Không riêng doanh nghiệp, các chủ thể khác trong nền kinh tế đều phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn ESG

Không riêng doanh nghiệp, các chủ thể khác trong nền kinh tế đều phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn ESG

Tuân thủ ESG hoặc rời khỏi thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) không trực tiếp giúp gia tăng định giá của doanh nghiệp, nhưng nếu không tuân thủ, doanh nghiệp sẽ phải chấp nhận rời khỏi thị trường.

Không chủ thể nào đứng ngoài cuộc

Trong những năm qua, cùng với quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế, kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ và hiện nằm trong nhóm 40 nước có quy mô kinh tế hàng đầu thế giới, nhóm 20 nước đứng đầu về thu hút đầu tư nước ngoài và Top 20 về kim ngạch xuất nhập khẩu.

Đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đến nay Việt Nam đã tham gia 19 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Trong đó, 16/19 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục, với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu.

Điều này đồng nghĩa với việc, Việt Nam nói chung và mọi thành viên thị trường nói riêng đều cần phải tuân thủ theo các yêu cầu mới khắt khe hơn liên quan tới yếu tố ESG.

Tại Diễn đàn ACCA châu Á - Thái Bình Dương do Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc tổ chức ngày 28/5/2024, bà Claudia Anselmi, Tổng giám đốc Công ty May và Nhuộm Hưng Yên, đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đã chia sẻ câu chuyện về việc thực hành ESG cụ thể tại doanh nghiệp.

“Dưới góc độ doanh nhân, tôi đang điều hành một nhà máy dệt may chuyên các loại vải chất lượng cao và tập trung vào thị trường xuất khẩu. Tôi là nhà đầu tư từ Ý tới Việt Nam kinh doanh từ năm 2008. Trong hành trình này, tôi tự hào vì đã góp phần vào sự phát triển của kinh tế địa phương và luôn tin tưởng vào việc thực hành phát triển bền vững ngay từ bước đi ban đầu. Dưới góc độ doanh nghiệp, chúng tôi phải chuyển đổi xanh và số để có thể cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu, khi sản phẩm của chúng tôi tập trung vào việc xuất khẩu và sức ép cạnh tranh là rất lớn. Bên cạnh đó, để có vị trí nhất định trong chuỗi cung ứng, các tiêu chuẩn bền vững cũng là yếu tố phải thực hiện. Đây là yêu cầu bắt buộc chúng tôi phải chuyển hướng tới quá trình chuyển đổi xanh và số. Nếu không làm như vậy, chúng tôi có nguy cơ bị loại khỏi thị trường”, bà Claudia Anselmi nói và cho biết, việc tuân thủ chiến lược bền vững ngay từ đầu giúp Công ty có thể tuân thủ dễ dàng quy định của các thị trường như châu Âu.

Ông Nguyễn Hữu Quang, Quản lý Danh mục Dragon Capital cho hay, Dragon Capital thành lập năm 1994 và sau một thời gian đã được Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) rót vốn. 7 năm sau khi thành lập, Dragon Capital đã bắt đầu áp dụng khuôn khổ ESG, mà một phần nguyên nhân xuất phát từ việc đây là yêu cầu của các đối tác quốc tế, trong đó có IFC.

Xác định tuân thủ các tiêu chuẩn ESG ngay từ ban đầu đã mang tới những thành quả cho Dragon Capital và công ty quản lý quỹ này định hướng doanh nghiệp nhận vốn phải tuân thủ ESG, thành lập quỹ tập trung cho doanh nghiệp cam kết thực hành theo thực tiễn tốt nhất về ESG từ năm 2011.

