Gần đây, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ban hành cáo trạng truy tố bị can Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc kiêm Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) vì hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại hơn 3.600 tỷ đồng.
Đáng nói là, có nhiều sai phạm liên quan đến việc bị can Bình mua cổ phần của DongA Bank. Việc này gây ra khoản thiệt hại 1.160 tỷ đồng cho Ngân hàng.
Đơn cử, năm 2010, DongA Bank tăng vốn điều lệ, bị can Bình mua 16 triệu cổ phần nhưng không có tiền để thanh toán. Với vị trí Tổng giám đốc, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Bình đã nhờ một cá nhân đứng tên vay 100 tỷ đồng của DongA Bank và vay một cá nhân bên ngoài 83,7 tỷ đồng
Để trả nợ các khoản vay trên, bị can Bình chỉ đạo cấp dưới là Nguyễn Văn Thuận lập khống chứng từ thể hiện việc thu tiền khống với tổng số tiền 122 tỷ đồng.
Sau đó, số tiền đã thu khống được điều chuyển về Phòng Ngân quỹ Hội sở, góp phần tạo nên số âm quỹ hơn 2.000 tỷ đồng tại Kho quỹ hội sở.
Năm 2013, DongA Bank có chủ trương tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng, Phan Văn Anh Vũ, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Xây dựng Bắc Nam thống nhất với ông Bình việc mua 60 triệu cổ phần để có quyền chi phối tại DongA Bank.
Tuy nhiên, số tiền 600 tỷ đồng mua 60 triệu cổ phiếu của Phan Văn Anh Vũ lại có nguồn gốc từ chính tiền vay của DongA Bank.
Trong đó, bị can Vũ thế chấp 220 lô đất ở Đà Nẵng để vay 400 tỷ đồng. 200 tỷ đồng còn lại DongA Bank làm thủ tục thu khống của Phan Văn Anh Vũ. Số tiền được điều chuyển về Hội sở để hợp thức cho khoản chi này.
Đáng nói là, khi việc tăng vốn không thành, DongA Bank chuyển trả cho Công ty Bắc Nam 600 tỷ đồng, bao gồm cả 200 tỷ đồng Ngân hàng xuất quỹ chi cho Vũ.
Khi Ngân hàng Xây dựng (VNCB) tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 4.700 tỷ đồng theo đề án tái cơ cấu, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Phạm Công Danh đã tìm cách sử dụng tiền của Ngân hàng phục vụ tăng vốn.
Phạm Công Danh chủ động giới thiệu một số công ty cần vay vốn theo đề án gói hợp tác “4 nhà” sang BIDV để vay vốn. Hai bên đã thống nhất chủ trương và 4 chi nhánh của Ngân hàng đã giải ngân cho 12 công ty tổng số tiền 4.700 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm là 3.070 tỷ đồng tiền gửi của VNCB tại BIDV và một số bất động sản khác.
Số tiền giải ngân được chuyển đến tài khoản nhiều cá nhân – thực chất đều là nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh do Phạm Công Danh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Các cá nhân trên tiếp tục chuyển tiền vào tài khoản 3 công ty khác. Nguồn tiền được sử dụng tăng vốn điều lệ của VNCB dưới danh nghĩa cổ đông góp vốn mua cổ phần tăng thêm.
Một ngân hàng khác cũng sử dụng chiêu dùng tiền ngân hàng để tăng vốn điều lệ nhằm đáp ứng yêu cầu vốn pháp định tối thiểu đến năm 2008 là 1.000 tỷ đồng và đến năm 2010 là 3.000 tỷ đồng.
Để có tiền tăng vốn, một số lãnh đạo ngân hàng này đã sử dụng các công ty thuộc sở hữu phát hành 3.380 trái phiếu với tổng giá trị là 3.380 tỷ đồng. Bên mua là Công ty Tài chính cổ phần Điện lực EVNFinance. Số tiền thu được từ phát hành trái phiếu được sử dụng để mua cổ phẩn của ngân hàng khi tăng vốn.
Khi phải trả nợ cho EVNFinance, các lãnh đạo Ngân hàng sử dụng các pháp nhân khác để rút tiền ngân hàng thông qua thỏa thuận đặt cọc mua 58% Tòa nhà Capital Tower (phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội) và Hợp đồng hợp tác đầu tư Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở An Khánh Sao Bắc GPBank. Tổng cộng các cá nhân này đã rút của Ngân hàng 3.900 tỷ đồng.
Có thể thấy, nhiều trường hợp ngân hàng tăng vốn điều lệ nhưng thực chất dòng tiền không có thật. Tiền có thể chảy vào ngân hàng nhưng sau đó nhanh chóng bị rút ra bằng cách cho vay những công ty có liên quan đến đại cổ đông của ngân hàng.
Hoặc tiền của chính ngân hàng được cho vay ra để cổ đông sử dụng mua cổ phần. Dù bằng cách nào thì việc này cũng khiến cho mục tiêu tăng vốn điều lệ là tăng năng lực tài chính không đạt được. Nguy hiểm hơn, nó để lại rủi ro pháp lý với nhiều lãnh đạo cấp cao, nhân viên của ngân hàng.