Kinh doanh cận giá vốn, lãi ròng sụt giảm mạnh
Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 vừa được công bố cho biết, năm qua, HT1 ghi nhận tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 8.850,85 tỷ đồng, tăng nhẹ 93,85 tỷ đồng so với năm trước đó. Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán và dịch vụ tăng với tốc độ cao hơn (tăng hơn 252,56 tỷ đồng, từ 6.613,32 tỷ đồng lên 6.865,88 tỷ đồng), cùng với các khoản giảm trừ doanh thu tăng thêm tới hơn 120 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty giảm hơn 280 tỷ đồng so với cuối năm 2016, xuống còn 1.343 tỷ đồng.
Tương tự như nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng khác, trong cơ cấu tài chính của HT1 thường có nhiều khoản vay nợ bằng ngoại tệ (đồng Euro), trong giai đoạn 2015 - 2016, đồng tiền này giảm giá đã mang lại doanh thu tài chính khá lớn cho HT1.
Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2017, việc Euro lên giá trở lại khiến cho lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái của HT1 giảm khá mạnh, từ 31,48 tỷ đồng năm 2016 xuống chỉ còn khoảng trên 1,17 tỷ đồng năm 2017.
Bên cạnh đó, trong cơ cấu doanh thu hoạt động tài chính, khoản mục doanh thu hoạt động tài chính khác cũng giảm mạnh từ hơn 31,28 tỷ đồng xuống chỉ còn trên 2,33 tỷ đồng.
Trong khi doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh, chi phí tài chính lại tăng từ hơn 377,7 tỷ đồng lên 477,3 tỷ đồng, cùng chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp không giảm nhiều khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của HT1 giảm tới hơn 406 tỷ đồng so với năm 2016, xuống 568,37 tỷ đồng.
Diễn biến này kéo theo lợi nhuận trước thuế đạt 600,34 tỷ đồng, bằng 58,9% so với năm 2016, và chỉ đạt 75,32% so với kế hoạch năm được đại hội đồng cổ đông năm 2017 thông qua.
Tính tới thời điểm cuối 2017, tổng các khoản vay nợ tài chính của HT1 vào khoảng 4.619,2 tỷ đồng, giảm khoảng 500 tỷ đồng so với cuối 2016. Tuy vậy, các khoản vay nợ tài chính lại dịch chuyển dần từ dài hạn sang ngắn hạn khi vay nợ tài chính dài hạn giảm gần 900 tỷ đồng, còn ngắn hạn lại tăng hơn 300 tỷ đồng. Điều này kéo theo rủi ro về khả năng thanh khoản trong ngắn hạn một khi các khoản nợ tới hạn.
Đặc biệt, trong năm 2017, tài sản lưu động của HT1 gồm tiền và các khoản tương đương tiền cũng đã giảm tới gần 140 tỷ đồng, chỉ còn 347,22 tỷ đồng.
Xem xét sâu hơn các khoản vay nợ tài chính theo thuyết minh báo cáo tài chính công bố kèm theo, đáng chú ý nhất là các khoản vay nợ ngân hàng liên quan đến hoạt động đầu tư dự án đường bộ BOT Phú Hữu. Đây chính là dự án đã được Thanh tra Chính phủ đưa ra kết luận có nhiều sai phạm từ hồi quý III/2017.
Dự án này có tổng mức đầu tư là 461 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu là hơn 69 tỷ đồng (15%), vốn vay 392 tỷ đồng (85%). Quy mô dự án với đường bê tông xi măng rộng 30 m, dài 2,626 km khởi công ngày 6/6/2012 và hoàn thành ngày 14/6/2014, thời gian khai thác theo hợp đồng là 24 năm. Hiện dự án vẫn chưa hoàn thành và quyết toán công trình.
Trong giải trình sau đó, Xi măng Hà Tiên 1 khẳng định các nội dung được nêu trong báo cáo thanh tra không làm ảnh hưởng đến chi phí hoạt động kinh doanh của Công ty. Đồng thời, Công ty đã xây dựng lại phương án thu phí hoàn vốn đầu tư dựa trên giá trị đầu tư chính thức, đảm bảo thu hồi vốn trình Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM xem xét và thẩm định. Trong đó, giá trị thuế giá trị gia tăng đầu vào đã được loại bỏ khỏi giá trị đầu tư khi tính thu hồi vốn.
