Tương lai VPK sẽ về đâu?

Tương lai VPK sẽ về đâu?

(ĐTCK) 2018 là năm thứ hai liên tiếp Công ty cổ phần Bao bì dầu thực vật (VPK) dự kiến lỗ. Trong giai đoạn hoạt động kinh doanh giảm sút, mọi hy vọng của cổ đông VPK đổ dồn về phía cổ đông công ty mẹ là Vocarimex để giúp Công ty thoát khỏi tình cảnh khó khăn.

Kinh doanh gặp khó

Những năm gần đây, ngành bao bì carton Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng sản lượng trung bình từ 15 - 20%/năm, cao hơn so với tăng trưởng bình quân của toàn ngành công nghiệp. Theo dự báo của Hiệp hội Bao bì Việt Nam, lĩnh vực đóng gói bao bì sẽ duy trì mức tăng trưởng tương đương trong những năm tới, do nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu nâng cao.

Với đặc tính tiện dụng, không gây hại cho sức khỏe và có khả năng tái chế, bao bì carton ngày càng được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành. Đây cũng là sản phẩm chính chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu doanh thu của VPK. Khách hàng chủ yếu của Công ty là các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất sữa, dầu ăn như Vinamilk, Vocarimex, Tường An…, cũng là những cổ đông sáng lập của VPK.

Những tưởng lợi thế khách hàng và bối cảnh ngành thuận lợi sẽ tạo điều kiện để VPK phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhưng thực tế cho thấy, kết quả mà Công ty đạt được trong vài năm trở lại đây không khỏi khiến cổ đông thất vọng.

Trong vòng 3 năm trở lại đây, hoạt động kinh doanh của VPK có dấu hiệu sa sút với doanh thu sụt giảm đáng kể, từ mức 294 tỷ đồng năm 2015 xuống còn 161 tỷ đồng năm 2017. Đồng thời, lợi nhuận cũng đi xuống, từ mức lãi hơn 24 tỷ đồng năm 2015, đến năm 2017, VPK chuyển sang lỗ ròng hơn 39 tỷ đồng. Lũy kế đến ngày 31/3/2018, VPK đang âm lợi nhuận hơn 40 tỷ đồng.

2018 tiếp tục là một năm đầy khó khăn với VPK khi Công ty đặt kế hoạch kinh doanh “thụt lùi”, doanh thu giảm 7% so với năm 2017, đạt khoảng 150 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến âm 24 tỷ đồng. Tính đến hết quý I/2018, VPK ghi nhận quý thứ 6 liên tiếp lỗ ròng.

Nguyên nhân chính dẫn tới diễn biến này là việc nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào ngành bao bì, do rào cản gia nhập ngành thấp, tạo nên bối cảnh cạnh tranh gay gắt. Đáng chú ý, tháng 10/2017, Công ty Tetra Pak (Thụy Điển) đã chính thức khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất bao bì có giá trị 110 triệu USD, công suất 20 tỷ bao bì/năm, tại Khu công nghiệp VSIP 2, Tân Uyên, Bình Dương. Dự kiến Nhà máy sẽ được đưa vào hoạt động vào đầu năm 2019. Tetra Pak cũng chính là đơn vị đang cung cấp bao bì cho Vinamilk và TH true Milk.

Trong bối cảnh này, một trong những chính sách mà VPK áp dụng là giảm giá bán để giữ thị phần. Tuy nhiên, với năng lực sản xuất còn nhiều hạn chế, Công ty buộc phải chấp nhận “chia bớt” thị phần cho đối thủ, kéo theo sản lượng và doanh thu sụt giảm.

Để gia tăng năng lực sản xuất, từ năm 2014, VPK đã bắt đầu triển khai dự án Nhà máy sản xuất bao bì mới đặt tại Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, Bình Dương, thay thế cho nhà máy tại quận 12, TP.HCM với máy móc, dây chuyền đã cũ kỹ.

Nhà máy mới ra đời nhằm giải quyết hai vấn đề chính, đó là năng lực sản xuất và tối ưu hóa chi phí sản xuất. Với tổng vốn đầu tư thực tế 320 tỷ đồng (vượt quy mô vốn của VPK), trong đó vốn đối ứng của VPK là 30%, còn lại là vốn vay dài hạn ngân hàng, chi phí lãi vay là vấn đề không nhỏ với Công ty.

