Tương lai nào cho Việt Nam năm 2035?

Tương lai nào cho Việt Nam năm 2035?

(ĐTCK) Việt Nam hướng tới các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nâng cao chất lượng cuộc sống, phản ánh khát vọng về một xã hội lành mạnh, dân chủ và công bằng… 

Tuy nhiên, quan trọng là phải thấy được con đường, thách thức phía trước và đưa ra quyết định chính xác. Đây là khuyến nghị chính của Báo cáo “Việt Nam 2035 - Hướng tới Thịnh Vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ” đồng thực hiện bởi Chính phủ Việt Nam và Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) vừa chính thức được công bố.

Việt Nam đối diện nguy cơ tụt hậu

Theo Báo cáo, “tăng trưởng đuổi kịp” là quá trình các nước đi sau tận dụng đầu tư, chuyển giao công nghệ và bí quyết từ các nước giàu hơn. Điều này đã giúp nhiều quốc gia có sự thành công vượt bậc về kinh tế trong khu vực Đông Á và một số khu vực khác trên thế giới sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc) đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao suốt 5 thập kỷ và trở thành nước thu nhập cao.

Nắm bắt cơ hội đuổi kịp trong thời gian qua đã tạo cho Việt Nam một vị thế thuận lợi trên quỹ đạo phát triển dài hạn khi so sánh với các nước khác, nhưng những gì xảy ra từ thời điểm này trở đi thậm chí còn quan trọng hơn. Sau 25 năm kể từ thời điểm tăng tốc - thời điểm hiện nay của Việt Nam - các nền kinh tế thành công đã trở thành nước thu nhập cao, bỏ xa nhiều quốc gia khác trên toàn cầu. Tuy nhiên, trong khi Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn 25 năm tiếp theo (năm thứ 25-50) thì các quốc gia như Brazil, Ai Cập và Thái Lan bắt đầu giảm tốc độ tăng trưởng.

Do vậy, Báo cáo cho rằng, Việt Nam hiện đang ở một ngã ba đường mang tính quyết định. Nếu tiến hành những cải cách cần thiết để nâng tăng trưởng GDP bình quân đầu người lên mức 7%/năm, giống như quỹ đạo tăng trưởng của Trung Quốc, thì đến năm 2035, Việt Nam có thể đạt mức thu nhập như của Hàn Quốc, và Đài Loan (Trung Quốc) vào đầu những năm 2000. Nhưng nếu tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người chỉ quanh quẩn ở mức 4%/năm thì đến năm 2035, Việt Nam sẽ chỉ đạt mức gần bằng Thái Lan, Brazil hay Ai Cập hiện nay và ít có cơ hội bắt kịp với các nước láng giếng có thu nhập trung bình cao hơn.

Tương lai nào cho Việt Nam năm 2035? ảnh 1

Việt Nam đang nỗ lực xây dựng, cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế 

Đảm bảo bình đẳng cơ hội

Thực tế cho thấy, tăng trưởng kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong thập niên 1990, phần lớn nhờ vào phân phối quyền sử dụng đất công bằng hơn trong những năm đầu Đổi mới, nhờ đó sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh. Chính phủ đã chuyển những nguồn lực có được từ tăng trưởng dành cho mục tiêu công bằng, qua đó giúp Việt Nam tránh được tình trạng bất bình đẳng tăng mạnh mà một số quốc gia tăng trưởng nhanh khác phải gánh chịu. Tuy nhiên, theo Báo cáo, kết quả thành tựu đạt được trong quá khứ không đảm bảo cho sự thành công trong tương lai và những dấu hiệu gia tăng bất bình đẳng đang bắt đầu nổi lên.

Việt Nam sẽ đối diện với chương trình nghị sự còn đang dang dở về đảm bảo bình đẳng cơ hội và chương trình nghị sự mới về sự phát triển của tầng lớp trung lưu và dân số đang già đi. Theo đó, đặt ra nhu cầu phải có tầm nhìn mới về vai trò của các chính sách xã hội, vốn là cơ sở cho các nội dung của chương trình nghị sự kép. Qua thời gian, đặc biệt đối với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan điểm các lĩnh vực xã hội là những lĩnh vực “không tạo ra của cải vật chất” đang dần thay đổi trên toàn thế giới.

