Một giàn khoan dầu ở tỉnh Ilam của Iran. (Ảnh: IRNA/TTXVN)
Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đang dần trở nên thận trọng hơn về triển vọng nhu cầu dầu thô toàn cầu năm 2024.
Sau nhiều tháng giữ nguyên, khối này đã điều chỉnh dự báo lần thứ hai liên tiếp, phản ánh sự bất ổn xung quanh các tác nhân kinh tế chủ chốt trên thị trường năng lượng.
OPEC đã giảm dự báo nhu cầu dầu thô toàn cầu năm 2024 trong tháng thứ hai liên tiếp trong Báo cáo thị trường dầu mỏ tháng Chín công bố ngày 10/9. Ban đầu, nhóm này vẫn giữ nguyên dự báo được công bố lần đầu vào tháng 7/2023.
Tuy nhiên, vào tháng Tám, OPEC đã điều chỉnh dự báo giảm từ 2,25 triệu thùng/ngày xuống còn 2,11 triệu thùng/ngày. Sang báo cáo tháng Chín, dự báo đã được hạ xuống còn 2,03 triệu thùng/ngày, dù con số này vẫn cao hơn đáng kể so với ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Bản điều chỉnh tháng Tám dựa trên dữ liệu thực tế từ hai quý đầu năm nay và những lo ngại về đà tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc. Tuy nhiên, báo cáo tháng Chín đã hạ thấp những lo ngại này, lưu ý rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc "dự kiến sẽ vẫn được hỗ trợ tốt."
Báo cáo cũng nhấn mạnh dự báo về tốc độ tăng trưởng cao hơn đối với Ấn Độ, Nga và Brazil có khả năng bù đắp cho sự sụt giảm của kinh tế Trung Quốc.
Sự khác biệt giữa OPEC và IEA
Đầu năm nay, IEA đã điều chỉnh dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2024 với dự đoán mức tăng 1,1 triệu thùng/ngày, giảm 140.000 thùng/ngày so với ước tính trước đó.
Việc điều chỉnh giảm này phần lớn do nhu cầu chậm lại ở các nền kinh tế tiên tiến, đặc biệt là các nền kinh tế trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). IEA nhấn mạnh hoạt động công nghiệp yếu hơn và mùa Đông ấm bất thường là những yếu tố hạn chế tiêu thụ dầu khí - đặc biệt là ở châu Âu, nơi số lượng xe chạy bằng dầu diesel giảm đã dẫn đến nhu cầu thấp hơn.
Mức khác biệt lên tới 0,93 triệu thùng/ngày giữa dự báo của OPEC và IEA nhấn mạnh sự chia rẽ ngày càng lớn giữa các tổ chức quan trọng này.
Đầu năm nay, dự báo giữa hai tổ chức đã ghi nhận sự chênh lệch tương tự: khoảng cách trong dự báo tháng Hai của OPEC và IEA là 1,03 triệu thùng/ngày - mức chênh lệch lớn nhất kể từ năm 2008.
Đối với năm 2025, hai tổ chức có kỳ vọng gần nhau hơn một chút, nhưng sự khác biệt vẫn còn đáng kể. IEA đã nâng ước tính tăng trưởng nhu cầu lên 1,2 triệu thùng/ngày, trong khi OPEC giữ nguyên dự báo ở mức 1,85 triệu thùng/ngày.
IEA và OPEC không chỉ khác nhau về dự báo ngắn hạn mà còn khác biệt rõ rệt về triển vọng dài hạn. IEA dự kiến nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2030 khi sự chuyển dịch sang các nguồn năng lượng sạch hơn đang diễn ra mạnh mẽ.
Ngược lại, OPEC vẫn lạc quan và dự báo nhu cầu sẽ tiếp tục tăng cho đến ít nhất là năm 2045, với các nền kinh tế mới nổi dẫn đầu đà tăng và những ý kiến phản đối các chính sách phát thải ròng bằng 0 làm chậm quá trình chuyển đổi năng lượng.
Trong những năm gần đây, IEA đã chuyển trọng tâm sang ủng hộ năng lượng tái tạo và giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu. Các quốc gia thành viên IEA - chủ yếu là những nước công nghiệp hóa cần tiêu thụ năng lượng - đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế ít carbon.
Mặt khác, các thành viên OPEC, những nước phụ thuộc nhiều vào doanh thu từ nhiên liệu hóa thạch, lo ngại về tác động kinh tế của quá trình chuyển đổi vội vã khỏi dầu mỏ.
Một giếng dầu. (Nguồn: egyptoil-gas.com) |
Liệu OPEC có đang quá lạc quan?
