Từ vụ Huyền Như, nhìn lại cán bộ ngân hàng

Từ vụ Huyền Như, nhìn lại cán bộ ngân hàng

(ĐTCK) Trong số 22 bị can bị truy tố cùng Huỳnh Thị Huyền Như, có 14 bị cáo là cán bộ ngân hàng, trong đó có 13 bị cáo là cán bộ Vietinbank TP. HCM và 1 cán bộ của VIB TP. HCM.

Trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, ngoài Như còn có 22 bị can khác bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố ra trước pháp luật với nhiều tội danh. Trong số 22 bị can bị truy tố cùng Như có 14 bị cáo là cán bộ ngân hàng, trong đó có 13 bị cáo là cán bộ Vietinbank TP. HCM và 1 cán bộ của VIB TP. HCM. Không có sự “giúp sức” của các cán bộ ngân hàng này, các thủ đoạn của Huyền Như khó mà thành công đến vậy.

 Từ vụ Huyền Như, nhìn lại cán bộ ngân hàng ảnh 1

Từ đồng phạm giúp sức

Đầu tiên là Phó giám đốc Vietinbank Nhà Bè - Võ Anh Tuấn (SN 1972, trú tại quận Bình Thạnh, TP. HCM). Võ Anh Tuấn và Huyền Như đã có mối quan hệ thân thiết từ khi còn làm ở Phòng tín dụng Vietinbank TP. HCM. Khi đó, Võ Anh Tuấn là Phó trưởng phòng, Huyền Như là cán bộ tín dụng.

Đến năm 2007, Huyền Như và Võ Anh Tuấn cùng thành lập CTCP Đầu tư Hoàng Khải để kinh doanh xuất nhập khẩu gạo. Võ Anh Tuấn góp 500 triệu đồng, còn Huyền Như góp vốn bằng bất động sản, khi nào công ty cần vốn thì dùng bất động sản thế chấp vay vốn kinh doanh. Thực tế, công ty này chưa có hoạt động kinh doanh gì, nên Huyền Như sử dụng 500 triệu đồng để đánh “chứng khoán” và thắng đậm. Cặp đôi này đã đầu tư Nhà máy lau bóng gạo tại huyện Châu Phú, Anh Giang.

Ngoài nhà máy này, Huyền Như còn vay tiền lãi cao để đầu tư bất động sản ở nhiều địa phương. Từ năm 2010, do kinh doanh bất động sản thua lỗ, nhưng phải trả lãi suất cao, Huyền Như đã không thể trả được nợ và tính cách lợi dụng vị trí làm việc hiện tại để huy động tiền.

 Những phi vụ của Huyền Như đã được Võ Anh Tuấn giúp sức tích cực. Đơn cử như vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền của CTCP Vận tài dầu khí Thái Bình Dương, khi đó, Võ Anh Tuấn đã tiếp xúc với ông Phạm Anh Tuấn là Giám đốc CTCP Vận tài dầu khí Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, khi ông Phạm Anh Tuấn đòi lãi suất cao, không thể huy động tiền về Vietinbank Nhà Bè, Võ Anh Tuấn không từ chối, mà bắn tin cho Như. Do cần tiền trả nợ, nên Như đã huy động tiền của Công ty Thái Bình Dương với lãi suất trong hợp đồng là 14%/năm, lãi suất ngoài từ 1 - 4%/năm.

Trong số 15 hợp đồng ủy thác đầu tư vốn giữa Vietinbank Nhà Bè và Công ty Thái Bình Dương, Võ Anh Tuấn đã ký thật một hợp đồng, nhưng không sử dụng mà đưa cho Như để Như ghép vào các hợp đồng giả. Để giúp Huyền Như có được lòng tin của đối tác, Võ Anh Tuấn còn ký và đóng dấu thật của Vietinbank Nhà Bè trên 10 Giấy xác nhận thể hiện nội dung Vietinbank Nhà Bè đã được số tiền của Công ty Thái Bình Dương như hợp đồng.

Với trường hợp Công ty Thịnh Phát, Công ty Hưng Yên, Công ty Phúc Vinh, Huyền Như đã nhờ Võ Anh Tuấn “góp ý” vào hợp đồng giả do Như soạn thảo, bởi Võ Anh Tuấn là người nắm rõ các điều khoản của hợp đồng thật. Như vậy, dù biết Huyền Như làm giả hợp đồng, ký giả, nhưng Võ Anh Tuấn không hề ngăn cản để Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt 1.598 tỷ đồng của 3 công ty nói trên.

 

Đến vi phạm các quy định cho vay

Ngoài ra, “giúp sức” cho Huyền Như thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn một số cán bộ ngân hàng khác đã “làm ngơ” các quy định pháp luật trong hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng như các quy trình, quy chế của ngân hàng nơi họ đang làm việc.

