Những nội dung được "chế biến" trong các văn bản trên (Biên bản họp ĐHCĐ số 01/2014/BB-ĐHĐCĐ và Quyết định số 01/2014/QĐ-ĐHĐCĐ) bao gồm việc bổ sung ngành nghề kinh doanh và tên Công ty bằng tiếng Anh… nhằm hợp thức hóa hồ sơ và được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 10. Ngoài ra, những vấn đề liên quan đến việc giải trình kết quả kinh doanh năm 2013 và biện pháp khắc phục của VNN gửi đến cơ quan quản lý cũng có nhiều bất nhất.
VNN đã có văn bản giải trình lên cơ quan quản lý, nhưng giải trình mang tính bao biện, né tránh. Sở GDCK Hà Nội yêu cầu VNN giải trình về nghi vấn làm giả Nghị quyết ĐHCĐ, thì VNN lại trả lời rằng: “Công ty đã và đang chuẩn bị các tài liệu cần thiết để tổ chức ĐHCĐ thường niên 2014”. “Tuy nhiên, do công tác chuẩn bị mất nhiều thời gian hơn thường lệ vì VNN phải tập hợp tài liệu, thông số và các vấn đề cần thiết khác để đảm bảo mọi thông tin được chuyển tới các cổ đông là đầy đủ và chính xác nhất. Vì vậy, thời gian diễn ra ĐHCĐ sẽ được lùi lại so với thời gian theo Luật định. VNN sẽ xúc tiến tổ chức ĐHCĐ trong thời gian tới đây. Năm 2014, VNN thay đổi đăng ký kinh doanh lần thứ 10, theo đó nội dung thay đổi là bổ sung thêm ngành nghề ‘Buôn bán máy móc thiết bị và phụ tùng máy nông nghiệp - mã ngành 4653’ và ngành nghề này sau khi bổ sung, đi vào kinh doanh đã tạo ra doanh thu trên 5,6 tỷ đồng cho Công ty”, bản giải trình viết.
Liên quan đến thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, VNN cho rằng, một số nhân viên của VNN đã mắc sai sót về mặt kỹ thuật khi chuẩn bị hồ sơ. Ngay sau khi phát hiện ra những thiếu sót này, HĐQT VNN đã nghiêm túc kiểm điểm, xử lý kỷ luật các cá nhân liên quan, đã liên hệ với cơ quan đăng ký doanh nghiệp để thông báo và hiện đang từng bước khắc phục sai sót.
Theo VNN, để thực hiện việc điều chỉnh lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, do lỗi của doanh nghiệp, VNN cần phải liên hệ với nhiều cơ quan liên quan để hoàn thành thủ tục.
Dù Công ty giải thích là đang nỗ lực để khắc phục những sai phạm trên, điều này ít nhiều vẫn ảnh hưởng đến uy tín của Công ty cũng như tâm lý cổ đông.
Thông thường, những biến động liên quan đến doanh nghiệp thường ảnh hưởng rất lớn đến giá cổ phiếu. Với trường hợp của VNN, do cổ phiếu VNN hầu như không có giao dịch từ khi rơi vào diện cảnh báo (ngày 25/4/2013), rải rác một vài phiên khớp 400 đến 1.000 cổ phiếu, do vậy, nhà đầu tư có muốn bán cũng khó tìm được người mua.
Việc yêu cầu doanh nghiệp phải công bố thông tin kịp thời cũng là nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, nhưng không vì vậy mà doanh nghiệp phải giả mạo các thông tin để công bố một cách đối phó. Đối với trường hợp của VNN, hiện cơ quan quản lý đang đề nghị làm rõ các nội dung như nghi vấn và nếu có sai phạm trong công bố thông tin sẽ có xử lý theo quy định.
Trong nhiều trường hợp, thông tin bất lợi liên quan đến doanh nghiệp đưa ra khiến nhà đầu tư hoang mang bán tháo cổ phiếu. Sau khi doanh nghiệp khẳng định vẫn hoạt động bình thường thì giá cổ phiếu khó có thể tăng lại như ban đầu. Trong quá khứ, những sai phạm tại một số doanh nghiệp như CTCP Dược Viễn Đông (DVD), CTCK Tràng An (TAS)… đã khiến nhiều nhà đầu tư “trắng tay”. Một loạt câu hỏi như chất lượng công bố thông tin thế nào, công tác giám sát thông tin ra sao, trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp đến đâu và quyền lợi cổ đông được bảo vệ thế nào?... được đặt ra trong những trường hợp này.
Nhìn từ VNN, thị trường đang chờ một sự phản hồi chi tiết hơn từ chính doanh nghiệp liên quan đến nghi vấn Nghị quyết ĐHCĐ bị làm giả cũng như trách nhiệm của những người liên quan.