Theo đó, Báo cáo đã chỉ rõ, giáo dục có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng năng suất, còn các thể chế thị trường lao động là cơ chế chính để cân bằng giữa tăng trưởng năng suất và phúc lợi xã hội. Hệ thống an sinh xã hội đầy đủ sẽ tạo điều kiện để người dân chấp nhận rủi ro kinh doanh với niềm tin rằng họ sẽ không rơi vào cảnh cùng cực khi thất bại. Bảo hiểm y tế toàn dân đảm bảo người dân sẽ khỏe mạnh hơn và yên tâm chuyển các khoản tiết kiệm dự phòng cho y tế sang các mục đích sử dụng hiệu quả hơn...

Huy động khả năng tham gia của người dân

Báo cáo nhận định, thể chế là những “luật chơi” chính thức và phi chính thức ràng buộc các tương tác trong xã hội, hỗ trợ tăng trưởng và phát triển kinh tế trong dài hạn. Thể chế tạo ra một hệ thống thưởng, phạt cho ứng xử của các tổ chức, cá nhân, do đó có thể hạn chế hoặc thúc đẩy hành vi của các chủ thể này theo những chiều hướng khác nhau.

Để tìm hiểu yếu tố về thể chế nào là rào cản cho triển vọng phát triển của Việt Nam, cần phân tích 3 yếu tố quyết định hiệu lực của nhà nước. Thứ nhất là năng lực của bộ máy hành chính dựa trên sự phân tầng bậc rõ ràng, thẩm quyền thống nhất, chế độ chức nghiệp, thực tài và quyền hạn được pháp luật quy định. Thứ hai là sử dụng các tín hiệu thị trường để phân bổ nguồn lực và sử dụng kỷ luật tài khóa để bảo đảm sự ăn khớp giữa chính sách với năng lực tài chính của nhà nước. Thứ ba là sự tham gia rộng rãi của dân chúng vào quá trình hoạch định chính sách để bảo đảm sự đồng bộ giữa chính sách và chương trình của nhà nước với nhu cầu và khát vọng của dân chúng.

Báo cáo cũng chỉ rõ các yếu tố tác động qua lại lẫn nhau đóng vai trò quyết định trong việc giải thích cho những thách thức về hiệu lực của nhà nước ở Việt Nam hiện nay, cụ thể: tình trạng tham gia quá nhiều của nhà nước vào hoạt động kinh tế; sự thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu trong bộ máy chính quyền và sự hạn chế về trọng lượng tiếng nói của dân chúng, cũng như sự tham gia rất hạn chế của người dân trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách.

Do vậy, cần xóa bỏ sự chồng lấn về thẩm quyền giữa các cơ quan công quyền, nhằm hạn chế tình trạng cát cứ, manh mún quyền lực và làm giảm dư địa cho sự thương lượng và trốn tránh trách nhiệm trong bộ máy hành chính. Thiết lập được cơ chế điều chỉnh mối quan hệ giữa chính quyền trung ương với chính quyền địa phương và tăng cường năng lực cho vai trò trung tâm của chính phủ.

“Đặc biệt, cần nâng cao khả năng truy trách nhiệm giải trình của nhà nước từ phía người dân; bắt đầu bằng nới lỏng những giới hạn đối với không gian hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự đến nâng cao khả năng tiếp cận thông tin chính xác và kịp thời, cũng như việc nâng cao tính độc lập của truyền thông”, Báo cáo nhấn mạnh.

Vấn đề quan trọng nhất theo ông Jim Yong Kim, Chủ tịch WB là: “Các nhà lãnh đạo Việt Nam phải thấy được con đường, thách thức phía trước và đưa ra quyết định quan trọng. Đây là giai đoạn quyết định để Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao nên cần bước đi mạnh dạn và dũng cảm”. Với việc “sẵn sàng giúp Việt Nam thực hiện “giấc mơ” của mình”, ông Kim Young Mok, Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) hy vọng, Việt Nam sẽ thành công trong công cuộc cải cách, hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ...

