Tại một hội nghị diễn ra ngày thứ Năm (17/11) ở Berlin, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công khai chỉ trích việc lan truyền các tin tức giả mạo được đăng trên trang mạng xã hội Facebook.
Đây là”lời kết tội” ở mức độ cao nhất mà Facebook phải đối mặt, trong làn sóng chỉ trích trang mạng này vì đã tạo nên một môi trường tin tức thiếu chính xác trong cộng đồng.
Theo Forbes, cách mà CEO Facebook Mark Zuckerberg giải quyết tình trạng giả mạo tin tức sẽ là yếu tố quyết định tương lai của công ty này.
Tạo môi trường cho các “sinh vật” ăn bám
Mới đây nhất, ngày 20/11, Mark Zuckerberg đã có bài viết dài 560 từ trên trang cá nhân của mình, bác bỏ ý kiến cho rằng, Facebook đang trở thành một trung tâm lớn nhất cung cấp các câu chuyện giả dối và những thông tin không chính xác.
“99% những điều mọi người nhìn thấy trên Facebook là sự thực”, Zuckerberg khẳng định.
Bên cạnh đó, vị tỷ phú trẻ này phủ nhận việc Facebook có thể đã gây tác động tiêu cực tới suy nghĩ của hàng triệu cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử vừa qua, dẫn tới chiến thắng đầy bất ngờ của ứng cử viên Donald Trump.
Hiện tại, không có gì nghi ngờ về việc Facebook là trung tâm tập hợp các nội dung thông tin lớn nhất trên toàn cầu. Mặc dù công ty này không cho rằng mình là một tổ chức truyền thông, nhưng thực tế, 44% cư dân Mỹ đọc hoặc xem các tin tức trên Facebook, theo nghiên cứu của Pew Research Center năm 2016.
44% người dân Mỹ đọc tin tức từ Facebook
Tất cả “công lao” này thuộc về công cụ mang tên gọi “News Feed”, một phần mềm tự động theo dõi hành động của người dùng và công bố thông tin tới những cá nhân có sự liên kết.
Bên cạnh đó, việc mô tả News Feed là một cỗ máy in tiền vẫn chưa thể hiện hết sức mạnh của công cụ này. Mỗi tháng, có hơn 2 triệu khách hàng mua quảng cáo trên Facebook. Các hãng truyền thông truyền thống như CNN, New York Times cung cấp các nội dung miễn phí trên facebook của mình nhằm thu hút độc giả tìm tới website chính thức.
44% người dân Mỹ đọc tịn tức từ Facebook
Với lượng người dùng hiện đã lên tới hơn 1,65 tỷ người trên toàn cầu, doanh thu từ quảng cáo của Facebook vẫn chưa ngừng tăng trưởng. Trong quý III/2016, doanh thu quảng cáo của Công ty đạt 7 tỷ USD, tăng mạnh so với mức 4,5 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.
Đằng sau sự tăng trưởng ngoạn mục này là những vấn đề phát sinh trong cách thông tin trên Facebook được sử dụng. Sự tồn tại của Facebook đã tạo nên sự sống cho các nhóm tin tức “ăn bám” như The Angry Patriot, Addicting Info, Right Alerts, Fed-Up Americans, Denver Guardian, Ending The Fed và rất nhiều cái tên khác.
Zuckerberg phủ nhận việc Facebook có thể đã gây tác động tiêu cực tới suy nghĩ của hàng triệu cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử vừa qua.
Các nhóm này thường chỉ tập trung vào một lĩnh vực hẹp, với tư tưởng hạn chế, tuyên bố rằng đã tới thời điểm để mọi tiếng nói được cất lên, mà không hề bận tâm tới việc kiểm định lại các thông tin. Lớn mạnh nhờ thuật toán của News Feed, các nhóm này dễ dàng nhận được hàng triệu lượt theo dõi và phát triển nhanh chóng như nấm sau mưa, mang lại những hệ lụy xã hội không nhỏ.
Chẳng hạn, cho tới thời điểm tin tức Giáo hoàng Francis ủng hộ ông Trump bị xác nhận là giả mạo, đã có tới gần 1 triệu lượt chia sẻ thông tin này trên Facebook. Trong khi đó, thông tin chính thức về việc điều tra các khoản hoàn thuế của ông Trump được tờ New York Times đăng tải có lượt chia sẻ chưa tới con số 200.000.
Thực tế, đội ngũ phân tích của BuzzFeed News nhận định, top 20 tin giả mạo có hiệu quả vượt trội về số lượt chia sẻ, tương tác và bình luận so với top 20 thông tin chính thống cùng công bố trên Facebook.
“Bạn chịu tác động bởi rất nhiều các thông tin không có sự xác nhận trên Facebook. Trong khi đó, giới truyền thông phải nói chuyện với nhà chức trách, nhà chức trách kiểm tra kỹ lưỡng tính chính xác để tuyên bố thông tin thì lại không mang lại hiệu quả nào”, Ed Wasserman, chủ nhiệm Khoa Báo chí Đại học California cho biết.
Mỗi tháng, có hơn 2 triệu khách hàng mua quảng cáo trên Facebook
Tất nhiên, hơn ai hết, Mark Zuckerberg hiểu rõ những chuyện như thế này vẫn đang xảy ra.