Theo cáo trạng, việc Huỳnh Thị Huyền Như có thể sử dụng hàng trăm tỷ đồng của Ngân hàng ACB, Ngân hàng Navibank, Ngân hàng VIB là nhờ “công” của các lãnh đạo, cán bộ tín dụng, giao dịch viên của Phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Đinh Tiên Hoàng thuộc Vietinbank TP. HCM và VIB TP. HCM đã có hành vi vi phạm quy định trong việc cho vay.

Cụ thể, tháng 9/2011, Trưởng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ Trần Thanh Thanh (SN 1980, trú tại quận 12, TP. HCM) được Huyền Như nhờ giải quyết cho khách hàng vay 25 tỷ đồng, tài sản bảo đảm là 5 thẻ tiết kiệm trị giá 26 tỷ đồng. Hiện khách hàng đang bận công việc không có mặt, đề nghị giải quyết cho vay rồi bổ sung hồ sơ sau. Thực chất, khách hàng này chính là một nhân viên của Ngân hàng ACB đứng tên cho khoản tiền gửi của ACB ở Vietinbank. Huyền Như đã ký giả trên 6 hợp đồng tín dụng để rút tiền của Ngân hàng ACB ra.

Cáo trạng xác định, hành vi chỉ đạo việc cho vay không có mặt khách hàng vay, không có mặt người có tài sản bảo đảm là vi phạm các quy định cho vay của Vietinbank dẫn đến việc Như lừa đảo trót lọt.

Một nhân viên khác cũng thuộc phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Tống Nguyên Dũng (SN 1987, trú tại Thủ Đức, TP. HCM) đã lập 59 hồ sơ tín dụng cho 16 cá nhân để vay 274,6 tỷ đồng mà không hề có mặt người đi vay và người có tài sản bảo đảm.

Thực chất, các hồ sơ tín dụng này đều do Huyền Như làm giả, ký giả để rút được số tiền của Ngân hàng ACB, Ngân hàng Navibank đã gửi vào Vietinbank trước đó.

Huỳnh Hữu Danh (SN 1981, trú tại quận Phú Nhuận, TP. HCM) nhân viên Ngân hàng VIB TP. HCM có trách nhiệm kiểm tra, hoàn tất các thủ tục hồ sơ vay tiền, thẩm định tài sản bảo đảm và để xuất cho vay. Danh đã làm thủ tục hồ sơ cho 12 khách hàng do Huyền Như giới thiệu để vay 480 tỷ đồng, tài sản bảo đảm là 40 hợp đồng tiền gửi tại Vietinbank Nhà Bè. Danh đã không đến Vietinbank Nhà Bè làm thủ tục xác nhận, phong tỏa các hợp đồng tiền gửi mà nhận luôn các xác nhận phong tỏa (do Như làm giả) nên không phát hiện các hợp đồng tiền gửi là giả.

7 cán bộ ngân hàng đều thuộc Vietinbank đã dược xác định là có hành vi vi phạm các quy định về cho vay của tổ chức tín dụng dẫn đến việc Huyền Như thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo.

 

Và thiếu trách nhiệm 

Hai cán bộ của phòng Giao dịch Võ Văn Tần, Vietinbank Nhà Bè đã bị truy tố vì đã có hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Lương Thị Việt Yên (SN, trú tại quận 3, TP. HCM) nguyên Trưởng phòng giao dịch Võ Văn Tần đã chỉ đạo nhân viên lập và duyệt hồ sơ mở tài khoản của hai cá nhân mà không có mặt của hai người này để ký chữ ký mẫu. Do đó, không phát hiện ra các chữ ký trong hồ sơ mở tài khoản là chữ ký do Huyền Như làm giả. Sau đó, Như đã ký giả các lệnh chi để lấy ra 50 tỷ đồng trong hai tài khoản này.

Hành vi vi phạm các quy định về quy chế mở và sử dụng tài khoản tiền gửi của Việt Yên dẫn đến việc Huyền Như thực hiện được việc chiếm đoạt 50 tỷ đồng của hai cá nhân nói trên.

Người thực hiện chỉ đạo của Lương Thị Việt Yên là giao dịch viên Lê Thị Ngọc Lợi (SN 1987, trú tại quận 3, TP. HCM) cũng bị truy tố vì hành vi vi phạm các quy định về tài khoản tiền gửi.

>> Siêu lừa Huyền Như "xỏ mũi" đại gia thế nào?

>> Huyền Như lừa đảo từ năm 2007

>> Sếp lớn, sếp nhỏ theo chân Huyền Như hầu tòa

>> Chiêu "ẵm" hơn 2.600 tỷ đồng của "siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như

>> Những ngân hàng sập bẫy "siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như