IEA đã hạ dự báo tăng trưởng nguồn cung cho năm 2024, với lý do sản lượng bị gián đoạn đáng kể ở Brazil và tình trạng tắc nghẽn logistics ở Mỹ. Theo cơ quan này, nguồn cung dầu toàn cầu sẽ tăng 580.000 thùng/ngày trong năm nay, đưa tổng sản lượng lên mức cao kỷ lục là 102,7 triệu thùng/ngày.
Đây là sự điều chỉnh giảm so với dự báo của tháng trước về mức tăng sản lượng 770.000 thùng/ngày.
Những biến động cung-cầu này dự kiến sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình ra quyết định của OPEC+ (bao gồm các thành viên OPEC và các nhà sản xuất lớn ngoài khối như Nga), khi nhóm này cân nhắc liệu có nên gia hạn chương trình cắt giảm sản lượng tự nguyện sang nửa cuối năm hay không.
IEA ước tính nhu cầu đối với dầu thô của OPEC+ cùng lượng hàng để dự trữ sẽ đạt trung bình 41,9 triệu thùng/ngày vào năm 2024, tăng nhẹ so với ước tính 41,8 triệu thùng/ngày của tháng trước và cho thấy thị trường nhìn chung sẽ thắt chặt hơn.
Trong khi OPEC gần đây bày tỏ sự lạc quan về nền kinh tế toàn cầu, IEA đã có lập trường thận trọng hơn, lưu ý rằng mặc dù có một số cải thiện kể từ cuối năm ngoái, áp lực lạm phát ở các nền kinh tế lớn của phương Tây có khả năng sẽ gây sức ép lên nhu cầu dầu.
IEA cho biết thêm rằng chi phí vay tăng cao ở cả Mỹ và châu Âu đang cản trở tăng trưởng kinh tế, làm giảm nhu cầu dầu hơn nữa.
Giới quan sát nhận định có thể OPEC đang quá lạc quan về triển vọng nhu cầu dầu. Thị trường bất động sản ảm đạm của Trung Quốc là một yếu tố quan trọng dẫn đến nhu cầu dầu thô tại quốc gia này giảm xuống còn 16,6 triệu thùng/ngày vào tháng 5/2024, mức thấp nhất kể từ giữa năm 2022.
Các nhà máy lọc dầu trên toàn thế giới cũng đang chứng kiến biên lợi nhuận (chênh lệch giữa giá dầu thô và giá thành phẩm) bị thu hẹp, trong khi lượng dầu dự trữ toàn cầu gia tăng. Những yếu tố này đều cho thấy khả năng giá dầu thô sẽ suy yếu trong tương lai. Ngay chính báo cáo của OPEC cũng thừa nhận điều này.
Bên cạnh đó, tốc độ chuyển đổi sang phương tiện chạy điện ở Trung Quốc cùng xu hướng tăng cường năng lượng tái tạo tại châu Âu cũng là những rủi ro đối với nhu cầu dầu tại các thị trường quan trọng này.
Những xu hướng trên chắc chắn sẽ dẫn đến những thay đổi về mặt cấu trúc trong nhu cầu dầu mỏ và động lực của thị trường năng lượng toàn cầu.
Lựa chọn khó khăn của OPEC
Trong những tháng gần đây, giá dầu liên tục giảm đã làm dấy lên những đồn đoán về cách OPEC có thể phản ứng. Khối này đã lên kế hoạch tăng nguồn cung dầu vào tháng 10, nhưng giá dầu thô giảm mạnh sau đó khiến một số thành viên phải xem xét lại.
Những nỗ lực của OPEC nhằm ngăn giá dầu lao dốc xuống ngưỡng 70 USD/thùng đã thất bại. Khép phiên 10/9, giá dầu Brent kỳ hạn giảm 2,65 USD (tương đương 3,69%) ở mức 69,19 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 2,96 USD (4,31%) xuống 65,75 USD/thùng.
Các nhà phân tích ngành dầu mỏ dự báo giá sàn mới cho dầu là khoảng 70 USD/thùng, mặc dù các nhà phân tích của Ngân hàng Bank of America cho rằng giá trung bình chỉ có thể là 60 USD/thùng cho đến năm sau. Đối với các nhà sản xuất OPEC+, đó là một viễn cảnh ảm đạm. Họ cần giá dầu khoảng 90 USD/thùng hoặc hơn để cân bằng ngân sách.
Tuy nhiên theo giới quan sát, OPEC hiện không có nhiều lựa chọn hành động. Kịch bản khả thi nhất dành cho nhóm này là cắt giảm sản lượng sâu hơn nữa, hoặc tiếp tục kéo dài các đợt cắt giảm hiện tại và chịu đựng những nỗi đau tài chính mà lựa chọn trên có thể gây ra cho họ đến khi thị trường ổn định./.