Nâng cao vai trò của Bảo hiểm Tiền gửi
Báo cáo Việt Nam 2035 được công bố mới đây cho rằng, Việt Nam sẽ ứng phó nhanh hơn với các cuộc khủng hoảng tài chính tiềm tàng nếu Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia được tăng cường. Hội đồng cần họp thường xuyên với sự hỗ trợ của một đội ngũ chuyên môn tâm huyết, có thể đưa ra báo cáo, khuyến cáo và chỉ dẫn kịp thời cho ngân hàng.
Dữ liệu về hệ thống tài chính phải được cải thiện nhờ những thông tin từ xa và sự giám sát của ngân hàng nhà nước (NHNN). Nâng cao năng lực quản lý khủng hoảng và tạo khung khổ pháp lý để cải thiện khả năng ứng phó với khủng hoảng trong trường hợp có vấn đề về giảm tính thanh khoản hay mất khả năng thanh toán.
Bên cạnh đó, cần tăng cường nguồn lực cho Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (DIV) và cho phép DIV thực hiện giao dịch mua tài sản của các ngân hàng yếu kém. Muốn vậy, cần chuyển dần cơ cấu vốn DIV từ vay ngân hàng sang nợ Chính phủ và sửa luật cho phép Chính phủ vay NHNN thay cho DIV khi có khủng hoảng nghiêm trọng, theo các điều khoản được xác định rõ ràng.
Thực tế hiện nay, ngoài mục đích chính là “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền”, DIV còn có trách nhiệm “phát hiện và kiến nghị NHNN xử lý kịp thời những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng”, “tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tham gia quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi”… (Điều 3 và Điều 13 Luật Bảo hiểm tiền gửi).
“Những quy định này cho thấy, trong công cuộc tái cơ cấu TCTD không thể không nhắc đến vai trò của DIV. Do vậy, DIV cần nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của mình”, bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói.
Phát triển khu vực tài chính với qui mô lớn hơn, đa dạng và ổn định hơn
Thống đốc NHNN đã nhiều lần nhấn mạnh định hướng của ngành là phấn đấu xây dựng được 1-2 ngân hàng có quy mô tầm cỡ khu vực, điều đó cũng đồng nghĩa với việc cần tiếp tục tăng vốn ngân hàng và mở rộng ngành tài chính. Báo cáo Việt Nam 2035 cho rằng, để thực hiện điều này, thách thức trước hết là phải giải quyết được khối nợ xấu lớn đang treo trên đầu các ngân hàng, với bước đầu tiên là nhờ các công ty kiểm toán quốc tế thực hiện kiểm toán (bao gồm cả kiểm toán hoạt động), kiên quyết áp dụng các chuẩn mực cẩn trọng, không buông lỏng quản lý.
Đối với các ngân hàng hoạt động lành mạnh và tốt có thể giải quyết nợ xấu bằng cách bán trực tiếp tài sản thế chấp liên quan đến nợ xấu và tạo đủ cơ chế pháp lý cho phép chuyển nợ xấu và tài sản thế chấp sang Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC) quản lý và xử lý. Cần đóng cửa, sáp nhập các ngân hàng mất khả năng thanh toán với các ngân hàng tốt hoặc bán các ngân hàng đó (trực tiếp hoặc thông qua VAMC).
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, để nâng cao hiệu quả ngành ngân hàng trong tương lai cần đảm bảo thực thi tốt hơn các quy chế đã được hoàn thiện cũng như giám sát rủi ro của các ngân hàng (nhất là các NHTM nhà nước) và rủi ro của các định chế bán tài sản như công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí.
Trong đó, cần chuyển dần sang áp dụng các quy tắc và chuẩn kế toán quốc tế trên cơ sở việc thực thi các quy tắc Basel III. Điều này đòi hỏi ngân hàng phải có nhiều vốn hơn, bao gồm cả vốn dự phòng rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động và giảm được sự mạo hiểm thái quá của chủ ngân hàng trong bối cảnh một số ngân hàng còn đang vật lộn để thực hiện các yêu cầu của Basel II.
“Một lĩnh vực khác cần quan tâm là tăng cường thu thập thông tin về các tập đoàn kinh doanh nhằm giảm bớt tình trạng cho vay dựa trên quan hệ riêng tư và sở hữu chéo trong các thể chế tài chính và phi tài chính”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định.
Tăng cường độ bao phủ về tài chính
Theo cơ sở dữ liệu của Global Financial, trong năm 2015, 18% dân số Việt Nam vay mượn từ một thể chế tài chính, tăng so với 16% năm 2011. So sánh với mức trung bình của một quốc gia thu nhập trung bình thấp, chỉ khoảng 7,5%, cho thấy, Việt Nam đã khá thành công trong cho vay cá nhân so với các nước cùng điều kiện.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, tổng giám đốc một NHTM cho biết: “Mặc dù rất nỗ lực nhưng hệ thống ngân hàng Việt Nam chưa thành công trong vấn đề gửi tiền và chuyển tiền”.
Ước lượng của NHNN cho biết, khoảng 50% người dân Việt Nam trong độ tuổi trưởng thành có tài khoản tại thể chế tài chính nhưng cơ sở dữ liệu của Global Financial lại cho rằng chỉ mới có 31%, thấp hơn rất nhiều so với mức 43% là trung bình của các quốc gia thu nhập trung bình thấp. Trong khi đó, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ có khoảng 20% dân số Việt Nam (khoảng gần 20 triệu người) có tài khoản ngân hàng.
Dịch vụ chuyển tiền tại Việt Nam chủ yếu thông qua các định chế tài chính, trong khi tỷ lệ sử dụng điện thoại di động và các công ty cung cấp dịch vụ chuyển tiền thấp hơn so với các nước thu nhập trung bình thấp. Sử dụng điện thoại di động sẽ giúp mở rộng độ bao phủ dịch vụ chuyển tiền và gửi tiền với chi phí thấp. Mặc dù Việt Nam còn phải thay đổi nhiều quy chế, cả về tài chính lẫn viễn thông, trong thiết lập dịch vụ điện thoại di động song đây chính là cách tận dụng lợi thế của một đất nước có lượng lớn thuê bao điện thoại di động.
Báo cáo Việt Nam 2035 đã lấy ví dụ từ dịch vụ gửi tiền và cho vay qua điện thoại di động M-Shwari của Kenya. Kể từ khi bắt đầu hoạt động năm 2012, Công ty đã tăng thêm 9 triệu thuê bao, huy động được 45 triệu USD tiền gửi và đạt dư nợ tín dụng gần 18 triệu USD vào cuối năm 2014; khách hàng gửi tiền có thể vay ngắn hạn qua hệ thống dịch vụ của Công ty.
“Tất nhiên, để làm được việc này đòi hỏi phải có thông tin tín dụng tốt hơn về người vay”, TS. Hiếu nhận định.
Bà Vương Thủy Tiên, Thành viên Hội đồng thành viên CTTC Home Credit Việt Nam nói: “Dư địa để phát triển mảng tài chính tiêu dùng ở Việt Nam còn rất lớn bởi nhu cầu vay tiêu dùng của người dân còn rất nhiều…”.