Khi thực hiện ký hợp đồng BOT, HT1 cũng thương thảo và bổ sung thông tin để hoàn tất việc ký kết hợp đồng vay vốn với Ngân hàng tài trợ dự án nhằm giải ngân thực hiện dự án BOT. Tuy nhiên, áp lực từ kết luận thanh tra dự án BOT cùng kết quả kinh doanh nhạt nhòa vẫn tạo ra sức nặng khiến giá cổ phiếu HT1 chứng kiến chuỗi giảm điểm liên tục trong năm, dù chỉ số chung tăng mạnh.
Dấu hỏi về triển vọng tương lai
Ngày 22/3/2018, Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 đã ban hành Nghị quyết về việc xác định các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất - kinh doanh và đầu tư xây dựng năm 2018. Theo đó, sản lượng sản xuất dự kiến đối với clinker là 4,2 triệu tấn, xi măng là 6,9 triệu tấn... Dự kiến doanh thu và thu nhập khác của HT1 đạt 8.330 tỷ đồng, với lợi nhuận trước thuế là 762 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 575 tỷ đồng trong năm nay.
Tuy nhiên, kế hoạch này đối mặt với nhiều thách thức, nổi bật nhất là sự cạnh tranh lớn trong ngành khiến việc tìm đầu ra cho sản phẩm ngày càng khó khăn dù thị trường xây dựng dự kiến vẫn tăng trưởng nhẹ. Riêng với trường hợp của HT1, hiện tại tổng công suất xi măng của Công ty đạt khoảng 8 triệu tấn, tuy nhiên, 1,5 tấn là thuê ngoài từ trạm nghiền Hạ Long. Với dự kiến sản lượng năm 2018 là 6,9 triệu tấn, điều này đồng nghĩa với công suất của HT1 đã gần đạt giới hạn tối đa.
Để giải quyết bài toán về công suất, từ năm 2016, HT1 đã giới thiệu giai đoạn 2 Nhà máy Bình Phước, dự kiến sẽ gia tăng sản lượng thêm 4 triệu tấn clinker và 5 triệu tấn xi măng. Theo kế hoạch, nhà máy này khởi động từ năm 2018 và hoàn thành trong năm 2020.
Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế, hiện tại vẫn chưa có động thái nào từ HT1 liên quan đến dự án này và điều này được xem là yếu tố có thể tác động không nhỏ tới khả năng tăng trưởng biên lợi nhuận ròng của Công ty khi sản lượng thuê ngoài không giảm, thậm chí có phần tăng thêm trong tương lai.
Sau khi hồi phục và đạt đỉnh vào năm 2015, tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu thuần của HT1 đang có chiều hướng giảm. Điều này khiến cho mức định giá đối với HT1 trở nên kém hấp dẫn hơn so với một số cổ phiếu cùng ngành khác có doanh thu thấp hơn nhưng lại có tỷ suất lợi nhuận gộp cao hơn.
Ngoài hoạt động sản xuất xi măng, thời gian vừa qua, nhiều nhà đầu tư tỏ ra khá hụt hẫng về tiến độ triển khai dự án Thủ Đức của HT1. Được biết, khu đô thị 30ha này dự kiến sẽ bao gồm khu đất 106.614 m2 hiện là Trạm nghiền Thủ Đức Chi nhánh Hà Tiên 1 và khu đất 8.270 m2 hiện là văn phòng và nhà xưởng của Công ty cổ phần Vận tải Hà Tiên (HTV).
Tại ĐHCĐ thường niên 2017, HĐQT HT1 đặt kế hoạch năm 2017 sẽ hoàn tất trình duyệt phương án di dời Trạm nghiền Thủ Đức, triển khai đầu tư xây dựng 1 dây chuyền 1 triệu tấn/năm tại vị trí phù hợp để thay thế công suất của trạm nghiền; hoàn thành quy hoạch 1/500 chuyển đổi mục dích sử dụng đất, triển khai khu phức hợp Trường Thọ tại vị trí mặt bằng trạm nghiền.
Thời gian qua, UBND TP. HCM đã cho phép nhà đầu tư Refico và HT1 thành lập đối tác để phát triển dự án 10ha tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP. HCM. Trên cơ sở đó, HT1 và Refico đã thành lập liên doanh Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản Trường Thọ với cổ phần sở hữu lần lượt là 50,9% và 49,1%. Tuy nhiên, dự án này hiện đang trong quá trình xin phê duyệt quy hoạch 1/500. Do đó, dự án khó có thể sớm mang lại doanh thu và lợi nhuận cho HT1.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com