“Chúng tôi đã làm rất nhiều việc, sử dụng các công cụ có sẵn và đang tiến hành nghiên cứu thêm để ngăn chặn các thông tin gây hại trên Facebook. Vấn đề không nằm ở công nghệ, thậm chí một sinh viên đại học cũng có thể sửa lỗi này trong vòng 36 giờ”, báo cáo của một kỹ sư lâu năm tại Facebook cho biết.
Vậy câu chuyện ở đây là, Facebook có thể và nên ngăn chặn các tin tức giả mạo, gây hại khỏi nền tảng hệ thống của mình. Tuy nhiên, mối lo ngại của Mark Zuckerberg là hành động này sẽ tác động như thế nào tới hoạt động kinh doanh của Facebook?
Sức ép tăng trưởng nhanh hoặc chết
Đối với các công ty như Uber, Airbnb, eBay và Facebook, hiệu ứng mạng lưới là một trong các nguyên nhân chính dẫn tới sự lớn mạnh ngày hôm nay.
Theo đó, các công ty này nắm một vai trò nhất định trong hệ thống, làm hài lòng khách hàng bằng sản phẩm và dịch vụ mà mình cung cấp. Giá trị của hệ thống này phụ thuộc lớn vào số lượng người sử dụng. Càng thâm nhập sâu vào thị trường, số lượng người sử dụng, theo dõi, biết tới càng lớn thì kết quả thu về sẽ càng tốt.
Có thể nói, mạng lưới người dùng là điều khiến các công ty này có giá trị lớn.
Dưới tác động của hiệu ứng mạng lới, các công ty này sẽ được hưởng lợi ích kinh tế dựa theo quy mô. Người dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho công ty có mạng lưới khách hàng lớn hơn và vì vậy lợi nhuận của công ty sẽ tăng trưởng khi cơ sở khách hàng mở rộng.
Thiết bị di động trở thành phương tin đọc tin chủ yếu của người sử dụng
Với đặc điểm này, các cặp đôi đối thủ như Uber và Lyft, hay iMessage và WhatsApp luôn phải nỗ lực cạnh tranh bởi chỉ có 2 sự lựa chọn: “tăng trưởng nhanh hoặc chết”. Đây cũng là lý do CEO Facebook luôn bị ám ảnh bởi tốc độ tăng trưởng. Càng có nhiều người đọc nán lại ở Facebook, càng có nhiều các công ty lớn như Coca Cola hay P&G sẵn sàng trả giá cao hơn cho các quảng cáo tại trang mạng xã hội này.
Mặc dù quy mô là quan trọng, nhưng đó không phải là yếu tố đủ, bởi còn cần phải có chất lượng. Và thực tế, vấn đề chất lượng từ lâu đã là “tai họa” luôn rình rập đối với các công ty internet.
Trước khi có sự xuất hiện của Facebook, Myspace là công ty thống trị mạng xã hội. Được sáng lập năm 2003, Myspace đón nhận sự trung thành của các nhãn hàng, nghệ sĩ nhiếp ảnh cùng các cá nhân hoạt động sáng tạo khác. Cuối năm 2006, đây là trang mạng xã hội hàng đầu tại Mỹ.
Với thành tích này, News Corp đã quyết định mua lại Myspace với giá 580 triệu USD, với kỳ vọng giá trị của công ty này sẽ đạt mức 6 tỷ USD trong tương lai.
Tinh tới giữa năm 2007, Myspace sở hữu 200 triệu người dùng. Tuy nhiên, trang mạng xã hội này đã nhanh chóng rơi từ đỉnh cao xuống đáy khi tới tháng 4/2008, cứ mỗi tháng có 40 triệu người dùng ngưng sử dụng. Một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ việc thiết kế của website quá phức tạp, hoặc do công ty thiếu sáng tạo về công nghệ.
Tuy nhiên, thực tế, vấn đề cốt lõi là về danh tiếng. Trang mạng xã hội này khi đó phải đối diện với hàng loạt bê bối, từ người dùng đăng tải tràn ngập các bức ảnh có nội dung dung tục cho tới tư tưởng kỳ thị chủng tộc.
Việc Myspace thất bại đã tạo làn sóng người dùng chuyển sang một thiên đường mới mang tên: Facebook.
Facebook, trên chặng đường phát triển của mình, cần phải tạo nên một môi trường đáng tin cậy cho người dùng, tránh phạm phải sai lầm của Myspace.
Nhà văn Mark Twain từng nói rằng: “Lịch sử không lặp lại chính mình, nhưng nó vẫn ngân nga giai điệu quen thuộc”. Điều này cũng đúng với môi trường kinh doanh.
Các công ty internet tràn ngập trên thị trường. Cuộc sống thay đổi với tốc độ chóng mặt. Đây là môi trường quá khắc nghiệt để phạm phải những sai lầm chiến lược. Việc hiểu sai tín hiệu thị trường có thể dẫn tới lợi nhuận sụt giảm, hiểu sai một vài lần sẽ dẫn tới công ty phá sản.
Vì vậy, Facebook, trên chặng đường phát triển của mình, cần phải tạo nên một môi trường đáng tin cậy cho người dùng, tránh phạm phải sai lầm của Myspace.
Hiện tại, doanh thu của Facebook vẫn tăng mạnh, CEO Mark Zuckerberg có thể chưa cảm thấy cần phải thay đổi khẩn cấp. Tuy nhiên, bằng cách này hay cách khác, lịch sử kinh doanh và môi trường kinh tế sẽ đưa ra câu trả lời cho vị tỷ phú trẻ này, mặc dù có thể đã muộn.