Đây là hoạt động thoái vốn nhà nước, được thực hiện qua phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Ngay sau thông tin này, giá cổ phiếu GEX tăng 13,3%.
Trước đó, tháng 11/2015, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã đồng ý việc Bộ Công thương chỉ đạo thoái toàn bộ phần vốn nhà nước tại Gelex trước tháng 4/2016.
Theo thông báo của Bộ Công thương, giao dịch thoái vốn tại Gelex dự kiến bắt đầu từ 25/12/2015 đến 22/1/2016.
Gelex hoạt động trong lĩnh vực chế tạo thiết bị đo điện, với các sản phẩm chủ lực mang thương hiệu EMIC như: công tơ điện xoay chiều kiểu cảm ứng, công tơ điện tử đa chức năng, máy biến dòng, biến áp đo lường trung thế, hạ thế và các thiết bị đo điện, điện tử khác.
GEX chào sàn UPCoM ngày 11/5/2015, khối lượng giao dịch bình quân trong 10 phiên trở lại đây đạt gần 230.000 cổ phiếu/phiên.
Cơ cấu cổ đông của Gelex khá cô đặc, ngoài Bộ Công thương nắm giữ 122 triệu cổ phiếu (78,74% vốn), Tổng công ty có cổ đông chiến lược là CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nắm giữ 9,68% vốn. Tháng 8/2015, Gelex đã phát hành 15 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho VCSC, tăng vốn từ 1.400 tỷ đồng lên 1.550 tỷ đồng.
Ngoài ra, CTCP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Hoàng Thành nắm giữ 2,8 triệu cổ phiếu GEX, Chủ tịch Hoàng Thành là bà Nguyễn Thị Minh Ngọc, thành viên HĐQT độc lập của Gelex nắm giữ 1,4 triệu cổ phiếu GEX (0,9% cổ phần), các cổ đông bên ngoài nắm 8,55% vốn.
Cổ đông của GEX
Đáng chú ý, cả bà Ngọc và Hoàng Thành đều đăng ký bán toàn bộ số cổ phần GEX nắm giữ trong khoảng thời gian từ 21/12/2015 đến 20/1/2016. Giao dịch này được công bố trước khi Bộ Công thương đăng ký thoái vốn tại Gelex 1 ngày.
Trong tháng 12/2015, các cổ đông nội bộ của Gelex bao gồm Phó tổng giám đốc Nguyễn Tiến Vinh, vợ và con gái Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hoa Cương, thành viên Ban kiểm soát và Giám đốc Tài chính của Gelex đồng loạt bán hết hoặc gần hết số cổ phần nắm giữ, tổng khối lượng bán ra là hơn 475.000 đơn vị.
Câu hỏi đặt ra ở đây là, Gelex đang được “bao bọc” bởi Bộ Công thương và các sản phẩm độc quyền phân phối cho các công ty con trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, vậy sau khi Bộ Công thương thoái toàn bộ vốn thì Gelex có còn được hưởng các ưu đãi này hay không?
Trên thị trường, các NĐT đang phản ứng khá tích cực với thông tin cổ đông nhà nước thoái vốn khỏi Gelex. Phiên giao dịch ngày 24/12, giá cổ phiếu này tăng 13,3% lên 19.600 đồng/CP, với 1,13 triệu đơn vị được khớp lệnh, cao nhất kể từ khi lên sàn.
Thực tế, kết quả hoạt động và triển vọng ngành của Gelex khá sáng sủa. Theo Quy hoạch phát triển ngành thiết bị điện đến năm 2015 và 2025 đã được Bộ Công thương phê duyệt, giai đoạn 2015 - 2025, ngành thiết bị điện sẽ phải phát triển để đáp ứng 70% nhu cầu trong nước về thiết bị đường dây, 55% về động cơ điện, 50 - 60% nhu cầu về máy biến thế…
Danh sách công ty con của GEX
Hiện Gelex có 6 công ty con, 3 công ty liên kết, 1 công ty liên doanh, trong đó sở hữu 65% vốn tại CTCP Dây Cáp điện Việt Nam (CAV). Thị phần phân phối dây cáp điện của CAV trên cả nước đạt khoảng 30%, trong đó thị phần tại miền Nam đạt 90%, miền Trung chiếm khoảng 70% và miền Bắc chiếm 20%.
Gelex còn sở hữu 65,84% CTCP Chế tạo điện cơ Hà Nội (HEM - đơn vị sở hữu 35% vốn tại Khách sạn Melia Hà Nội). Về mảng bất động sản, ngoài việc gián tiếp sở hữu Khách sạn Melia Hà Nội, Gelex đang tiến hành xây dựng Dự án trụ sở tại 52 Lê Đại hành, gồm tòa nhà 22 tầng, tổng diện tích xây dựng gần 18.300 m2, với vốn đầu tư 443 tỷ đồng.
Ngoài ra, Gelex đầu tư Dự án số 10 Trần Nguyên Hãn, hiện đang tiến hành lập Dự án tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn văn phòng cho thuê, với tổng mức đầu tư 1.900 tỷ đồng.
Tăng trưởng doanh thu lợi nhuận của GEX
9 tháng đầu năm, Gelex đạt 7.975 tỷ đồng doanh thu và hơn 400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 14% và 6,25% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2014, Tổng công ty đạt 8.735 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 18%; lợi nhuận sau thuế đạt 448,2 tỷ đồng, tăng 8,9% so với năm 2013. Cổ tức của Gelex những năm gần đây là 12%.