Tương lai nào chờ Tổng công ty Sông Hồng?

Tương lai nào chờ Tổng công ty Sông Hồng?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thua lỗ kéo dài khiến vốn chủ sở hữu âm tới hơn 680 tỷ đồng, công cuộc thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty Sông Hồng là bài toán khó tìm lời giải.

Kinh doanh bết bát

Theo danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 ban hành theo Quyết định 908/QĐ-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, Tổng công ty Sông Hồng  (mã chứng khoán SHG - UPCoM) là 1 trong 4 doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu thoái vốn (Bộ Xây dựng) trước ngày 30/11/2020 bên cạnh Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP, Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP và Tổng công ty Đầu tư Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (IDICO).

Từng là một trong những ông lớn nhà nước với bề dày lịch sử hơn 60 năm, chuyên hoạt động thi công xây dựng, đã thực hiện nhiều công trình dự án lớn trên cả nước, nhưng sau cổ phần hóa từ năm 2010, thay vì hoạt động thanh thoát hơn như nhiều doanh nghiệp khác với sự nhập cuộc của tư nhân, thì Tổng công ty Sông Hồng lại liên tục thua lỗ.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, hiệu quả kinh doanh của Tổng công ty liên tục đi xuống. Nếu như năm 2012, doanh thu đạt 1.484 tỷ đồng, năm 2013 giảm xuống còn 1.336 tỷ đồng, thì tới năm 2019 rớt xuống còn vỏn vẹn hơn 63,1 tỷ đồng. Tỷ lệ thuận với sự lao dốc của doanh thu là sự đi xuống của lợi nhuận. Năm 2013, lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty bắt đầu âm 3 tỷ đồng, mức lỗ tăng dần qua các năm và đến năm 2019, số lỗ lũy kế lên tới hơn 666 tỷ đồng.

Bước sang năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19, cùng với việc không có khả năng thanh toán khoản nợ, bị ngân hàng xếp vào tín dụng xấu, nên doanh nghiệp không đủ điều kiện về năng lực để tham gia các gói thầu nhằm tạo thêm nguồn tài chính. Vì vậy, hoạt động kinh doanh của Tổng công ty sông Hồng tiếp tục bết bát với doanh thu quý I/2020 vỏn vẹn hơn 16,3 tỷ đồng, lỗ lũy kế tăng lên hơn 683,2 tỷ đồng.

Trong Báo cáo thường niên 2019 công bố cách đây không lâu, Ban lãnh đạo Tổng công ty Sông Hồng thừa nhận, doanh nghiệp vẫn đang trong tình trạng hết sức khó khăn, việc chậm thu hồi vốn các công trình lớn đã ảnh hưởng việc trả nợ cho các khoản vay phải trả theo tiến độ cam kết như khoản vay thi công công trình Vũng Áng 1 (191 tỷ đồng nợ gốc) tại Oceanbank và nợ phải trả liên quan đến các nghĩa vụ bảo lãnh cho các công ty con…

Nợ lớn, trong khi doanh thu liên tục sụt giảm khiến lỗ lũy kế của doanh nghiệp tăng mạnh, qua đó "ăn mòn" vốn chủ sở hữu.

Nếu những năm trước, công việc chuyển tiếp vẫn còn đỡ phần nào gánh nặng cho doanh nghiệp, thì hiện nay, các công việc chuyển tiếp còn rất ít, công trình mới chưa có, các dự đầu tư chưa được triển khai, dẫn đến thiếu công ăn việc làm, nợ đọng kéo dài, dù Tổng công ty đã thông qua phương án tái cấu trúc và tinh gọn bộ máy. Trong năm 2019, Tổng công ty đã thực hiện chia tách CTCP Đầu tư Reenco Sông Hồng thành CTCP Đầu tư Reenco Sông Hồng và CTCP Xây dựng dân dụng và Hạ tầng Sông Hồng.

Tương lai nào chờ Tổng công ty Sông Hồng? ảnh 1

Tháng 9/2019, Tổng công ty Sông Hồng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ khẩn thiết đề nghị cho phép thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty trong năm 2019. Bởi tình trạng khó khăn kéo dài từ sau cổ phần hóa đến bây giờ, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, thì Tổng công ty chắc chắn sẽ buộc phải tuyên bố phá sản và mất toàn bộ phần vốn nhà nước.

