Đây là bước tiến quan trọng trước thềm Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam tuần tới. "Chúng tôi đã bàn luận sâu hơn về việc đình chỉ các quy định này", ông Kazuyoshi Umemoto – trưởng đoàn đàm phán của Nhật Bản cho biết sau cuộc họp kéo dài 3 ngày tại đây.
Mỹ đã nhượng bộ khá nhiều khi đàm phán TPP trước đây. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi hiệp định này, 11 nước còn lại phải tích cực họp bàn để đạt một thỏa thuận mới vào tháng 11.
Nhưng trước hết, họ phải quyết định những phương diện nào của hiệp định ban đầu cần được đóng băng, trước khi Mỹ quay trở lại.
Trước đó, họ vẫn thảo luận về ngừng thực thi các điều khoản từ 50 phần của hiệp định, thuộc 3 lĩnh vực: pháp lý, quyền sở hữu trí tuệ và các lĩnh vực khác.
Dù không tiết lộ các nhà đàm phán đã đồng ý ngừng thực hiện bao nhiêu điều khoản, ông Uemoto thừa nhận "đã đạt sự thống nhất" về việc đóng băng một số.
Các nước cũng đã rút lại một số yêu cầu đình chỉ trước đây. New Zealand cũng chấp thuận không bắt các nước TPP đàm phán lại hiệp định để nước này thực hiện kế hoạch kiềm chế nhà đầu tư ngoại mua bất động sản.
Bộ trưởng 11 nước TPP sẽ họp thêm bên lề APEC. Họ sẽ quyết định liệu có đạt một sự thống nhất chung về hiệp định này hay không.
Các vấn đề được cho là còn tranh cãi gồm: điều khoản giải quyết xung đột giữa nhà đầu tư và chính quyền (cho phép nhà đầu tư nước ngoài có biện pháp chống lại các nước TPP bị cáo buộc vi phạm quy định), các vấn đề về lao động và vấn đề môi trường.
Không như các hiệp định thương mại khác, TPP được đánh giá cao nhờ các điều khoản về bảo vệ người lao động và môi trường. Vì vậy, đình chỉ chúng sẽ đi ngược lại tinh thần ban đầu của TPP.
Nhật Bản – quốc gia tích cực nhất trong việc thúc đẩy TPP sau khi Mỹ rời đi – được dự kiến tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt cuộc nói chuyện cấp bộ trưởng tại Việt Nam.
Nước này sẽ sắp xếp các cuộc thảo luận song phương giữa các thành viên, nhằm thu hẹp khoảng cách và giữ nguyên chuẩn mực cao cho TPP.
"Khiến TPP 11 có hiệu lực không chỉ giúp chúng ta có một hệ thống thương mại cởi mở, tự do tại Thái Bình Dương, mà còn gửi thông điệp mạnh mẽ đến Mỹ, thuyết phục họ quay lại", ông Uemoto cho biết.