Hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ có những bước tiến xa và ngân hàng tiêu dùng sẽ phát triển mạnh hơn

Hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ có những bước tiến xa và ngân hàng tiêu dùng sẽ phát triển mạnh hơn

Tương lai, số lượng ngân hàng Việt Nam vẫn có thể tăng!

(ĐTCK) Khác biệt với những quan ngại về tiến trình hợp nhất các ngân hàng trong hệ thống đang giẫm chân tại chỗ, ông Gary Hwa, Tổng giám đốc điều hành Dịch vụ tài chính ngân hàng EY châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, đây là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế phát triển tích cực hơn. Nhìn xa hơn về khả năng phát triển của doanh nghiệp cùng với sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu, đồng nghĩa với đó là nhu cầu vốn, thì số lượng ngân hàng trong tương lai có thể sẽ tăng.

Nhìn tổng thể, những thay đổi đang diễn ra trong ASEAN có tác động như thế nào đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam, theo ông?

Không chỉ những thay đổi trong ASEAN, mà nội tại Việt Nam đang có tác động tích cực lên các ngân hàng. Sự cải thiện, phát triển kinh tế chắc chắn sẽ giúp các ngân hàng có những bước tiến xa, tuy nhiên, điều này cũng cần có thời gian. Có thể nói, khi nền kinh tế phát triển hơn, người dân có điều kiện kinh tế tốt hơn, xã hội trưởng thành hơn, sẽ kéo theo sự đa dạng trong sản phẩm và dịch vụ ngân hàng. Theo nghĩa này, hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ có những bước dịch chuyển tương ứng và một điều chắc chắn là ngân hàng tiêu dùng phát triển mạnh hơn.

Ngoài ra, một số sản phẩm ngân hàng khác liên quan đến “chi tiêu tùy ý” sẽ được giới thiệu với người tiêu dùng. Tôi nghĩ, thay đổi lớn nhất mà Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) mang lại là sự phát triển kinh tế của tầng lớp trung lưu và khả năng chi tiêu tăng lên, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của ngân hàng tiêu dùng. Hiện nay, ngân hàng Việt Nam chú tâm nhiều đến khía cạnh thương mại. Với chỉ tiêu tiêu dùng tăng cao, ngân hàng sẽ phải thay đổi sản phẩm và thay đổi cách huy động vốn.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để ngân hàng Việt Nam có cơ cấu nguồn vốn tốt hơn? Tôi cho rằng, khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, tiền gửi từ người tiêu dùng tiếp tục sẽ là một nguồn rất tốt. Nếu bạn quan sát các ngân hàng nước ngoài sẽ thấy họ không chỉ huy động nguồn vốn từ vay nợ, vốn cổ phần hay IPO…

Ông Gary Hwa 

Nhưng thách thức luôn song hành với cơ hội?

Đúng vậy. Trước những thay đổi từ AEC, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các lãnh đạo ngành ngân hàng cũng sẽ phải thay đổi. Với những chính sách mới sẽ được áp dụng, đặc biệt liên quan đến quản trị ngân hàng, quản lý rủi ro, sự tuân thủ theo các điều lệ phải chặt chẽ hơn. Với AEC, chắc chắn sẽ có nhiều đàm phán với các lãnh đạo ngân hàng từ nhiều quốc gia khác nhau và điều này sẽ giúp họ mở mang hơn. Cụ thể, một trong những thách thức lớn là đáp ứng với các chuẩn mực ngân hàng quốc tế, song song với đó, sẽ mất thời gian để áp dụng và tuân thủ theo các quy định mới.

Đối với Hiệp ước vốn Basel - mục tiêu là an toàn, thì yêu cầu về nguồn vốn, quản trị rủi ro và quản trị ngân hàng là những yếu tố cần được chú ý. Khi ngân hàng mở rộng hơn và đưa ra nhiều sản phẩm hơn, có được một nền tảng vững chắc để quản lý rủi ro là thiết yếu. Theo đó, ngân hàng có hai nhiệm vụ trọng yếu: phân bổ nguồn vốn và thúc đẩy hoạt động kinh tế, mà để làm được điều này, cần phải có nền tảng vững chắc về quản trị ngân hàng, văn hóa rủi ro và quản trị rủi ro.

