Trường quay phục vụ công tác tư vấn và bán hàng online của Hải Phát Land với đầy đủ các thiết bị như máy quay phim, mixer, đèn chiếu sáng…

Trường quay phục vụ công tác tư vấn và bán hàng online của Hải Phát Land với đầy đủ các thiết bị như máy quay phim, mixer, đèn chiếu sáng…

Tư vấn mua nhà trực tuyến, bài mới né dịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, nhiều doanh nghiệp đã ý thức rõ ràng việc sử dụng các công cụ Digital Marketing trong việc tìm kiếm cũng như phục vụ khách hàng, nhà đầu tư trong bối cảnh phải giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc trực tiếp để phòng, chống dịch.

Covid thiết lập cách thức giao dịch mới

Mới đây, Hải Phát Land - một trong những đơn vị phân phối bất động sản lớn nhất miền Bắc, đã đưa vào áp dụng hình thức talkshow online nhằm phục vụ hoạt động tư vấn trực tuyến cũng như cập nhật thông tin thị trường và dự án. Theo đó, một phần khuôn viên trung tâm đào tạo của Hải Phát Land đã được bố trí lại và thiết lập một trường quay riêng với đầy đủ các thiết bị như máy quay phim, mixer, đèn chiếu sáng…

Ông Đinh Thế Quỳnh, Phó Tổng giám đốc Hải Phát Land cho biết, với các mặt hàng có giá trị thấp, khách hàng thường chốt mua ngay khi xem livestream, còn với bất động sản thì khó hơn bởi đây là tài sản có giá trị lớn. Vì thế, mục đích chính của talkshow online là giải đáp các vấn đề liên quan đến những dự án do Hải Phát Land phát triển nói riêng và thị trường bất động sản nói chung. Điều này sẽ hỗ trợ cho việc đánh giá nhu cầu khách hàng và nhà đầu tư, cũng như cho các chiến dịch truyền thông, xây dựng nền tảng thương hiệu trên môi trường online của Công ty.

Trên thị trường, Hải Phát Land không phải là đơn vị duy nhất mạnh tay đầu tư cho hoạt động tư vấn online. Đơn cử, đầu năm nay, Tập đoàn Đất Xanh đã tổ chức talkshow online trên fanpage của Tập đoàn và Công ty Đất Xanh Services để tư vấn bán sản phẩm của dự án Opal Skyline thu hút hàng ngàn lượt xem trực tuyến. Theo chia sẻ của lãnh đạo doanh nghiệp này, mặc dù chưa đạt hiệu quả như bán hàng trực tiếp, nhưng đây là kênh phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Mặt khác, việc bán hàng online cũng giúp thông tin nhà đất trở nên minh bạch hơn, cạnh tranh hơn.

Theo thông tin tổng hợp từ nhiều sàn bất động sản trực tuyến, hiện nay, có hơn 80% số người có ý định mua nhà sẽ tìm kiếm thông tin về dự án trên Internet trước khi hỏi người thân để ra quyết định mua nhà.

Ngoài tổ chức livestream, nhiều doanh nghiệp còn đưa ra các ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bất động sản (proptech) để tiếp thị, giao dịch sản phẩm, hoặc ra mắt sàn thương mại điện tử kinh doanh bất động sản trực tuyến. Đón đầu sự chuyển đổi số này có thể kể tới Sunshine Group với ứng dụng Sunshine App tích hợp 2 nhu cầu chính của khách hàng là mua nhà và đầu tư bất động sản, Cengroup chi 1 triệu USD đầu tư vào nền tảng đầu tư bất động sản trực tuyến Revex, Vinhomes với sàn giao dịch trực tuyến Vinhomes Online kết nối chủ đầu tư và khách hàng thông qua các thiết bị di động thông minh, Gamuda Land - chủ đầu tư bất động sản đến từ Malaysia này cũng cho ra mắt trang giao dịch bất động sản trực tuyến tại Việt Nam...

Ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch Cengroup cho rằng, diện mạo của ngành bất động sản Việt Nam đang thay đổi rất nhanh, không phải theo từng năm, từng tháng, mà là từng ngày, từng giờ. Trong đó, sự chuyển đổi “khẩu vị” đầu tư, sự thay đổi trong hành vi sử dụng các tiện ích công nghệ số đòi hỏi các chủ đầu tư phải thích ứng nhanh chóng, áp dụng công nghệ một cách bài bản để rút ngắn khoảng cách giữa người mua và người bán.

