Bà Trần Thị Lệ Nga, Phó cục trưởng Cục thuế TP.HCM
Thưa bà, đâu là lý do khiến Cục Thuế Thành phố quyết định công khai danh tính doanh nghiệp không nộp thuế và ngưng hoạt động?
Qua thực tế quản lý, có ít nhất 20 doanh nghiệp bị truy thu thuế qua các đợt thanh kiểm tra đã không nộp thuế và ngưng hoạt động.
Cơ quan Thuế phát hiện doanh nghiệp không nộp tờ khai 3 tháng, đã lập biên bản xác minh tại địa phương, nơi đặt trụ sở và thông báo doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh gửi đến Sở Kế hoạch và Đầu tư, đồng thời đăng lên trang tin điện tử của Cục Thuế.
Để hạn chế tình trạng này, vừa qua, Cục Thuế đã thông báo đến UBND địa phương, nơi người đại diện theo pháp luật, thành viên HĐQT của các doanh nghiệp trên cư trú và áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm dừng xuất cảnh đối với các trường hợp vi phạm pháp luật.
Cục Thuế cũng kiến nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong việc cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp mới cho những đối tượng trên.
Bà có thể nói rõ hơn việc Cục Thuế Thành phố kiến nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong việc cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp?
Chẳng hạn khi một doanh nghiệp nào đó đang nợ thuế, không giải thể mà bỏ trốn; sau một thời gian, chủ doanh nghiệp này lại góp vốn thành lập một doanh nghiệp khác, hoặc ông chủ doanh nghiệp ấy lên các tỉnh khác, như Bình Dương, Đồng Nai… thành lập công ty mới…, thì khi tiến hành cấp giấy phép, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM hoặc các tỉnh cần rà soát lại. Sau đó, thông báo cho cơ quan thuế để có những biện pháp ngăn chặn: ngăn chặn xuất cảnh, hoặc cưỡng chế để thực hiện các thủ tục về thuế.
Từ trước đến nay, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan về việc xử lý doanh nghiệp “né” thuế này như thế nào, thưa bà?
Chúng tôi đều gửi tất cả những thông tin về doanh nghiệp bỏ trốn cho Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM để có sự phối hợp thực hiện. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, để chấm dứt tình trạng doanh nghiệp “giả chết” ở đây, nhưng lại “sống” ở nơi khác cần phải có sự chung tay của nhiều sở, ban, ngành các địa phương liên quan. Bởi lẽ, ví dụ như cơ quan thuế, khi thấy doanh nghiệp bỏ trốn, không hoạt động nữa, từ thông tin trên hệ thống của Cục Thuế sẽ biết, nhưng sau đó, chủ doanh nghiệp đó đi về các tỉnh khác thành lập mới thì làm sao Cục Thuế biết được.
Do vậy, cần phải có sự kết nối thông tin trong cả nước và sự đồng bộ của tất cả các cơ quan: cơ quan thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công an, UBND tỉnh, thành phố…
Trong số 20 doanh nghiệp không nộp thuế và ngưng hoạt động sắp được công khai danh tính, có những doanh nghiệp nào cần lưu ý để đấu tranh quyết liệt trong thời gian tới?
Đều phải làm quyết liệt với tất cả 20 doanh nghiệp này. Chúng tôi sẽ cho đăng tải đợt đầu danh sách này trên một số báo ngay trong tuần này. Đây cũng là biện pháp cuối cùng, sau khi chúng tôi đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau, như phong tỏa tài sản ngân hàng, ngừng sử dụng hóa đơn, xóa mã số thuế…
Chúng tôi kỳ vọng, việc đăng công khai lên báo như vậy sẽ giúp cho các doanh nghiệp khác đang chây ì, dây dưa nợ thuế phải thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ nộp ngân sách.