Một vấn đề nữa tôi muốn đề cập đó là đầu tư nước ngoài vào ngân hàng Việt Nam, tôi nghĩ cơ hội cho Việt Nam là rất lớn. Nhiều ngân hàng sẽ có mong muốn xâm nhập thị trường ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Điều này cũng có nhiều tác động tích cực, giúp cho ngân hàng tăng cường vốn để phục vụ các doanh nghiệp mới, hoặc đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, đầu tư nước ngoài (FDI) có thể khiến ngân hàng phát triển quá nhanh trong một thời gian ngắn và cũng sẽ có rủi ro nếu nguồn vốn FDI không bền vững.

Một câu chuyện liên quan đến hội nhập được đề cập nhiều tại Việt Nam là hệ thống đang có nhiều ngân hàng so với các quốc gia trong khu vực, cần nhanh chóng giảm số lượng ngân hàng xuống. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Nếu nhìn sang nước Mỹ thì 25 năm trước có đến 15.000 ngân hàng. Trong thập kỷ 1980, một số ngân hàng đã hợp nhất và hiện tại có khoảng 6.000 ngân hàng tại Mỹ phục vụ cho 300 triệu dân, còn ở Việt Nam có khoảng 40 ngân hàng với gần 100 triệu dân. Tôi cho rằng, hợp nhất để cạnh tranh tốt hơn là bước đi thận trọng, vì kích thước và quy mô là những yếu tố rất quan trọng khi cạnh tranh với những ngân hàng quốc tế. Kích thước và quy mô lớn hơn cũng sẽ giúp củng cố nguồn vốn, cho phép ngân hàng xây dựng cơ sở hạ tầng tốt hơn.

Tóm lại, việc hợp nhất ngân hàng diễn ra trong thời điểm kinh tế biến động mạnh nhằm củng cố hệ thống ngân hàng và sự triển khai FinTech (công nghệ tài chính trong ngân hàng) sẽ tác động lên tiến độ hợp nhất của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Việc hợp nhất các ngân hàng nếu có chậm lại thì đây là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang phát triển tích cực hơn. Nếu nhìn xa hơn về khả năng phát triển của doanh nghiệp Việt Nam, đồng nghĩa với đó là nhu cầu vốn, tôi nghĩ, có thể số lượng ngân hàng sẽ tăng.

Hơn nữa, nhìn sang Mỹ hay châu Âu, khi tầng lớp trung lưu có điều kiện kinh tế tốt, ngân hàng tiêu dùng sẽ càng phát triển nên nhiều khả năng có một số ngân hàng tiêu dùng được thành lập trong những năm tới để phục vụ đối tượng này. Như tôi đã đề cập ở trên, Việt Nam sẽ không là ngoại lệ, đặc biệt với AEC, sẽ có nhiều thay đổi quan trọng trong hệ thống ngân hàng khi người tiêu dùng chuyển một phần tài sản của mình vào ngân hàng, ngân hàng cung cấp nhiều dịch vụ tín dụng hơn... Mặc dù trong khoảng 40 ngân hàng ở Việt Nam có một số thuộc sở hữu gia đình và phục vụ cho phân khúc các doanh nghiệp gia đình, nhưng khi nền kinh tế phát triển, đối tượng sử dụng dịch vụ ngân hàng sẽ tăng và đa dạng hóa hơn.

Không nằm ngoài sự phát triển, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang đặt ra chiến lược hội nhập khu vực, nhưng nhìn nội tại, mất bao lâu để hội nhập và cụ thể khi nào ngân hàng Việt Nam có thể lọt vào Top 5 ngân hàng khu vực, theo kinh nghiệm của ông?

Nếu bạn nhìn lại lịch sử thì sẽ thấy, mỗi lần hội nhập sẽ mất vài năm. Top 5 ngân hàng của Việt Nam đã khá phát triển, tuy nhiên, tôi tin rằng, nếu hệ thống ngân hàng Việt Nam triển khai được một số đổi mới nhất định, thời gian hội nhập sẽ được rút ngắn rất nhiều. Một trong những đổi mới này là FinTech. Nếu công nghệ mới này được triển khai và áp dụng nhanh chóng, có thể rút ngắn thời gian xuống 2 - 3 năm.

Bên cạnh đó, để Việt Nam có thể nằm trong Top 5 ngân hàng khu vực, các ngân hàng cần phải áp dụng chuẩn mức quốc tế về quản trị rủi ro, tính tuân thủ, đào tạo nguồn nhân lực và hệ thống luật pháp. Về mặt thời gian, hội nhập kinh tế và sự cạnh tranh sẽ thúc đẩy điều này, tuy nhiên, còn tùy thuộc vào tốc độ của sự thay đổi khi áp dụng các quy định dựa trên thỏa thuận với các quốc gia khác.

Tin bài liên quan