Chúng tôi sẽ triển khai cơ chế theo dõi, đánh giá kết quả tham khảo, vận dụng những khuyến nghị của báo cáo
Tương lai nào cho Việt Nam năm 2035? ảnh 2

Ông Vũ Đức Đam, Phó thủ tướng Chính phủ

Việt Nam nên và cần làm gì để nắm bắt thời cơ, vượt lên thử thách, phát huy hiệu quả nhất các lợi thế, nguồn lực để tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, phát triển nhanh hơn, bền vững hơn; thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình; đảm bảo công bằng xã hội; giữ gìn môi trường sinh thái…; để người dân có đầy đủ điều kiện phát huy năng lực, giá trị của mình…?  Câu hỏi đó là tiền đề dẫn tới sáng kiến chung của Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới xây dựng "Báo cáo Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ". Sáng kiến này được Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức cam kết vào tháng 7/2014.

30 năm kể từ khi có Đổi mới, hiện tại, chúng ta công bố Báo cáo quan trọng về một Việt Nam trong 20 năm tới đây - một Việt Nam sau 50 năm thực hiện Đổi mới. Những vấn đề quan trọng, vừa có tính thời sự vừa có tính chiến lược như năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, hệ thống sáng tạo, môi trường sinh thái, an sinh xã hội, khoảng cách giàu nghèo, nông nghiệp - nông thôn, đô thị hóa, quản lý - quản trị... được các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới và của Việt Nam cùng nghiên cứu, trao đổi để đưa ra các đánh giá, phân tích, khuyến nghị có tính khoa học, khách quan.

 Bản Báo cáo cùng những tài liệu chuyên đề trong quá trình xây dựng Báo cáo là tài liệu tham khảo quan trọng cho nghiên cứu hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Ngay trong quá trình xây dựng Báo cáo, nhiều nội dung đã được tham khảo phục vụ xây dựng các văn kiện của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII.

Những khuyến nghị trong Báo cáo sẽ được Chính phủ Việt Nam tham khảo trong quá trình hoạch định chính sách, trước hết là trong xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020 và nghiên cứu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2020-2030.

Chúng tôi cũng sẽ triển khai cơ chế theo dõi, đánh giá kết quả tham khảo, vận dụng những khuyến nghị của Báo cáo, đồng thời tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, cập nhật những vấn đề quan trọng đối với quá trình phát triển.

Thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp và tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ trong xã hội

Tương lai nào cho Việt Nam năm 2035? ảnh 3

Ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Có 3 trụ cột phát triển với 6 chuyển đổi lớn để đưa Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2035.

Trụ cột 1 là thịnh vượng kinh tế phải đi đôi với bền vững về môi trường. Việt Nam phải có mức tăng trưởng cao và ổn định liên tục trong 20 năm tới với mức tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm bằng 7%, tăng trưởng GDP 8%/năm để đến năm 2035 đạt mức thu nhập bình quân đầu người từ 15.000-18.000 USD.

Để đạt được mục tiêu này, con đường duy nhất là phải tăng năng suất thông qua việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, theo hướng chuyển dịch từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức, từ lĩnh vực nông nghiệp sang các khu vực tạo ra giá trị gia tăng cao.

Tập trung phát triển DN trong nước, chủ yếu là DN tư nhân, cả về số lượng và chất lượng, thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả làm việc. Hoàn thiện, củng cố nền tảng của kinh tế thị trường, đặc biệt là quyền sở hữu tài sản và xác định các chính sách công bằng, cạnh tranh lành mạnh trong tiếp cận vốn, đất đai, tài nguyên và thông tin. Bên cạnh đó, phải thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp.

Nhà nước phải tạo dựng môi trường thuận lợi, xây dựng những trung tâm hướng dẫn và đào tạo cho các DN mới khởi nghiệp, cung cấp kiến thức cũng như nguồn vốn thông qua việc hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, ngân hàng đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ cho các DN này, nhằm tạo ra một làn sóng khởi nghiệp và tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ trong xã hội. Coi vị thế của DN là vị thế của quốc gia. Cùng với đó, xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia chính là cách thức để cải thiện tình hình về năng suất lao động của Việt Nam.

