Webapps là gì và nó khác gì với website?
Để hiểu rõ webapps, trước tiên phải hiểu rõ về website và con đường hình thành của nó. Sự xuất hiện của website bắt đầu từ 29 năm trước, khởi đầu từ một trang đơn giản với các đường dẫn cho phép một nhóm các nhà khoa học chia sẻ dữ liệu trong nội bộ những phòng thí nghiệm.
Nhà vật lý học, chuyên gia phần mềm người Anh Tim Berners-Lee đã khởi chạy thành công trang web đầu tiên trên thế giới, với tên miền info.cern.ch, chạy trên 1 máy chủ NeXT của CERN. Dĩ nhiên, vào thời điểm đó, chỉ có Berners-Lee và các đồng nghiệp của mình tại CERN mới có thể truy cập vào trang web này bởi 1 lý do đơn giản: chỉ có máy tính của họ mới có trình duyệt web.
Phải đến tận năm 1993, khi trình duyệt Mosaic dành cho nền tảng Unix và Windows ra đời, lúc này các website mới bắt đầu dần trở nên phổ biến hơn. Nội dung của trang web cung cấp các thông tin về world wide web, nền tảng cơ bản của Internet, nơi các văn bản và các trang trên Internet có thể truy cập bởi các URL (Uniform Resource Locator - Định vị tài nguyên thống nhất) và kết nối với nhau thông qua các siêu liên kết.
Những lợi ích trong việc truyền tải dữ liệu của website nhanh chóng tạo ra bước ngoặt và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của hàng tỷ con người trong vòng 20 năm sau kể từ đó. Website đã trở thành con đường giá rẻ cho hàng triệu doanh nghiệp thực hiện kênh thông tin liên lạc, trao đổi, giao dịch với khách hàng tương lai và các đối tác hiện tại. Website chính là yếu tố cơ bản giúp doanh nghiệp tăng cường hình ảnh trực tuyến của mình trên thế giới mạng, tạo ra và duy trì nhiều mối quan hệ, đem lại lợi nhuận lâu dài với khách hàng tiềm năng và khách hàng hiện tại.
Theo thời gian, cùng với sự phát triển của nền tảng công nghệ cũng như kiến thức của con người, website cũng từng bước tiến hóa để phục vụ nhu cầu ngày càng gia tăng. Ban đầu, các website chỉ bao gồm text, hình ảnh và video, liên kết với nhau thông qua các link. Tác dụng của website là lưu trữ và hiển thị thông tin. Người dùng chỉ có thể đọc, xem, click các link để di chuyển giữa các page.
Về sau, với sự ra đời của các ngôn ngữ server: CGI, Perl, PHP…, các website đã trở nên “động” hơn, có thể tương tác với người dùng. Từ đây, người dùng có thể dùng web để “thực hiện một công việc nào đó bằng máy tính“, do đó webapps ra đời. Nói dễ hiểu, webapps là những ứng dụng chạy trên web. Thông qua webapps, người dùng có thể thực hiện một số công việc: tính toán, chia sẻ hình ảnh, mua sắm … Tính tương tác của webapps cao hơn website rất nhiều.
Một ưu thế đặc biệt của việc xây dựng ứng dụng web để hỗ trợ những tính năng chuẩn của trình duyệt đó là chúng sẽ hoạt động như mong muốn bất kể hệ điều hành hay phiên bản hệ điều hành nào được cài trên máy khách cho trước. Thay vì tạo ra những chương trình khác cho MS Windows, Mac OS X, GNU/Linux và những hệ điều hành khác, ứng dụng có thể được viết chỉ một lần và triển khai mọi nơi.
Chẳng hạn, game Angry Bird bạn download trên AppStore tức là chúng phải chỉ chạy trên IOS, nếu bạn cài đặt trên hệ điều hành khác thì nó không thể hiểu được, buộc nhà cung cấp lại phải thiết kế một bản tương tự phục vụ riêng cho hệ điều hành đó. Còn với webapps thì đơn giản hơn cả là dù dùng Google Chrome hay Safari, ứng dụng vẫn chạy được như bình thường. Gmail có thể coi là một ứng dụng webapps điển hình khi không cần ứng dụng cài đặt trên điện thoại (dù bây giờ phổ biến là mọi máy tính bảng hay smartphone đều có ứng dụng riêng của gmail), mà chỉ cần vào trình duyệt đánh gmail.com là vẫn có thể truy cập được ứng dụng này.