Đứng trước câu hỏi liệu thực hành ESG có giúp định giá của doanh nghiệp ở mức cao hơn trên thị trường hay không, ông Nguyễn Hữu Quang nhận xét, dưới góc độ đầu tư, thực hành ESG không trực tiếp dẫn tới kết quả định giá cao hơn, nhưng gián tiếp thì có. Cụ thể, khi thực hành ESG, doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn khi muốn gọi vốn trên thị trường quốc tế và cả ở Việt Nam, khi dòng vốn đầu tư ESG ngày càng gia tăng. Đồng thời, lượng nhà đầu tư tiềm năng quan tâm tới doanh nghiệp sẽ nhiều hơn, từ đó gián tiếp gia tăng mức định giá.

Nói về trở ngại khi thực hành ESG và các chiến lược phát triển bền vững, bà Claudia Anselmi cho rằng, trở ngại đầu tiên liên quan tới kiến thức, sự hiểu biết. Thực tế, nhiều doanh nghiệp thấy đây là vấn đề rất mới, không phải doanh nghiệp nào cũng có nguồn lực và nhân sự có chuyên môn về ESG.

Thứ hai, chi phí đầu tư ban đầu không nhỏ. Việc thực hành ESG đòi hỏi phải đầu tư vào máy móc, công nghệ, thiết bị năng lượng… Tất cả đều là các hệ thống phức tạp, đòi hỏi nhiều vốn, phải tính toán tỷ lệ hoàn vốn đầu tư, mất nhiều thời gian trước khi đi vào vận hành.

Thứ ba, doanh nghiệp không dễ tiếp cận nguồn vốn tài chính xanh. Tại Việt Nam, dòng vốn cho tín dụng xanh mới chỉ chiếm khoảng 4 - 5% vốn tín dụng toàn thị trường. Điều này là thách thức với doanh nghiệp, bởi vốn là yếu tố tiên quyết với các quyết định đầu tư, kinh doanh và phát triển của doanh nghiệp.

“Song hành với cơ hội và thách thức, doanh nghiệp không thể tự mình thực hiện. Theo đó, cần sự vận hành của toàn bộ hệ thống, từ tài chính, kế toán tới quy định pháp lý. Đây là hành trình dài cần nhiều sự hỗ trợ”, bà Claudia Anselmi nói.

Gia tăng các yêu cầu với thực hành ESG

Có những trở ngại khi thực hành ESG và các chiến lược phát triển bền vững, nhưng các doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện trước yêu cầu của thực tế.

Bà Julia Tay, lãnh đạo Chính sách Công cộng châu Á - Thái Bình Dương, EY cho biết, chính sách phát triển bền vững chính thức của mỗi quốc gia đều xây dựng trên 4 yếu tố hỗ trợ chính, bao gồm chiến lược, kỹ năng, hệ thống và tiêu chuẩn, trong đó vấn đề tiêu chuẩn đang là bước đầu được đặt ra.

“Ví dụ, trong lĩnh vực kế toán, tài chính, chúng ta đã có các tiêu chuẩn toàn cầu. Trong lĩnh vực phát triển bền vững, tại COP26, chúng ta đã có những tiến triển mới với yêu cầu về báo cáo phát triển bền vững toàn cầu. Thực tế hiện tại, mỗi quốc gia/khu vực đang có các tiêu chuẩn riêng như Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ. Tuy nhiên, các khu vực kinh tế này chiếm tới 60% quy mô kinh tế thế giới nên có thể xem đây là các tiêu chuẩn bước đầu quan trọng nhất. Chúng tôi đánh giá, đây là những thực hành tốt, tập trung vào một số yếu tố cụ thể như quản trị rủi ro, thực hành ESG”, bà Julia Tay nói.

Đáng chú ý, tháng 6/2023, Hội đồng Tiêu chuẩn Bền vững Quốc tế (ISSB) đã ban hành bộ tiêu chuẩn đầu tiên, mở ra một kỷ nguyên mới về công bố thông tin liên quan đến tính bền vững trên thị trường vốn trên toàn thế giới.