“Đây cũng là lý do Cengroup đầu tư mạnh cho việc nâng cấp các nền tảng công nghệ hỗ trợ công tác bán hàng, cũng như tăng cường tìm kiếm và hợp tác với các start-up về giải pháp số để bổ sung vào hệ sinh thái kinh doanh bất động sản của Tập đoàn thời gian qua. Gần đây nhất, vào đầu tháng 5/2021, tại chương trình Shark Tank Việt Nam, Cengroup đã chốt deal thành công với start-up tổng đài thông minh - một giải pháp hỗ trợ CRM (quản lý tiếp thị, bán hàng) bất động sản”, ông Vũ chia sẻ thêm.

Quan trọng là sử dụng công cụ phù hợp

Theo thống kê của Hiệp hội Quốc gia bất động sản Hoa Kỳ, từ năm 2018 trở lại đây, số lượng khách mua nhà tìm kiếm thông tin về các dự án cũng như tiếp cận các kênh thông tin trực tuyến về thị trường bất động sản đã tăng mạnh với hơn 95% các sản phẩm bất động sản như cho thuê nhà đất, bán đất nền, bán căn hộ chung cư... được đăng tải trên các website bất động sản như Homefinder.com, Trulia.com, Zillow.com, Realtor.com, HomeGain.com...

Ở chiều ngược lại, việc khách hàng tiếp cận và để lại thông tin trên các công cụ tìm kiếm cũng như kênh thông tin trực tuyến về bất động sản đã tạo nên một hệ thống dữ liệu lớn (Big Data) cho các đơn vị khai thác và sử dụng, từ đó đánh giá được hành vi, thói quen, sở thích của người dùng để có đính hướng tốt hơn cho đầu ra sản phẩm. Chưa kể, với các dữ liệu có được, công tác nghiên cứu, xây dựng các giải pháp công nghệ phục vụ cho các nhà phát triển, đơn vị kinh doanh bất động sản cũng trở nên dễ dàng hơn. Theo đó, quá trình mua hoặc thuê bất động sản sẽ không còn bắt đầu bằng những chuỗi ngày lặn lội khảo sát mặt bằng và thực địa như trước đây, mà thay vào đó là tiếp cận kho dữ liệu khổng lồ để tập trung vào mục tiêu cốt lõi.

Khảo sát của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, tại Việt Nam, niềm tin với các kênh cung cấp thông tin bất động sản online chưa thực sự quá lớn bởi với đa số người dân, bất động sản là tài sản của cả đời người nên luôn muốn “mắt thấy, tay sờ”. Mặt khác, việc các chủ đầu tư áp dụng các công nghệ protech như VR, call smart center, sàn giao dịch bất động sản tích hợp thanh toán online… cũng chưa thực sự mở rộng, một phần do chi phí cao, phần còn lại do chưa nắm rõ về công nghệ nên chưa dám mạo hiểm.

Dẫu vậy, không thể phủ nhận xu hướng số hóa đã tác động nhất định vào hoạt động kinh doanh bất động sản. Theo thông tin tổng hợp từ nhiều sàn bất động sản trực tuyến, hiện nay, có hơn 80% số người có ý định mua nhà sẽ tìm kiếm thông tin về dự án trên Internet trước khi hỏi người thân để ra quyết định mua nhà. Về phía các đơn vị phân phối bán hàng, các công cụ marketing số gần như là “vật bất ly thân” trong việc tiếp cận khách hàng. Những công cụ này không hoàn toàn thay thế những công cụ chuyên biệt đối với một số sản phẩm cao cấp, siêu cao cấp, nhưng đa phần phù hợp cho các sản phẩm trung cấp và bình dân - nơi mà các nhu cầu của khách hàng đại chúng cao hơn, các yêu cầu về đặc tả sản phẩm cũng thấp và dễ đoán định hơn.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Lâm, nhà sáng lập hệ sinh thái số trong lĩnh vực bất động sản Houze Group cho rằng, Covid đã mở ra cuộc cạnh tranh trong thiết lập cách thức giao dịch mới trên thị trường. Theo chuyên gia này, ngành công nghiệp bất động sản đã thay đổi rất nhiều trong thập kỷ qua và các công nghệ mới đang tác động tích cực đến cách thức các nhà kinh doanh bất động sản thực hiện công việc hằng ngày của họ.

“Công nghệ số là lời giải của nhiều sự thay đổi và hình thành rõ nét trong cuộc sống con người, trong các hoạt động kinh tế nói chung, hoạt động kinh doanh bất động sản nói riêng”, ông Lâm nhấn mạnh.

Tin bài liên quan