Webapps và tương lai với thị trường bất động sản
Với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc phát triển các web application là một yêu cầu cần thiết và quan trọng với mỗi doanh nghiệp, bởi các ưu điểm vượt trội như người dùng không phải cài đặt các ứng dụng web, có thể sử dụng mọi lúc mọi nơi khi có mạng internet, nâng cao hiệu quả làm việc nhóm, công nghệ sao lưu dữ liệu bằng điện toán đám mây. Đây là lý do tại sao webapps được nhiều doanh nghiệp và lập trình viên lựa chọn mặc dù yêu cầu kỹ thuật cao hơn.
Một minh chứng đơn giản, bán hàng là một khâu nhỏ trong chuỗi các hoạt động liên kết với nhau của hoạt động kinh doanh, nhưng đã có rất nhiều thứ để quản lý, từ thông tin sản phẩm (loại hàng, giá bán, vị trí trưng bày tại cửa hàng), khách hàng (khách hàng vãng lai, khách hàng thân thiết, khách VIP), nhân viên bán hàng (tên, chức vụ, nhiệm vụ, ca trực...) doanh thu, hàng tồn kho…
Nếu không có webapps, tất cả những thông tin này sẽ được lưu trữ ở nhiều file excel hoặc các phần mềm thống kê, mỗi người quản lý sẽ lưu một bản. Khi cần chỉnh sửa gì mà không thống nhất, người ghi chú lại, người thì không, cuối tháng, cả phòng ban sẽ rối tinh, vì phải lục lại dữ liệu cũ.
Ứng dụng webapps trong quản lý kinh doanh không chỉ bán hàng, tất cả các hoạt động khác từ nguồn sản phẩm, quy trình vận chuyển, lưu trữ hàng hóa, nhập hàng, xuất hàng, công nợ cho đến bán hàng, vận chuyển, khách hàng đều được quản lý chặt chẽ.
Nếu không có webapps, một quản trị cấp cao phải tập hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để có dự liệu phân tích. Rắc rối sẽ xảy ra khi đối chiếu các số liệu không khớp hoặc đâu đó có vài sai sót “nho nhỏ” ảnh hưởng đến toàn bộ kế hoạch. Thông thường, với cách quản trị truyền thông, những lỗi chi tiết như vậy chỉ được phát hiện vào cuối quá trình, khi các vấn đề lớn xảy ra.
Lúc đó người ta mới phải lục lại chi tiết từ ban đầu, vừa mất thời gian, vừa ảnh hướng đến toàn bộ kế hoạch chung. Với webapps, ngoài việc lấy toàn bộ dữ liệu trong thời gian ngắn mà tất cả dữ liệu đều đảm bảo chính xác một cách tuyệt đối. Vì bất cứ lỗi xảy ra ở quy trình trước đó đều nhanh chóng được phát hiện và kiểm soát.
Cùng với quá trình chạy đua trong việc nâng cấp hệ điều hành (OS) từ các nhà cung cấp, cũng như sự phát triển của HTML5, thì các ứng dụng chạy trên webapps đang dần thu hẹp khoảng cách với ứng dụng gốc. Sự phát triển và những tiện lợi đi đầu của ngôn ngữ HTML5 (bên cạnh đó là jQuery/CSS) đã giúp cho webapps có thể làm được những điều mà ứng dụng phải cài đặt đã và đang có.
Có thể nói, khi phần cứng và hệ điều hành của smartphone được nâng cấp, thì đó cũng chính là “thời” của webapps.
Đây cũng chính là lý do vì sao trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là những doanh nghiệp phân phối chú trọng tới việc xây dựng webapps trên các website của mình. Mục đích của những webapps trong lĩnh vực bất động sản không ngoài việc nhằm đưa dự án bất động sản, dịch vụ đến được với khách hàng.
Dù khách hàng ở đâu thì cũng có thể xem được mô hình và quy mô công ty thông qua đường truyền internet, đồng thời không phải cài đặt bất cứ một ứng dụng nào, vừa tốn thời gian, vừa tốn dung lượng máy, vừa phải mất công tìm hiểu. Điều này giúp người dùng hay khách hàng sẽ chủ động tìm đến bạn nếu website của bạn có được những vị trí cao trên các công cụ tìm kiếm đặc biệt là trên google. Thông qua những thông tin trên website bạn có thể có được thông tin khách hàng (thu thập được data khách hàng) để có thể chăm sóc, giới thiệu thông tin các dự án tiếp theo.
Có thể nói, việc cung cấp thông tin nhanh và chính xác sẽ trở thành yếu tố sống còn của các công ty trong thời đại “tốc độ thông tin” như hiện nay.