Cụ thể hơn, bộ Chuẩn mực Báo cáo phát triển bền vững quốc tế (IFRS Sustainability Standards) đầu tiên gồm: IFRS S1 - Yêu cầu chung về công bố thông tin liên quan đến tính bền vững; IFRS S2 - Công bố thông tin liên quan đến khí hậu.

Bộ tiêu chuẩn sẽ giúp cải thiện niềm tin và sự tin tưởng vào các công bố thông tin của doanh nghiệp về tính bền vững để cung cấp thông tin cho các quyết định đầu tư trong bối cảnh vấn đề về phát triển bền vững và tác động của hoạt động kinh doanh đến môi trường, xã hội đã trở thành một phần quan trọng của quản lý doanh nghiệp hiện đại.

Trước việc chưa có hệ thống tiêu chuẩn đồng nhất, các chuyên gia cho rằng, cần nhiều nỗ lực để công bố khung tiêu chuẩn và cùng thực hiện vì mục tiêu bền vững.

Ông Hu Jie, Giám đốc Trung tâm Đổi mới FinTech (Trung Quốc) cho rằng, để cộng đồng các quốc gia chia sẻ tầm nhìn và hài hoà tiêu chuẩn, yếu tố đầu tiên là các quốc gia phải hiểu biết lẫn nhau.

“Cần phải hiểu rõ nhau để hài hoá hoá các tiêu chuẩn. Trong đó, việc mở rộng thương mại cũng là trợ lực. Khi hoạt động đầu tư và kinh doanh xuyên biên giới, doanh nghiệp cần hiểu các quốc gia khác nhau có yêu cầu và bối cảnh như thế nào. Khi đã hiểu được thì sẽ tìm cách hài hoà và chính quyền các quốc gia cũng như vậy. Bên cạnh đó, cần minh bạch trong giám sát và quản lý để kiểm tra, đảm bảo tính minh bạch thông tin”, ông Hu Hie nói.

Về vấn đề này, bà Julia Tay nêu quan điểm, có 2 hướng tiếp cận là từ trên xuống và từ dưới lên. Với câu chuyện bền vững tại châu Á - Thái Bình Dương, hiện tại phải áp dụng từ trên xuống, tức là chính sách được ban hành và doanh nghiệp tuân thủ. Bởi lẽ, phạm vi và mức độ thực hiện còn đa dạng, nhiều bên liên quan cùng tham gia vào hệ thống, nên các nhà hoạch định chính sách phải là người đưa ra tiêu chuẩn và bước đi phù hợp với thời kỳ.

Chẳng hạn, tại Singapore, các doanh nghiệp niêm yết có giai đoạn 2 năm để thực hiện yêu cầu báo cáo ESG. Trung Quốc có giai đoạn thử nghiệm quản lý, giúp doanh nghiệp có đủ thời gian và số liệu để thực hiện thu thập dữ liệu báo cáo. Một số quốc gia khác sử dụng các quy định liên quan tới thực hành để bám sát và thúc đẩy tuân thủ. Khi doanh nghiệp có định hướng và lộ trình thì họ có thể thực hiện một cách cuốn chiếu các tiêu chuẩn ESG.

Tuy nhiên, có nhiều chủ thể như nhà đầu tư, nhà quản lý, doanh nghiệp trong hệ sinh thái hoạt động kinh tế và mỗi chủ thể đều cần xây dựng tinh thần chủ động.

“COP26 đã kêu gọi các chủ thể trong nền kinh tế tuân thủ ISSB về công bố các thông tin liên quan tới tăng trưởng bền vững. Thực tế, hệ thống báo cáo bền vững rộng hơn các báo cáo thông thường mà doanh nghiệp vẫn làm, bởi báo cáo bền vững giúp đánh giá toàn diện hơn những gì chúng ta hiện có. Doanh nghiệp sẽ thấy cần phải làm gì để cải thiện hoạt động sản xuất - kinh doanh theo hướng bền vững hơn và bổ sung hành động thích hợp. Điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp”, bà Julia Tay nói.

Tin bài liên quan