ Việt Nam ảnh 8

Ngài Nagai Katsuro, Công sứ kinh tế Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam
 

Kết quả của Đổi mới là rất ấn tượng.

Sau khi áp dụng chính sách Đổi mới năm 1986, Việt Nam đã trải qua những cải cách kinh tế - xã hội quan trọng khi chuyển từ một nước kém phát triển, nền kinh tế kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường năng động và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Chính sách đổi mới cho phép Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, đã giúp hàng triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo. Chính phủ Nhật Bản là nhà cung cấp ODA lớn nhất tại Việt Nam, chúng tôi có chút tự hào rằng, ODA từ nhân dân Nhật Bản đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

Để tạo động lực cho sự phát triển dài hạn trong thời gian tới, một số vấn đề cơ cấu trong nền kinh tế cần phải được giải quyết. Chính phủ Việt Nam nhận thức đầy đủ những vấn đề này và đã nỗ lực làm những việc cần thiết để giải quyết, tập trung vào 3 trụ cột chính của chương trình tái cơ cấu nền kinh tế, cụ thể là cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu thị trường tài chính và tái cơ cấu đầu tư công như đã nêu trong Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015.

Với thực tế là Việt Nam sẽ tiếp tục hội nhập kinh tế toàn cầu sâu và rộng hơn khi các thỏa thuận thương mại do (FTA) mới và Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như thực hiện lộ trình giảm thuế của FTA có hiệu lực trong những năm tới. Đó là thời điểm cho Chính phủ Việt Nam đẩy nhanh tốc độ chương trình tái cơ cấu kinh tế đang diễn ra bằng cách phát huy lợi thế của các FTA, cũng như giảm thiểu các tác động tiêu cực đến một số lĩnh vực bao gồm cả ngành công nghiệp ô tô.

Năm nay chứng kiến một mốc quan trọng trong sự phát triển của đất nước, đó là Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII. Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội (2016-2020) sẽ được bắt đầu dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam nhiệm kỳ mới. Chúng tôi hy vọng rằng, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tạo nền tảng cho tăng trưởng dài hạn và bền vững bằng cách nắm bắt lấy cơ hội chính trị và lợi thế kinh tế này.

Nhật Bản, dựa trên thỏa thuận Đối tác Chiến lược giữa hai nước, cam kết mạnh mẽ tiếp tục ủng hộ phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam trong giai đoạn tới, bằng cách huy động toàn bộ những biện pháp hợp tác có hiệu quả của kinh tế Nhật Bản.

Ngài Jean-Noël Poirier, Đại sứ Pháp tại Việt Nam
 

Việt Nam đã hòa nhập hơn vào nền kinh tế thế giới. 

Trong 30 năm qua, Việt Nam đã có nhiều thay đổi tích cực, với nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình Đổi mới đã được thừa nhận. Một trong những thành tựu nổi bật nhất chính là việc giảm nghèo của Việt Nam. Việt Nam cũng đã là thành viên có trách nhiệm và tích cực trong khu vực. Trong 20 năm qua, Việt Nam đã cam kết đóng góp vào đảm bảo ổn định và thịnh vượng chung trong khu vực.

Trong năm 2015, Việt Nam đã tạo một bước đột phá trong hội nhập quốc tế bằng việc đẩy mạnh đàm phán và ký kết một số hiệp định thương mại tự do, bao gồm cả TPP. Đối với châu Âu, việc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam đã chính thức kết thúc vào đầu tháng 12/2015. Chúng tôi kỳ vọng sẽ đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Việt Nam thông qua hiệp định này.

Pháp đã luôn đồng hành cùng việc mở cửa và hiện đại hóa của Việt Nam ngay ở giai đoạn đầu. Năm 1993, Pháp là một trong những đối tác đầu tiên tạo thuận lợi cho việc hội nhập vào cộng đồng tài chính quốc tế của Việt Nam. Chúng ta đã xây dựng và triển khai một số văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, khoa học, văn hóa và quản trị. Đây là mối quan hệ đặc biệt được xây dựng dựa trên sự tin tưởng và tình hữu nghị.

Việc thực hiện mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước được ký kết tại Pháp vào tháng 9/2013, là cơ hội mở ra chương mới trong hợp tác và đưa đối thoại giữa hai nước lên tầm cao mới. Tuy nhiên, việc kết nối mạnh mẽ và rộng rãi hơn với nền kinh tế thế giới cũng đem lại nhiều thách thức lớn hơn.

Chúng tôi đánh giá cao việc Việt Nam gần đây tham dự Hội nghị về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris và chúng tôi mong được duy trì hợp tác với Việt Nam. Việc xây dựng các thành phố và kết cấu hạ tầng bền vững cũng đang là thách thức đối với Việt Nam. Pháp sẽ luôn ở cạnh Việt Nam trong việc giải quyết các thách thức này.

Tin bài liên quan