Theo báo cáo thường niên “Nền kinh tế số Ðông Nam Á 2019” do Google phối hợp với Temasek Holdings và Công ty tư vấn kinh doanh toàn cầu Bain & Company thực hiện, Việt Nam là thị trường bứt phá trong xu hướng phát triển nền kinh tế số so với các quốc gia còn lại trong khu vực.
Báo cáo cho thấy, nền kinh tế số tại Việt Nam đạt 12 tỷ USD năm 2019, gấp 4 lần so với năm 2015 và có khả năng bứt phá lên mức 43 tỷ USD vào năm 2025, bao gồm các lĩnh vực: thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ.
Việt Nam hiện là một trong những địa điểm đầu tư kinh tế số được ưa thích ở Ðông Nam Á, đứng sau Indonesia và Singapore. Số lượng các thương vụ năm 2018 là 137, với tổng giá trị 350 triệu USD, tăng ấn tượng so với 83 thương vụ có tổng trị giá 140 triệu USD của năm 2017.
Báo cáo cũng chỉ rõ động lực chính của sự phát triển này đến từ mảng thương mại điện tử với những “tay chơi” dẫn dắt thị trường như Shopee, Tiki, Lazada, Sendo.
“Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới nhờ lợi thế trong ngành sản xuất, cũng như nguồn cung ứng lao động dồi dào với nhiều tài năng trẻ và một cộng đồng mạng lớn”, ông Bernard Tay, Giám đốc Amazon Global Selling khu vực Ðông Nam Á, Úc và New Zealand nhận định.
Mặc dù doanh thu thương mại điện tử đang tăng mạnh và xuất khẩu vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam, song thực tế cho thấy, việc xuất khẩu sản phẩm với nhãn hiệu Việt Nam tới các thị trường quốc tế còn hạn chế.
Theo đó, việc “bắt tay” với các đối tác quốc tế được kỳ vọng sẽ làm thay đổi thị trường này và Amazon - “gã khổng lồ” dẫn đầu nền thương mại điện tử toàn cầu là cái tên được nhắc đến.
Ðược biết, với sự bùng nổ của mảng thương mại điện tử trong những năm qua, doanh thu Amazon liên tục được cải thiện và ước đạt 238 tỷ USD trong năm 2019, chiếm gần 10% doanh thu thương mại điện tử toàn cầu.
Xu hướng tăng trưởng doanh thu toàn cầu của Amazon được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng 2 con số, đạt 356 tỷ USD đến năm 2022, với tăng trưởng bình quân khoảng 15%/năm.
Nhằm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, trong mục tiêu nâng tầm thương hiệu Việt ra thị trường quốc tế, hỗ trợ các doanh nghiệp và người bán hàng đẩy mạnh kinh doanh, xuất khẩu, Amazon đã chính thức gia nhập thị trường Việt Nam thông qua việc hợp tác với T&T Group và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB).
Theo ông Ðỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị SHB, Amazon là một nền tảng hỗ trợ giao dịch thương mại hiện đại và hiệu quả, mà ở đó, sản phẩm của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, với thương hiệu của Việt Nam sẽ đến được với hơn 300 triệu tài khoản người tiêu dùng thế giới.
Thông qua Amazon, thế giới sẽ thực sự hiểu hơn về Việt Nam, về những sản phẩm thế mạnh, về trí tuệ cũng như bàn tay khéo léo của người Việt Nam.
“Amazon Global Selling là một kênh kết nối các nhà bán hàng địa phương đáng tin cậy và phát triển. Với đội ngũ Amazon Global Selling tại Việt Nam, chúng tôi sẽ không ngừng hỗ trợ các đối tác bán hàng Việt Nam trong suốt hành trình kinh doanh của họ trên Amazon”, ông Bernard Tay nói.
Ðược biết, Amazon Global Selling, T&T Group, SHB trước tiên sẽ hợp tác với hai nội dung chính: đào tạo nhân lực 4.0 và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trên nền tảng thương mại điện tử thông qua hệ thống ngân hàng.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, hợp tác của SHB, T&T Group với Amazon không những khẳng định sự đánh giá, ghi nhận của các tập đoàn lớn quốc tế đối với vị thế Việt Nam, mà còn nâng tầm hình ảnh đất nước Việt Nam trên bản đồ thế giới.
“Công nghệ di động đang thay đổi cách thức người dân sống và làm việc, cung cấp cho họ khả năng tiếp cận tốt hơn đến các thị trường và những cơ hội mới”, ông Rohit Sipahimalani, Trưởng nhóm đầu tư của Temasek nhận xét.
Ông Hiển nhấn mạnh: “Tập đoàn T&T Group, SHB và cá nhân tôi, rất mong muốn được góp phần cho sự bùng nổ, cho khát vọng của doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam vươn ra thế giới. T&T Group và SHB sẽ nỗ lực đồng hành cùng Amazon với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu châu Á về thương mại điện tử trong tương lai”.