Thông tư số 226/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính Quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính đã có hiệu lực đầy đủ từ ngày 1/4/2012. Đây là thời khắc quan trọng để bước vào một cuộc sàng lọc các CTCK yếu kém. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý Kinh doanh, UBCK về những bước chuyển pháp lý trong giai đoạn này.
Từ ngày 1/4/2012, Thông tư 226 đã có hiệu lực đầy đủ. Một vài CTCK có thể sẽ phải đóng cửa nếu không đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn khả dụng. Trong khi đó, các chỉ tiêu này lại do CTCK tự tính toán. Liệu có xảy ra tình trạng bất bình đẳng giữa CTCK nghiêm túc và gian lận tính toán không thưa ông?
Thông tư 226 đã có hiệu lực được hơn 1 năm nay, bắt đầu từ ngày 1/4/2011. Trong thời gian qua, các CTCK đã chấp hành nghiêm chỉnh chế độ báo cáo tỷ lệ an toàn vốn khả dụng. Về phía cơ quan quản lý, chúng tôi đã làm việc với gần 40 CTCK để yêu cầu lãnh đạo các công ty này giải trình số liệu tính toán các chỉ tiêu an toàn vốn khả dụng này. Và, quá trình rà soát, yêu cầu báo cáo cũng đã xuất hiện khoảng hơn chục CTCK có tính toán chưa chuẩn xác, nhưng nguyên nhân có thể đến từ sự hiểu chưa chính xác cách tính toán. Trong năm 2012, chúng tôi cũng tiếp tục làm việc với các CTCK để rà soát sơ bộ cách tính toán chỉ tiêu, để đảm bảo mức độ chuẩn xác.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý không đủ nguồn lực để đến từng CTCK, rà soát từng hợp đồng, sổ sách giấy tờ để đảm bảo mức độ công bằng tuyệt đối. Tính toán chỉ tiêu an toàn vốn khả dụng là để đảm bảo các CTCK có công cụ tự “khám bệnh” cho chính mình, từ đó đưa ra các biện pháp khắc phục. Bản thân ban lãnh đạo CTCK phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác trong số liệu báo cáo, nhất là khi có vấn đề phát sinh.
Ngoài dựa vào yếu tố tự giác, thì làm cách nào để tăng cường tính chuẩn xác trong tính toán chỉ tiêu an toàn vốn khả dụng của CTCK?
Trong Thông tư số 52/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính về công bố thông tin trên TTCK, thay thế thông tư số 09/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính, chúng tôi đã đưa thêm một nội dung rất mới là: CTCK phải công bố định kỳ về báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng được soát xét bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận tháng sáu (06) và tháng 12 cùng thời điểm với công bố thông tin báo cáo tài chính bán niên và báo cáo tài chính năm.
Với quy định này, chúng tôi đã tăng trách nhiệm của công ty kiểm toán trong quá trình soát xét cách tính chỉ tiêu an toàn vốn khả dụng CTCK, và chính công ty kiểm toán. Tôi cho rằng, từ tháng 6, khi Thông tư 52 có hiệu lực, sức ép minh bạch lên các CTCK sẽ ngày một lớn hơn, đòi hỏi họ phải nỗ lực thay đổi mình nhiều hơn để tồn tại.
Ngoài ra, trong kế hoạch hoạt động của UBCK, năm 2012, chúng tôi sẽ thực hiện kiểm tra 20 CTCK định kỳ, kiểm tra bất thường với các công ty có tình hình tài chính không lành mạnh, có vi phạm các quy định, quy chế trong quá trình hoạt động. Đây là một trong những biện pháp quan trọng để tăng cường ý thức nghiêm túc, tự giác của các CTCK.
Cùng một lúc, hàng loạt văn bản có hiệu lực đầy đủ như: Thông tư 226, Đề án tái cấu trúc CTCK, Thông tư 52. Liệu các văn bản này có tạo nên một cú sốc cho thị trường?
Không. Các CTCK đã tính toán chỉ tiêu an toàn vốn khả dụng từ 1 năm nay rồi, và họ tự biết sức khỏe mình ra sao. Chỉ tiêu an toàn vốn khả dụng chỉ xem xét sức khỏe CTCK trên phương diện tính thanh khoản, chứ không phải là sức khỏe toàn diện CTCK. Nhưng đây là căn cứ quan trọng, mà cùng với nó, CTCK phải cải thiện hoạt động, vì nếu để rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt 6 tháng liền, kèm với lỗ luỹ kế 50% vốn điều lệ, CTCK sẽ bị đình chỉ hoạt động. Đề án Tái cấu trúc CTCK, về bản chất là đưa phân loại CTCK để cơ quan quản lý giám sát, và hướng xử lý vẫn theo 226 và Luật Chứng khoán. Chúng tôi đã xác định năm 2012 là năm tăng cường rà soát hoạt động các CTCK. CTCK sẽ phải chịu quy luật đào thải của thị trường.
Ngoài các văn bản đã đề cập ở trên, hiện tại, chúng tôi còn đang hoàn thiện để trưng cầu ý kiến thị trường sửa đổi Quy chế tổ chức và hoạt động các CTCK, ban hành kèm với Quyết định 27/2007/QĐ-BTC. Quy chế sửa đổi sẽ bao gồm các nội dung mới như: hạn chế cho vay, hạn chế đầu tư của CTCK, các nghĩa vụ, trách nhiệm cụ thể hơn của CTCK, người hành nghề tại CTCK…, quy trình quản lý rủi ro nhằm đảm bảo CTCK hoạt động an toàn, hiệu quả và lành mạnh hơn.
Vậy đến thời điểm này, có bao nhiêu CTCK đưa vào diện kiểm soát đặc biệt?
Đã có một vài CTCK bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và chúng tôi đang làm văn bản báo cáo Bộ Tài chính. Thời gian gần, có thể là tuần tới, xét trên khía cạnh cần thiết phải bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, chúng tôi sẽ phải công bố danh sách các CTCK này. Một số CTCK sẽ phải tự nguyện, hoặc bắt buộc đóng cửa một số hoạt động nghiệp vụ, thậm chí phải tính đến nguy cơ bị xóa sổ trong thời gian tới.