2 quỹ, 2 thái cực
Hiện tại, mới chỉ có 2 quỹ ETF đang hoạt động và được cấp phép bởi UBCK (không tính quỹ ETF ngoại) là VFMVN30 (giao dịch theo chỉ số VN30 của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM) và SSIAM VNX50 (giao dịch dựa trên chỉ số chứng khoán VNX50). Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, 2 quỹ này đang có sự khác biệt rất lớn.
Quỹ SSIAM VNX50 hoạt động từ cuối năm 2014, giai đoạn đầu được giao dịch theo chỉ số HNX30. Đến cuối năm 2015, giá trị tài sản ròng trên mỗi chứng chỉ quỹ của SSIAM VNX50 là 7.737,02 đồng, với tổng giá trị tài sản ròng của Quỹ là 78,144 tỷ đồng. Cùng thời điểm này, Quỹ ETF của VFM quản lý là VFMVN30 có giá trị tài sản ròng mỗi chứng chỉ quỹ là 9.516,83 đồng, giá trị tài sản ròng Quỹ là 358,785 tỷ đồng. Sự khác biệt lớn, nhưng cơ hội san bằng khoảng cách là có thể.
Đến giữa tháng 6/2019, 2 quỹ ETF nội dường như đã rẽ sang hai hướng khác nhau. VFMVN30 có giá trị tài sản ròng trên mỗi chứng chỉ quỹ là 14.157,16 đồng; giá trị tài sản ròng của Quỹ lên tới hơn 6.304 tỷ đồng, tức quy mô của Quỹ đã tăng tới 17,57 lần. Trong khi cùng thời gian này, Quỹ ETF do SSI quản lý chỉ tăng quy mô tài sản 2,17 lần, lên mức 169,651 tỷ đồng, giá trị tài sản ròng trên mỗi chứng chỉ quỹ đạt 12.474,34 đồng.
Xét về hiệu quả đầu tư, dường như SSIAM đang tỏ ra có ưu thế hơn so với VFM. Tính từ cuối năm 2015 đến nay, giá trị tài sản ròng 1 chứng chỉ quỹ ETF của VFM tăng gần 48,76%, trong khi 1 chứng chỉ quỹ ETF do SSIAM quản lý tăng hơn 61,12%. Tính từ đầu năm 2019 đến nay, 1 chứng chỉ quỹ ETF của SSIAM giao dịch theo chỉ số VNX50 tăng 4,47%, còn chứng chỉ quỹ VFMVN30 chỉ tăng có 0,44%.
Vậy tại sao VFM vẫn thu hút thêm được rất nhiều tiền mới vào Quỹ, trong khi với SSIAM, lượng tiền mới tăng thêm lại rất khiêm tốn? (xem bảng trên).
Một điểm đáng quan tâm là, Quỹ ETF của VFM thu hút được đông đảo nhà đầu tư ngoại tham gia, trong đó, tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài đến cuối tháng 4/2019 là trên 98%; cuối tháng 5/2019 là hơn 96%.
Đâu là lý do khiến ETF SSIAM VNX50 nhận được ít sự quan tâm của nhà đầu tư hơn?
Uy tín thương hiệu hay thậm chí chất lượng nhân sự, công nghệ… có lẽ chưa hẳn là vấn đề, bởi cả VFM hay SSIAM đều là những tên tuổi lớn, có uy tín trên thị trường chứng khoán Việt Nam; là những địa chỉ mà các nhà đầu tư ngoại tìm đến tham vấn khi bước chân vào Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Sự khác biệt, có lẽ nằm ở câu chuyện cách lựa chọn chỉ số mà các quỹ ETF này giao dịch theo.
“SSIAM giao dịch theo HNX30, nên các nhà đầu tư cũng ít để ý”, lãnh đạo một công ty quản lý quỹ lớn đã nói thế và tỏ ra ngạc nhiên khi biết rằng, từ mấy năm nay, quỹ ETF của SSIAM đã chuyển qua giao dịch theo chỉ số VNX50. Ngay trên website của UBCK, thông tin về quỹ ETF của SSIAM vẫn ghi là Quỹ ETF SSIAM HNX30. Với việc SSIAM chọn VNX50 để đầu tư, một số nhà đầu tư cho rằng, dù hiệu quả quỹ này tốt hơn, nhưng nhà đầu tư không hẳn đã thích.
“ETF sẽ chủ yếu hướng đến các nhà đầu tư ngoại, còn nhà đầu tư nội có thể tham gia, nhưng không lớn. Trong khi đó, nhà đầu tư ngoại sẽ có xu hướng tìm đến các chỉ số quen thuộc và thông dụng trên thị trường. Nhắc đến thị trường, ngoài VN-Index, VN30 có lẽ là chỉ số thứ 2 được quan tâm và là chỉ số được đầu tư theo nhiều nhất”, Giám đốc một quỹ đầu tư ngoại khác nhận xét.
Tương lai nào cho quỹ ETF nội?
Số lượng quỹ thành lập bởi các công ty quản lý quỹ trong nước đã tăng lên đáng kể theo thời gian. Thế nhưng, quỹ ETF mới chỉ có 2. Đây là con số khá khiêm tốn, khiến thị trường khó có thể đưa ra nhận xét khả quan về cơ hội bùng nổ mạnh mẽ các quỹ đầu tư ETF nội.
Thế nhưng, câu chuyện của VFM, với giá trị tài sản ròng tăng mạnh trong 2 năm gần đây (nhưng với mức thay đổi giữa đỉnh và đáy cùng 1 năm về tổng giá trị tài sản ròng rất lớn) và cả mức độ tăng quy mô quỹ ETF của SSIAM (dù giá trị tuyệt đối không quá lớn nhưng giá trị tương đối lại lên tới 46,47% chỉ trong nửa đầu năm nay), cho thấy cơ hội mở rộng quy mô đầu tư quỹ đầu tư ETF là rất lớn.
Một điều đáng quan tâm là, sản phẩm của quỹ ETF đang khá nghèo nàn, bởi quỹ ETF phải nương theo chỉ số do Sở xây dựng. Nhiều ý kiến cho rằng, để loại hình quỹ ETF đa dạng hơn, sở giao dịch chứng khoán phải nhanh chóng phát triển các chỉ số mới, hợp khẩu vị thị trường.