Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, thói quen tiêu dùng cũng thay đổi, đặc biệt với những thị trường có dân số trẻ, ưa thích công nghệ chiếm tỷ lệ cao như tại Việt Nam.
Theo đó, khách hàng sử dụng công nghệ ngày càng gia tăng. Chính nhu cầu thay đổi từ phía người dùng kéo theo sự chuyển dịch mạnh mẽ của ngành ngân hàng trong dịch vụ ngân hàng số. Và mỗi ngân hàng bắt đầu con đường của mình khác nhau…
Còn nhớ, cuộc điện thoại vội vàng cách đây gần 5 năm với cậu em thế hệ 8X lúc đã khuya bởi “em đang bận đón một “em” nặng 1,4 tấn “bê” lên tầng 14, nói chuyện sau chị nhé”. Không giấu được tò mò nên sáng sớm hôm sau đã điện thoại để “truy”.
Cậu em cười lớn, say sưa kể về “em 1,4 tấn” của mình: “Ðó là ngân hàng tự động, rất nặng nhưng chỉ có em, một đối tác cùng hai bạn vận chuyển cùng nhau chuyển bộ máy nặng 1,4 tấn lên tầng 14. Thang máy thì chỉ chở tối đa 800 kg nên cả nhóm phải tháo rời máy ra từng bộ phận để vận chuyển lên. Thang hẹp chỉ để được máy, nên phải có người nhấn thang máy, người còn lại chạy bộ lên tầng 14 đón máy ra”.
Có lẽ là “đứa con tinh thần đầu lòng” nên luôn mang lại rất nhiều cảm xúc, một thời gian sau gặp lại, em hào hứng kể kỷ niệm cũng xếp vào nhóm “đêm trắng, không thể nào quên”: “Lắp đặt ngân hàng tự động tại một địa điểm mới. 4 giờ sáng, máy được chở đến nhưng nhân viên bảo vệ 8 giờ mới làm việc. Trong máy lại có tiền nên em trở thành người trông máy bất đắc dĩ suốt 4 tiếng liền trong trời mưa tầm tã của buổi sáng sớm”.
Và đặc biệt, trong ngày khai trương chính thức, Ngân hàng tổ chức lễ ra mắt rất rầm rộ với nhiều đại điện từ các cơ quan quản lý tới dự.
Sáng hôm ấy, em đặt đồ lễ thắp hương, cầu cho buổi lễ diễn ra suôn sẻ và hoạt động của phòng máy sau này thuận lợi.
Chẳng có ban thờ riêng nên đành để lễ trên bàn làm việc của tư vấn viên mà thành tâm cầu cúng. Ðến khi phòng máy đầy mùi khói hương, mọi người lại phải tá hoả chạy đi mua thuốc xịt phòng để xịt cho bay mùi hương khói.
Hôm đó, thời tiết lại không ủng hộ lắm. Sáng sớm mà đã thấy mây đen kéo đến ùn ùn. Ai cũng lo. “Sếp” tới dự câu đầu tiên ghé tai em hỏi: “Ðã thắp hương chưa?”.
Không biết là có phải do thành tâm hay không, cuối cùng thì buổi lễ diễn ra trọn vẹn, xong xuôi thì trời mới đổ mưa. Ðúng là trộm vía.
Tại một ngân hàng khác, là câu chuyện Core Banking. Thay hệ thống Core Banking của một ngân hàng được ví như máy bay tiếp dầu trên không, vừa phải thay vừa phải phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Do đó, mùng 6 Tết Nguyên đán được ngân hàng lựa chọn bắt đầu thực hiện chuyển đổi hệ thống Core Banking để nếu có sơ suất xảy ra sẽ không bị ảnh hưởng lớn.
Nói thì đơn giản nhưng những người làm trong hệ thống đều biết để tiến hành được, trước đó một tuần, nghĩa là từ ngày 30 Tết đã phải thực hiện thử nghiệm việc chuyển đổi dữ liệu để xem có thể tiếp tục thực hiện chuyển đổi Core Banking được không. Còn trước đó, đội ngũ công nghệ đã phải thực hiện chạy thử không dưới 20 lần…
Và trong khi người người nhà nhà sắm sửa vui Xuân, đoàn tụ, đội ngũ lãnh đạo và dự án công nghệ “ăn, ngủ, nghỉ” tại ngân hàng để triển khai dự án với quy mô lớn trong cùng một thời điểm là 55 chi nhánh, hơn 1.000 phòng giao dịch, hơn 2.000 máy ATM trên 63 tỉnh, thành phố; với độ phức tạp là 150.000 tình huống kinh doanh, 360 bộ tài liệu đặc tả giải pháp, 72 ứng dụng tích hợp, 11 cấu phần nghiệp vụ lõi, 3 cấu phần kênh phân phối, tương tác khách hàng…
Từ sếp đến nhân viên không quần là áo lượt như mọi khi, căng thẳng, lo lắng, hồi hộp và vui sướng… là cảm xúc của những “năm tháng tự hào”.
Khối lượng công việc đồ sộ nhưng tôi không khỏi ngạc nhiên khi biết câu trả lời của một sếp công nghệ ngân hàng cho câu hỏi: “Một ngày làm việc của anh như thế nào”?
Và đây là câu trả lời cho câu hỏi đó: “Một ngày làm việc thông thường, tôi dùng 50% thời gian để đi họp với các sếp, với đồng nghiệp và chỉ đạo công việc, 30% để check mail, còn 20% thời gian còn lại là chắp tay sau lưng đi lòng vòng quanh văn phòng hỏi han, tâm sự, làm trò với anh chị em đồng nghiệp. Với mục đích quan trọng không kém công việc, đó là khiến cho không khí ở văn phòng trở nên vui vẻ hơn”.