Trụ cột 2 là công bằng và hòa nhập xã hội. Đảm bảo công bằng và thúc đẩy hòa nhập xã hội thông qua thực hiện chương trình cải cách hướng tới sự hình thành của tầng lớp trung lưu cũng như quá trình già hóa dân số. Trọng tâm hướng vào việc cải cách thể chế, mang lại cơ hội phát triển cho mọi người. Để đạt được mục tiêu này, cần có một nền quản trị tốt, các thể chế hiện đại và một xã hội thượng tôn pháp luật.

Trụ cột 3 là nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước. Cần tiến hành các biện pháp cải thiện quản trị nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình và minh bạch, đảm bảo Việt Nam có hệ thống thể chế mạnh nhằm bắt kịp sự phát triển của đất nước.

Hiệu lực của nhà nước dựa trên 3 trụ cột hỗ trợ. Thứ nhất, Chính phủ được tổ chức tốt với công chức thực tài và có kỷ luật, phải nỗ lực để xử lý các vấn đề để tạo ra một cấu trúc nhà nước chặt chẽ hơn, mạnh mẽ hơn và đảm bảo chế độ chức nghiệp thực tài.

Thứ hai, nguyên tắc thị trường cần được áp dụng đầy đủ hơn trong hoạch định chính sách kinh tế trên cơ sở phân định rõ các lĩnh vực công cộng và tư, hạn chế xung đột lợi ích, tăng cường bảo vệ quyền tài sản, đất đai; thực thi cạnh tranh thị trường và hợp lý hoá sự tham gia của nhà nước trong nền kinh tế. Thứ ba, nâng cao hơn nữa trách nhiệm giải trình thông qua việc xây dựng một cơ chế hữu hiệu về kiểm soát và cân bằng giữa ba nhánh quyền lực, tạo dựng khung khổ pháp lý thúc đẩy quyền công dân. Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin chính xác và kịp thời của công dân và tăng cường vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng.

Cam kết đầu tư vào con người

Tương lai nào cho Việt Nam năm 2035? ảnh 4

Ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới

Thách thức mà bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang phải đối mặt là làm sao tập trung vào khu vực DN tư nhân trong nước. Đảm bảo tiếp cận đất đai và nguồn vốn được cung cấp theo hướng phù hợp nguyên tắc thị trường. Việt Nam đã cam kết giải quyết vấn đề này và đây là vấn đề cần nỗ lực thực hiện để đảm bảo tăng trưởng kinh tế.

Việt Nam cũng cần phải tăng cường và cải thiện đầu tư vào con người. Tuy nhiên, cần cải thiện đầu tư đến mức nào? Thực tế rất khó để tưởng tượng việc ngành nông nghiệp không được cơ khí hóa nhiều hơn nữa, kèm theo đó là rất nhiều việc làm trong lĩnh vực này qua thời gian sẽ giảm đi. Vậy làm thế nào để những công việc có trình độ kỹ năng thấp tiếp tục tồn tại? Từng quốc gia sẽ cần phải có năng lực riêng để cạnh tranh trong thế giới số hóa.

Cụ thể, cần tập trung đầu tư vào trẻ em, không để tỷ lệ còi cọc, suy dinh dưỡng cao; chất lượng của giáo dục kể từ khi trẻ em được sinh ra đến khi học đại học cần được nâng cao. Đây là thách thức lớn vì hầu hết các quốc gia chưa nhận ra đầu tư vào con người là yếu tố căn bản của kinh tế. Nghĩa là để chuẩn bị cho nền kinh tế 15-20 năm tới, từng tế bào não bộ, chất xám, năng lực trí tuệ của các công dân đều phải được quan tâm để họ có thể phát triển và cạnh tranh trong thế giới số hóa. Cần phải hiểu và thực sự cam kết đầu tư vào con người, bởi đây là đầu tư vào tương lai.

Để giúp Việt Nam triển khai những khuyến nghị trong Báo cáo, chúng tôi sẽ hỗ trợ Việt Nam bằng nhiều cách khác nhau trong thời gian tới. Chúng ta cũng đã thấy thu nhập bình quân đầu người được cải thiện nên nguồn vốn ưu đãi cho Việt Nam có thể không còn phù hợp. Cụ thể, đó là những cam kết về vốn liên quan đến việc giải quyết vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, phát huy nguồn năng lượng tái tạo bên cạnh nguồn truyền thống... Hay như tập trung đầu tư con người, thúc đẩy hòa nhập xã hội; chuyển giao tri thức cho Việt Nam...

