Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh là người đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên tại Kỳ họp thứ 7.
Tổng Kiểm toán Nhà nước và 3 vị bộ trưởng các Bộ Tài nguyên và Môi trường; Công thương; Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuẩn bị trả lời chất vấn tại nghị trường.
Hôm nay (3/6), Quốc hội Khóa XV bước sang tuần làm việc thứ ba của Kỳ họp thứ 7, dành 2,5 ngày (từ 4/6 đến hết sáng 6/6) cho hoạt động chất vấn.
Theo thông lệ, Quốc hội chất vấn theo nhóm vấn đề, lần lượt là tài nguyên và môi trường; công thương; kiểm toán; văn hóa, thể thao và du lịch.
Từ 9h50 đến 11h20 sáng ngày 6/6 là thời gian Thủ tướng Chính phủ (hoặc Phó thủ tướng được ủy quyền) làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Cũng theo thông lệ, Chủ tịch Quốc hội sẽ trực tiếp điều hành chất vấn tất cả các nhóm vấn đề.
Báo cáo các nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn cũng đều đã được các vị chịu trách nhiệm trả lời chính gửi tới các vị đại biểu Quốc hội.
Tại báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, liên quan đến quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đánh giá, các hệ sinh thái, tài nguyên biển đã và đang suy thoái, diện tích bị thu hẹp nghiêm trọng. Sự gia tăng chất thải ra cửa sông, ven biển, ngày càng gây ô nhiễm trên diện rộng tại các vùng cửa sông, ven biển làm ảnh hưởng đến tài nguyên nước, sinh vật, các ngành kinh tế gắn với biển.
Nếu không có giải pháp ngăn chặn hiệu quả thì các hệ sinh thái biển và sinh cảnh quan trọng, nguồn lợi thủy sản sẽ tiếp tục bị suy thoái (suy giảm chất lượng, số lượng, thu hẹp diện tích, thậm chí một số loài có thể biến mất). Khả năng thiếu nước ngọt cục bộ sẽ tiếp tục xảy ra tại một số vùng ven biển và hải đảo, nhất là ven biển miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long; ô nhiễm môi trường biển, đặc biệt là ven biển ngày càng nghiêm trọng.
Báo cáo của Bộ Công thương nêu hạn chế trong công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử. Đó là, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng còn diễn biến phức tạp. Thương mại điện tử đang ngày càng có tác động lớn, đặc biệt đối với nhóm đối tượng trẻ, người cao tuổi, người dân sinh sống ở vùng nông thôn, vùng cao, vùng xa..., trong đó đã phát sinh một số hệ lụy tiêu cực như vấn đề lừa đảo trên không gian mạng, “nghiện mua hàng”.
Với lĩnh vực kiểm toán, về trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán, nhưng vẫn xảy ra sai phạm, Tổng Kiểm toán nêu rõ, kết quả kiểm toán đã có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, Kiểm toán Nhà nước hiện phát huy vai trò, hiệu quả chủ yếu ở khía cạnh phòng ngừa, số vụ chuyển cơ quan điều tra còn hạn chế.
Đề cập giải pháp thời gian tới, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục tăng cường kiểm toán thực hiện các mục tiêu Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030: kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN; kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động. Tập trung kiểm toán những vấn đề nóng được dư luận xã hội, Quốc hội và cử tri quan tâm, các nhiệm vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước giao.
Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phản ánh, so với nhiều nước trên thế giới, các chính sách đãi ngộ đối với vận động viên thể thao ở nước ta còn hạn chế.
Cụ thể là chế độ tiền lương đối với vận động viên các đội tuyển trẻ, đội tuyển quốc gia theo Nghị định số 152/2018/NĐ-CP còn thấp (vận động viên đội tuyển quốc gia được hưởng 270.000 đồng/người/ngày x 26 ngày công = 7.020.000 đồng/tháng). Tiền lương đối với vận động viên thể thao thấp dẫn tới khó khăn trong thực hiện chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài trong lĩnh vực thể thao.
Chế độ dinh dưỡng đối với vận động viên thể thao còn thấp, khó đáp ứng đối với một số môn thể thao có cường độ tập luyện ở mức độ cao.
Một số địa phương đã áp dụng chế độ đặc thù đối với vận động viên tài năng như hỗ trợ tiền lương đối với vận động viên đạt thành tích cao tại các kỳ Đại hội thể thao quốc tế hoặc trong chu kỳ tập luyện để chuẩn bị tham dự Đại hội Thể thao quốc tế, tuy nhiên đa số các địa phương chưa thể ban hành cơ chế đặc thù do nguồn lực đầu tư cho thể thao còn hạn chế, theo báo cáo.