Khách tham quan trước gian hàng của Huawei tại Triển lãm Di động tại Thượng Hải. Ảnh:Bloomberg

Khách tham quan trước gian hàng của Huawei tại Triển lãm Di động tại Thượng Hải. Ảnh:Bloomberg

Tương lai bất định của Huawei sau khi giám đốc tài chính bị bắt

Việc lãnh đạo bị bắt có thể khiến nhiều nước nghi ngại công nghệ của Huawei, đe dọa nguồn doanh thu trong tương lai của tập đoàn này.

Hôm 7/12, bà Mạnh Vãn Chu – Giám đốc tài chính kiêm Phó chủ tịch Tập đoàn công nghệ Trung Quốc – Huawei đã bị Tòa án tối cao British Columbia (Canada) cáo buộc "âm mưu lừa đảo nhiều tổ chức tài chính" và có thể phải ngồi tù trên 30 năm nếu bị kết tội và dẫn độ về Mỹ.

Mạnh Vãn Chu bị nghi ngờ nói dối một ngân hàng tại Mỹ, nhằm sử dụng công ty con SkyCom để bán nhiều thiết bị máy tính cho Iran trong giai đoạn 2009-2014, vi phạm lệnh cấm vận của Washington nhằm vào Tehran.

Bà Mạnh sẽ bị giam tới ngày 10/12, thời điểm phiên điều trần xem xét quyền bảo lãnh tại ngoại cho bà được nối lại, Reuters đưa tin. Bà bị bắt ngày 1/12 tại Canada, theo yêu cầu của Mỹ.

Mạnh là con gái nhà sáng lập kiêm CEO Huawei – Nhậm Chính Phi, được kỳ vọng là người kế nhiệm chức CEO của cha. Bà cũng là người có công lớn trong tham vọng toàn cầu hóa của Huawei. Giới phân tích nhận định việc bắt giữ này sẽ làm phức tạp triển vọng kinh doanh trong dài hạn của đại gia công nghệ Trung Quốc này.

"Việc này sẽ có tác động dây chuyền và ảnh hưởng lên quyết định mua thiết bị của nhiều quốc gia hơn nữa", Gu Wenjun – nhà sáng lập hãng nghiên cứu ICwise cho biết, "Mỹ có thể nhân cơ hội này yêu cầu các đồng minh ngừng sử dụng sản phẩm của Huawei".

Vụ bắt giữ càng khiến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng. Trung Quốc đã nhiều lần yêu cầu Canada thả bà Mạnh, và muốn biết lý do cho hành động này.

Đến nay, Mỹ đã áp thuế nhập khẩu lên 250 tỷ USD hàng Trung Quốc, đồng thời siết kiểm soát đầu tư từ Trung Quốc. Giới chức Mỹ lý giải đây là hành động đáp trả việc Trung Quốc làm ngơ trước các phàn nàn của Mỹ, về các quy định ép doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ và bí mật thương mại nếu muốn làm ăn tại đây.

Tham vọng trở thành nước đi đầu thế giới về các ngành công nghệ cao của Trung Quốc luôn bị Mỹ coi là mối đe dọa cho an ninh quốc gia. Huawei chính là tâm điểm của các lo ngại ngày. Họ liên tiếp bị cáo buộc cài thiết bị nghe lén, hoặc thiết kế "cửa sau" trong sản phẩm để đánh cắp thông tin. Dù bác bỏ cáo buộc này và khẳng định luôn tuân theo luật pháp nước sở tại, Huawei vẫn bị nhiều nước cấm cửa.  

Năm nay, chính phủ Australia và New Zealand đã theo chân Mỹ cấm Huawei tham gia lắp đặt mạng 5G trong nước, do lo ngại an ninh quốc gia. Ngay sau khi bà Mạnh bị bắt giữ, Tập đoàn BT của Anh cũng cho biết sẽ dần loại bỏ thiết bị của Huawei khỏi mạng 3G và 4G hiện tại. Họ cũng sẽ không cân nhắc công ty này cho các thế hệ mạng viễn thông sắp tới. Nhật Bản cũng được cho là đã cấm chính phủ mua thiết bị của Huawei và ZTE (đối thủ của Huawei) do lo ngại tấn công mạng và rò rỉ thông tin.