Cần lên kế hoạch và thực hiện chứ không chỉ tưởng tượng

Tương lai nào cho Việt Nam năm 2035? ảnh 5

Ông Kim Young Mok, Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA)

Thế giới giờ đây đang chuyển mình nhanh chóng khiến chúng ta phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức hơn. Do đó, các nhà lãnh đạo cần lên kế hoạch và thực hiện chứ không chỉ tưởng tượng. Trong báo cáo, lãnh đạo Việt Nam đã mạnh dạn đưa ra nhiều kế hoạch chuẩn bị cho tương lai, do vậy, Báo cáo Việt Nam 2035 có thể coi là kim chỉ nam, là tiền đề mấu chốt cho quá trình chuyển đổi của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Hiện nay, Việt Nam là ưu tiên hàng đầu của KOICA trong hỗ trợ phát triển. Tôi thực sự hy vọng Việt Nam và Hàn Quốc sẽ đạt được những mục tiêu về đảm bảo hòa nhập xã hội và công bằng. Đặc biệt, việc hợp tác với Việt Nam để xây dựng Viện Nghiên cứu phát triển và khoa học công nghệ là một trong những mục tiêu quan trọng, giúp tăng cường giáo dục trong khoa học và công nghệ giữa hai bên trong thời gian tới.

Cần phải có sự thay đổi trong chương trình cải cách

Tương lai nào cho Việt Nam năm 2035? ảnh 6

Ông Giles Lever, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam

Báo cáo đã phân tích khoa học những thành tựu của Việt Nam trong 30 năm qua và những việc cần làm để tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Để thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững, cần phải có sự thay đổi trong chương trình cải cách. Tôi đặc biệt quan tâm đến cải cách về thị trường, tuy đây là cải cách khó khăn nhưng không có gì là không thể. 40 năm trước, Anh cũng ở trong giai đoạn suy thoái, mặc dù đau dớn, nhưng chúng tôi đã tư nhân hóa nhiều DN Nhà nước.

Tôi mong các nhà lãnh đạo của Việt Nam sẽ nghiên cứu một cách kỹ càng và áp dụng các bài học kinh nghiệm trong Báo cáo. Tôi đã chứng kiến Việt Nam phát triển rất ấn tượng kể từ khi tôi đến đây lần đầu tiên vào năm 1993. Tôi tin báo cáo này chính là nền tảng cho sự thành công tiếp theo của Việt Nam, làm nên câu chuyện thần kỳ trong 20 năm tới.

Một kế hoạch chỉ có ý nghĩa khi triển khai với sự chỉ đạo quyết liệt

Tương lai nào cho Việt Nam năm 2035? ảnh 7

Ông Hugh Borrowman, Đại sứ Australia tại Việt Nam

Việt Nam đã có nhiều bước chuyển đổi mạnh mẽ trong 30 năm vừa qua, chúng tôi đánh giá cao và thực sự rất ấn tượng trước những chuyển đổi này của Việt Nam. Bản Báo cáo vừa được công bố cho thấy kế hoạch Việt Nam sẽ thực hiện trong vòng 20 năm tới đây và là tiền đề để Việt Nam phát triển trong tương lai, thể hiện mong muốn trở thành quốc gia công nghiệp hiện đại vào năm 2035. Chúng tôi hoan nghênh Chính phủ Việt Nam đã tiên phong đưa ra bước đi và những biện pháp cải cách mạnh mẽ để thực hiện kế hoạch này, và tôi cũng nhấn mạnh rằng, một kế hoạch chỉ có ý nghĩa khi triển khai với sự chỉ đạo thực sự quyết liệt và vai trò lãnh đạo tiên phong của Chính phủ.

Úc và Việt Nam giờ đây đều là thành viên TPP, đây là một lợi thế lớn đối với phát triển kinh tế và chúng ta sẽ trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng trong giai đoạn tới để cùng phát triển. Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới để Việt Nam hoàn thiện và triển khai thực hiện Báo cáo, cũng như sẽ có những hỗ trợ hiệu quả cho tiến trình cải cách và đổi mới của các bạn.

Tin bài liên quan