Bên cạnh đó, Nhà máy chỉ mới đi vào hoạt động từ giữa năm 2017, công suất đến nay đạt khoảng 20% công suất thiết kế, vẫn chưa đủ để hòa vốn. Theo VPK, để đạt điểm hòa vốn, nhà máy cần chạy 40% công suất nhưng để làm được điều đó, Công ty cần có thêm đơn hàng và khách hàng.

“Muốn có khách hàng, Công ty cần thời gian tìm kiếm. Bên cạnh đó, VPK buộc phải đáp ứng yêu cầu về sản phẩm ngày càng cao của người mua, nhất là đáp ứng được nhu cầu về số lượng đủ lớn. Trong khi nhà máy của Công ty vẫn đang trong quá trình vừa đầu tư vừa sản xuất nên không tránh khỏi khách hàng không mặn mà”, ông Lê Hoàng Vũ, nguyên Tổng giám đốc của VPK chia sẻ tại kỳ Đại hội đồng cổ đông.

Nguồn thu sụt giảm trong khi chi phí tăng cao đang là bài toán khó đặt ra với VPK. Tuy nhiên, cổ đông vẫn kỳ vọng nhà máy mới sau khi hoàn thành sẽ sản xuất đạt điểm hòa vốn và bắt đầu sinh lãi, có thể giúp Công ty cải thiện tình hình hiện nay. Theo chia sẻ mới đây từ VPK, phải đến năm 2019, Công ty mới có khả năng hòa vốn, tương ứng doanh thu 240 tỷ đồng và năm 2020 mới bắt đầu có lợi nhuận.

Với tình hình kinh doanh kém hiệu quả, cổ đông VPK không nhận được cổ tức tiền mặt nhiều năm qua. Trong khi đó, cổ phiếu VPK ghi nhận chuỗi giảm giá mạnh trong vòng 1 năm lại đây, đến nay còn hơn 4.900 đồng/cổ phiếu, giảm 45% trong vòng 1 năm và giảm 32% so với thời điểm đầu năm 2018.

Kỳ vọng đặt vào đâu?

Với tình hình khó khăn trên, tương lai VPK rồi sẽ về đâu? Công ty sẽ tiếp tục tự xoay xở khó khăn về vốn cũng như năng lực sản xuất, hay trông vào sự hỗ trợ từ cổ đông công ty mẹ là Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex)?

Trong cơ cấu cổ đông sở hữu VPK, Vocarimex đang nắm giữ hơn 7,6 triệu cổ phiếu, tương đương 51% vốn điều lệ. Ngoài Vocarimex, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng đang sở hữu 4,88% vốn VKP. Đây chính là hai cổ đông sáng lập của VPK tại thời điểm trước khi niêm yết, đồng thời cũng là khách hàng chính của Công ty.

Thông qua sở hữu chi phối Vocarimex, Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (KDC) gián tiếp chi phối tại VPK. Với việc sở hữu này, cổ đông VPK cùng nhà đầu tư kỳ vọng, Tập đoàn Kido sẽ có những định hướng phát triển tại VPK rõ ràng hơn để giúp Công ty vượt qua giai đoạn khó khăn.

Tuy nhiên, đại diện cổ đông công ty mẹ, bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPK tại Đại hội đồng cổ đông thường niên cách đây 1 năm cho rằng, những khó khăn của VPK, Hội đồng quản trị Công ty đã nhìn thấy được. Hiện tại, Kido đang mở rộng sang ngành mới nên nguồn lực bị chia sẻ, dù vậy vẫn sẽ có trách nhiệm đối với các công ty con.

Như vậy, về mặt nguồn lực phân bổ, VPK có thể sẽ chưa thể nhận được sự góp sức từ cổ đông mẹ ngay lúc này. Vì thế, một kịch bản khác với VPK là Công ty sẽ phải tìm kiếm đối tác chiến lược để hỗ trợ và cải thiện năng lực sản xuất. Không ai khác, Vocarimex được kỳ vọng sẽ là trung gian trong việc hỗ trợ cho VPK tìm đối tác chiến lược phù hợp.

Tin bài liên quan