Người H’ Mông ở Mộc Châu, Sơn La không đón Tết Nguyên đán như người dân tộc Kinh, nhưng họ cũng có 2 ngày tết quan trọng trong năm là: Tết dân tộc Mông và Tết độc lập. Trong đó, Tết độc lập là tên gọi khác của ngày Quốc khánh 2/9.
Tết độc lập mừng Quốc khánh 2/9 của đồng bào dân tộc Mông ở Mộc Châu được hình thành vào khoảng những năm 50 của thế kỷ trước. Theo lời kể của những người H’ Mông cao tuổi, sau cách mạng Tháng Tám và từ khi Bác Hồ đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập năm 1945 đến nay, đồng bào dân tộc Mông ở Mộc Châu đã rất trân trọng và lập nên Tết độc lập mừng ngày Quốc khánh 2/9.
Tết độc lập của người Mông gồm các hoạt động văn hóa nghệ thuật thể hiện tình yêu quê hương đất nước. Bên cạnh đó còn có nhiều cuộc thi nấu ăn, thi văn nghệ giữa các địa phương để so tài cũng như chung vui trong ngày hội. Hàng năm, cứ đến ngày Tết độc lập, không chỉ có đồng bào dân tộc Mông mà còn có người dân tộc Thái cùng xuống trung tâm thị xã Mộc Châu nao nức xuống đường trảy hội.
Trong dịp lễ ý nghĩa này, người Mông ăn tết còn lớn hơn cả Tết cổ truyền.
2. Chợ tình Mộc Châu
Chợ tình Mộc Châu được tổ chức định kỳ mỗi năm một lần, từ ngày 31/8 tới 2/9. Chợ tình cũng là hoạt động được chào đón, yêu thích trong mùa Tết độc lập mừng Quốc khánh 2/9 của đồng bào dân tộc H’Mông nơi cao nguyên phủ mây, đầy bí ẩn.
Vào ngày này, các cô gái H’Mông đến tuổi cập kê xúng xích váy hoa xuống chợ phiên để tìm “ý trung nhân” cho mình.
Các cô gái người Mông váy áo xúng xính chờ đợi đi chợ tình. Ảnh: Internet
Trong khi chợ tình Khau Vai (Hà Giang), chợ tình Sapa (Lào Cai) dần trở nên nhạt nhòa và thương mại hóa nhiều thì chợ tình Mộc Châu vẫn giữ được phần hồn mộc mạc, đậm đà bản chất văn hóa của dân tộc thiểu số.
Chợ tình Mộc Châu còn là điểm đến, điểm hẹn hò của các dân tộc thiểu số từ Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La đến Yên Bái, Lào Cai. Trong mắt du khách trong và ngoài nước cũng như dân phượt, chợ tình Mộc Châu còn lạ lắm, còn thu hút và quyến rũ lắm.
Trong đêm chợ tình, từng tiếng sáo, tiếng khèn vang lên, xen lẫn vi vu gió núi, cái lành lạnh sương đêm ở một thị trấn vùng cao như bị xua tan bởi không khí náo nhiệt, sôi động của các đôi trai gái dập dìu. Các đôi tình nhân bị ngăn sông cách núi cũng tìm cách đến chợ tình, hẹn hò chốn cũ để gặp mặt, tâm tình, trút bầu tâm sự. Sáng hôm sau, họ lại quay về với bộn bề cuộc sống thường nhật, sống trong những ngóng trong, mong ước để được gặp nhau ở mùa chợ tình sau.
3. Lễ hội Mah Grợ của người Khơ Mú
Lễ hội Mah Grợ của dân tộc Khơ Mú, tỉnh Sơn La thường được tổ chức vào tháng 8, tháng 9 âm lịch hàng năm (khoảng tháng 9,tháng 10 dương lịch), mang ý nghĩa tổng kết vụ mùa năm cũ và khai mở một vụ mùa mới. Lễ hội Mah Grợ là một lễ hội cổ xưa của đồng bào dân tộc sống bằng nghề nương rẫy lâu đời.
Mâm cúng tổ tiên ngày hội Mah Grợ phải có 3 con gà cắt tiết và người làm lễ sẽ khấn cầu với mong muốn gia chủ có cuộc sống khấm khá hơn.
Con gà thứ nhất sẽ bị cắt mỏ, bôi tiết mỏ vào đầu gối những người trong nhà rồi khấn: “Do bò trèo đèo núi làm nương, đầu gối yếu mềm, nay sửa lại cho mạnh, cho cứng”.
Tiết con gà thứ 2 sẽ được quệt vào bồ thóc, rổ khoai và cúng rằng: “Thóc năm nay tốt sang năm khoai thóc tốt hơn”.
Cắt tiết con gà thứ ba đem bôi vào đầu con trâu ở gầm nhà sàn. Ông chủ nói khấn: “Trâu ơi, trâu phải khỏe, đẻ nhiều con, tinh phải cứng, hổ phải sợ, sang năm trâu giúp ta làm nên cửa nhà, giàu có…”
Trong ngày lễ Mah Grợ không thể thiếu điệu múa Vêlr Guông khi thì mềm mại, uyển chuyển, khi rộn ràng trong tiếng trống sục sôi.