"Chúng tôi tin rằng chính phủ Mỹ rất vô lý khi dùng cách tiếp cận như thế này để gây sức ép lên một công ty", Huawei cho biết trong một bức thư gửi các nhà cung cấp hôm thứ năm, "Họ đang đi ngược lại tinh thần của một nền kinh tế tự do và cạnh tranh công bằng. Tuy nhiên, dù nó vô lý đến mức nào, sự hợp tác giữa chúng tôi với các nhà cung cấp toàn cầu vẫn sẽ không thay đổi".

Edison Lee – nhà phân tích tại Jefferies cảnh báo Huawei có thể bị giáng đòn như đối thủ ZTE. Hồi tháng 4, Mỹ cấm các công ty trong nước bán hàng cho ZTE, vì công ty này vi phạm lệnh trừng phạt lên Iran. Việc này có thể đẩy ZTE đến bờ vực sụp đổ, do họ phụ thuộc vào linh kiện của Mỹ để sản xuất thiết bị. ZTE thực sự đã khốn khó trong nhiều tháng. Đến tháng 6, họ chấp nhận nộp phạt 1,4 tỷ USD và đồng ý cải tổ lãnh đạo cấp cao để được gỡ bỏ lệnh cấm.  

Nếu Mỹ cũng phạt Huawei vì bán hàng của Mỹ sang Iran, họ "có thể ngay lập tức áp lệnh cấm xuất khẩu". "Chúng tôi cho rằng hậu quả từ lệnh cấm của Mỹ với Huawei cũng sẽ tương tự với ZTE. Tức là khiến việc kinh doanh bị đình trệ", ông giải thích.

Dù vậy, một số nhà phân tích lại cho biết khác ZTE, Huawei không phụ thuộc lớn vào các nhà cung cấp bên ngoài, như Qualcomm, để có chip sản xuất smartphone. Hai phần ba thiết bị cầm tay của Huawei sử dụng chip tự tạo, Sean Kao - nhà phân tích phần cứng tại hãng nghiên cứu IDC cho biết.

Huawei đã đầu tư rất mạnh tay để phát triển công nghệ 5G, hứa hẹn tung ra năm tới. Vì vậy, rắc rối mới nhất này có thể đe dọa nỗ lực bán thiết bị mạng 5G của họ cho các nhà mạng và chính phủ khác. Đây chính là cỗ máy tăng trưởng trong tương lai cho Huawei. Năm ngoái, họ đạt doanh thu tới 92,5 tỷ USD, tương đương Microsoft.

Thảo luận về việc trả tự do cho bà Mạnh có thể sẽ là một phần quan trọng trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Giới phân tích dự đoán Bắc Kinh có thể sẽ đưa ra một số nhượng bộ.

Dù vậy, vẫn còn rất nhiều quốc gia cởi mở với Huawei. Hôm thứ Tư, họ đã ký biên bản ghi nhớ phát triển mạng 5G cho nhà mạng Bồ Đào Nha - Altice Portugal. Không như các đại gia công nghệ Trung Quốc khác, Huawei chủ yếu hoạt động tại thị trường nước ngoài. Họ là cái tên dẫn đầu tại nhiều quốc gia trên khắp châu Âu, châu Á và châu Phi.

"Tôi không cho rằng mọi quốc gia sẽ nghe theo Mỹ đâu", Gu nhận định, "Nhưng hãy hy vọng Mỹ sẽ không cấm bán hàng cho Huawei. Vì khi đó, cuộc chiến sẽ lan sang cả lĩnh vực viễn thông nữa. Trong trường hợp này, Trung Quốc sẽ không thể nào ngồi yên".

Tin bài liên quan