Tổng công ty Sông Hồng cho biết, đã hoàn thành và trình Bộ Xây dựng phê duyệt hồ sơ thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty để đấu giá một phần vốn nhà nước. Đồng thời, Tổ người đại diện vốn nhà nước đã chủ động tìm kiếm một số nhà đầu tư cùng lĩnh vực quan tâm và có thể giam gia đấu giá công khai mua cổ phần của Tổng công ty Sông Hồng với mức giá bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần với điều kiện phải tiến hành thoái vốn trong năm 2019. Tuy nhiên, thực tế, cho đến thời điểm này, phương án thoái vốn trên vẫn đang phải để ngỏ.

Thoái vốn - bài toán khó

Tổng công ty Sông Hồng đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hơn 6,78 triệu cổ phần vào tháng 11/2009 với giá khởi điểm 14.000 đồng/CP. Kết quả, giá đấu trúng thành công là 22.290 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, sau 11 năm, giá cổ phiếu SHG hiện nay trên thị trường UPCoM chỉ còn 2.600 đồng/cổ phiếu và bị mất thanh khoản do nằm trong diện hạn chế giao dịch vì lỗi chậm công bố công tin.

Điều này đặt dấu hỏi với phương án thoái vốn dự kiến trong năm 2020 của Tổng công ty Sông Hồng liệu có thực hiện được hay không, nhất là lượng tài sản hiện nay của Sông Hồng không còn nhiều.

Trong danh mục tài sản bất động sản của SHG hiện nay, đáng chú ý có 2 lô đất số 70 An Dương, quận Tây Hồ, Hà Nội là trụ sở của Tổng công ty và 1 lô tại Chi nhánh Lào Cai, dự án Khách sạn Royal Sông Hồng (Vĩnh Phúc). Ngoài ra, còn có dự án nhà ở cán bộ công chức Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia tại Khu đô thị Bắc Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội rộng 2,6 ha, dự án Lĩnh Nam, tuy nhiên phần lớn các dự án này đều đang dở dang.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 cho biết, tổng tài sản tính tới hết 31/3/2020 của Tổng công ty Sông Hồng là hơn 1.444 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ yếu trong đó là các khoản phải thu và hàng tồn kho chiếm tới hơn 84,6% tổng tài sản.

Đáng lưu ý, trong báo cáo hợp nhất năm 2019, Công ty Kiểm toán CPA Việt Nam đã đưa các khoản phải thu này vào làm một phần cơ sở ý kiến kiểm toán ngoại trừ với lý do không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng hợp lý về tính hiện hữu, đúng đắn, đầy đủ, cũng như khả năng thu hồi các khoản nợ này.

Tương tự, với các hàng tồn kho, CPA Việt Nam cũng nêu rõ, với các thông tin đã được cung cấp và bằng các thủ tục kiểm toán thay thế đã thực hiện, đơn vị kiểm toán này cũng không thể đánh giá tính hiện hữu, đầy đủ, giá trị cần dự phòng giảm giá của khoản mục tồn kho nêu trong báo cáo tài chính.

Cũng liên quan đến tình hình hoạt động của Tổng công ty sông Hồng, CPA Việt Nam còn cho biết, theo bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 45/2018/KDTM-PT ngày 12/4/2018 của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội và Quyết định số 01/QĐ-CCTHADS ngày 13/12/2018 của Chi cục thi hành án dân sự quận Tây Hồ, TP. Hà Nội về việc doanh nghiệp này phải tiếp tục trả khoản tiền lãi quá hạn (của số tiền nợ gốc 95,43 tỷ đồng) chưa thanh toán cho VAMC kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm (19/6/2017). Tuy nhiên, CPA Việt Nam cho biết, Tổng công ty chưa hạch toán số lãi quá hạn kể từ ngày 19/6/2017 đến 31/12/2019.

Theo đánh giá của các chuyên gia, so với năm 2019, áp lực thoái vốn của Tổng công ty Sông Hồng trong năm 2020 sẽ lớn hơn rất nhiều, bởi lẽ nếu không kịp thoái vốn trước thời điểm 30/11/2020, Tổng công ty sẽ phải được chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Nếu điều này xảy ra, thì quá trình thoái vốn sẽ phải thực hiện lại từ đầu, dẫn đến việc thoái vốn nhà nước khó thành công hơn nữa khi hoạt động kinh doanh liên tiếp bết bát. Đây cũng là điều đã được Ban lãnh đạo Sông Hồng nêu trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ năm 2019.

Một điểm nữa, theo quy định về bảo toàn vốn nhà nước, cũng như phương án thoái vốn với mức giá bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần như Tổng công ty Sông Hồng báo cáo Thủ tướng năm 2019 với thị giá trên thị trường chứng khoán hiện nay của cổ phiếu SHG, xem ra việc thoái vốn nhà nước tại tổng công ty này vẫn là bài toán khó có thể sớm tìm được lời giải.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan