Thi công Gói thầu J3 sử dụng vốn vay của JICA. Ảnh: A.M
Đứng hình
“Rất đáng buồn là trong vài ngày nữa, 3 gói thầu A5, A6, A7 thuộc đoạn phía Đông của Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ phải dừng lại sau khi thi công hết số vật liệu tích trữ từ 2 tháng trước đó”, ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án phía Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết.
Theo ông Hùng, kể từ khi TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc vận chuyển vật tư vào công trường bị “đóng băng”, ảnh hưởng trực tiếp tới công tác tổ chức thi công “3 tại chỗ” của các nhà thầu.
Điều đáng nói là, nếu 3 gói thầu nói trên buộc phải dừng thi công, thì toàn bộ công trường tại Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng ngừng hoạt động.
Trong Công văn số 7141/BGTVT-CQLXD gửi Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 7/2021, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) - cơ quan hiện đóng cả hai vai là bộ quản lý nhà nước chuyên ngành và cơ quan chủ quản, cấp quyết định đầu tư thừa nhận, các vướng mắc về nguồn vốn dù được nhận diện từ 2 năm trước, nhưng tiến trình xử lý rất chậm, với nhiều nội dung nằm ngoài thẩm quyền của Bộ GTVT đã khiến Dự án bị tê liệt sau 8 năm triển khai thi công.
Đây là điều hết sức đáng tiếc, bởi trước khi gói thầu xây lắp đầu tiên vào tháng 7/2014, VEC đã nắm trong tay 2 hiệp định vay vốn trị giá 647,13 triệu USD với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và 1 hiệp định vốn vay theo hình thức STEP (vay theo điều kiện đặc biệt) trị giá 569,2 triệu USD từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Trong số này, các khoản vay ADB được VEC vay lại từ Bộ Tài chính, khoản vay JICA là khoản đầu tư của Nhà nước vào Dự án theo hình thức cấp phát.
Khó khăn bắt đầu ập đến từ năm 2016, sau khi khi cấp có thẩm quyền ban hành quy định: không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước; không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.
Quy định trên đã khiến nhiều nội dung quan trọng tại Quyết định số 2072/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc về việc tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư 5 dự án đường cao tốc của VEC, trong đó mấu chốt là chuyển toàn bộ số vốn ODA tại 5 dự án đang thực hiện theo hình thức cho vay lại được chuyển sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp không thể thực hiện được.
Đến cuối tháng 11/2018, Quốc hội có Nghị quyết số71/2018/QH14 với quy định “chưa phân bổ nguồn vốn nước ngoài cho VEC”, khiến Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành rơi vào tình trạng bị ngắt vốn đột ngột khi đang triển khai thi công.
Áp lực nợ khối lượng
Ngoài việc không thể hoàn thành công trình vào cuối tháng 12/2023 như tiến độ được Thủ tướng Chính phủ gia hạn vào năm 2020, mối lo ngại nhất hiện nay tại Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành là việc từ tháng 4/2021, các nhà thầu Nhật Bản đã yêu cầu chủ công trình thanh toán ngay 33 triệu USD khối lượng hoàn thành và chi phí phát sinh. Các chi phí này tiếp tục tăng theo thời gian dừng thi công (khoảng 1 triệu USD/tháng).
VEC lo ngại, trong trường hợp các nhà thầu Nhật Bản yêu cầu chấm dứt hợp đồng, thời gian hoàn thành các gói thầu vay vốn JICA sẽ kéo dài thêm ít nhất 24 tháng so với mốc tiến độ hoàn thành năm 2023. Đây là khoảng thời gian tối thiểu để thực hiện các thủ tục chấm dứt hợp đồng, tổ chức lựa chọn nhà thầu mới và thi công hoàn thành khối lượng còn lại, chi phí phát sinh thêm khoảng 22,8 triệu USD (chi phí trượt giá, chi phí tư vấn giám sát…). Điều đáng nói là, nguy cơ VEC bị khiếu kiện, dừng hợp đồng cũng đang diễn ra tại phân đoạn phía Đông sử dụng vốn vay ODA.
Để giải quyết căn cơ các vướng mắc về vốn tại Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Bộ GTVT cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm xử lý dứt điểm tái cơ cấu nguồn vốn các dự án của VEC. Đối với nội dung này, Chính phủ đang trong quá trình hoàn thiện báo cáo trình Bộ Chính trị cho ý kiến về chủ trương, làm cơ sở trình Quốc hội xem xét điều chỉnh, sửa đổi các văn bản liên quan trong kỳ họp Quốc hội tháng 10/2021.
Trong giai đoạn trước mắt, để tránh bị khiếu kiện về việc chậm thanh toán và phát sinh thêm chi phí, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho VEC tạm sử dụng khoản tiền thu phí nhàn rỗi chưa đến hạn trả nợ các khoản vay và nguồn vốn hợp pháp khác của doanh nghiệp để thanh toán ngay cho các nhà thầu. Đồng thời, cho phép VEC cam kết về việc xem xét thanh toán cho các nhà thầu chi phí phát sinh do chậm thanh toán và dừng chờ thi công.
“Trường hợp các vướng mắc về nguồn vốn không được sớm giải quyết trong quý III/2021, nguy cơ là các nhà thầu còn lại của Dự án sẽ đề nghị chấm dứt hợp đồng và phát sinh khiếu kiện, khiếu nại đối với chủ đầu tư. Như vậy, thiệt hại về kinh tế sẽ rất lớn”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.
Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành được chia làm 3 phân đoạn
Đoạn 1 (phía Tây) dài 21,1 km, gồm 5 gói thầu: A1, A2-1, A2-2, A3 và A4, sử dụng vốn vay của ADB thông qua Hiệp định vay lần 01 số 2730-VIE. Do Hiệp định đã hết hiệu lực sau ngày 30/6/2019, nên các gói thầu nói trên đã dừng thi công từ tháng 7/2019, khi khối lượng thi công đạt 87,2%.
Đoạn 2 (giữa) dài 10,7 km chủ yếu là các cầu lớn vượt sông, có độ phức tạp rất cao về kỹ thuật, gồm 3 gói thầu: J1, J2 và J3, sử dụng vốn vay ODA của JICA. Các gói thầu đã dừng thi công từ năm 2019 do không được bố trí vốn, khối lượng thi công đạt 84,6%.
Đoạn 3 (phía Đông) dài 25,3 km, gồm 3 gói thầu: A5, A6 và A7, sử dụng vốn vay ADB thông qua Hiệp định vay lần 02 số 3391-VIE đã được gia hạn đến ngày 31/12/2023. Đây là 3 gói thầu được bố trí vốn và các nhà thầu đang triển khai thi công, song tiến độ thực hiện còn chậm, khối lượng thi công đạt khoảng 45% và đang bị ảnh hưởng rất nặng bởi Covid-19.