Những con số này tương đương số lượng giao dịch trong năm 2007 - thời điểm thị trường đạt mức đỉnh kể từ tháng 3/2000. Giá trị M&A toàn cầu tăng 57%, từ 1.870 tỷ USD lên 2.940 tỷ USD - mức cao nhất kể từ năm 2000.
Theo báo cáo của Thomson Reuters và PricewaterhouseCoopers (PwC), trong nửa đầu năm 2015, giá trị của hoạt động M&A toàn cầu đạt 2.200 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng theo Thomson Reuters, tại thị trường M&A khu vực Đông Nam Á năm 2014, quy mô các giao dịch trong khu vực đạt khoảng 140 tỷ USD, tăng 68% so với năm trước đó và là mức kỷ lục từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tại Việt Nam, hoạt động M&A năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015 diễn ra chủ yếu ở các công ty lớn, có quy mô và tên tuổi, với giá trị ghi nhận khoảng 4,2 tỷ USD của năm 2014 và 2,2 tỷ USD kể từ đầu năm 2015 đến nay. Ngoài ảnh hưởng của xu hướng M&A thế giới và khu vực, ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt (BVSC) cho rằng, yếu tố thúc đẩy M&A tại Việt Nam chính là động thái mạnh mẽ của Chính phủ về tiến trình cổ phần hóa các DNNN, cải cách một số luật liên quan đến doanh nghiệp và đầu tư, giữ nền kinh tế vĩ mô phát triển ổn định… “Những yếu tố này đã thúc đẩy các doanh nghiệp trong và ngoài nước mạnh dạn hơn trong hoạt động M&A”, ông Hòa nói.
Điểm hội tụ của hoạt động M&A tại Việt Nam - Diễn đàn M&A 2015 đã rà soát, đánh giá và vinh danh những thương vụ nổi bật. Thương vụ Mondelèz International - CTCP Kinh Đô; Vingroup - OceanGroup (Ocean mart) và Vinatex Mart; Công ty Giống cây trồng Trung ương - CTCP Giống cây trồng miền Nam… được ghi nhận là thương vụ mua lại tiêu biểu. Cùng với đó, Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam… được ghi nhận có hoạt động IPO tiêu biểu, trong số hàng trăm thương vụ IPO vừa qua.
Với sự quyết tâm tái cấu trúc nền kinh tế của Chính phủ, các đơn vị tư vấn như CTCK, công ty luật dường như bận rộn hơn, nhiều hợp đồng hơn trong nỗ lực “se duyên” cho bên mua và bên bán. Theo đánh giá của Hội đồng bình chọn các thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu, Mayer Brown, Baker McKenzie, VILAF, LNT Partner là những công ty luật nổi bật trên thị trường tư vấn M&A 2014 - 2015.
Trong khối CTCK, Hội đồng đánh giá 8 trong tổng số 81 CTCK có nỗ lực tư vấn M&A đáng ghi nhận, trong đó nổi bật nhất là 2 đơn vị: CTCK Bảo Việt (tư vấn cổ phần hóa/thoái vốn DNNN) và CTCK Bản Việt (tư vấn M&A).
BVSC là công ty chứng khoán đi tiên phong trong việc cung cấp dịch vụ tư vấn cổ phần hóa trọn gói từ những năm 2003. Với quá trình dài tư vấn và nắm bắt những phát sinh từ thực tế triển khai, những kinh nghiệm đó đã được BVSC đúc kết để giúp khách hàng xử lý tốt và hiệu quả nhất trong quá trình chuyển đổi…
Năm 2015, lần thứ hai BVSC đạt danh vị cao nhất trong khối các nhà tư vấn cổ phần hóa/thoái vốn tiêu biểu tại Diễn đàn M&A Việt Nam.
Tổng giám đốc BVSC Nhữ Đình Hòa cho biết, tính đến nay, BVSC đã tư vấn cho hơn 300 doanh nghiệp; tham gia bảo lãnh phát hành cho hơn 20 doanh nghiệp với tổng giá trị bảo lãnh lên đến gần 5.000 tỷ đồng, đồng thời tư vấn thành công cho gần 90 doanh nghiệp niêm yết trên các Sở GDCK.
“Từ nay đến hết năm 2015, Việt Nam sẽ cổ phần hóa thêm 289 DNNN, trong đó có 35 tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn trong các lĩnh vực xây dựng, hạ tầng giao thông, chế biến, dược, sản xuất điện… Lộ trình cho 5 năm tiếp theo, Việt Nam sẽ cổ phần hóa khoảng 400 DNNN, trong đó có 22 tập đoàn, tổng công ty rất lớn. Cùng với đó, Nghị định 60/2015/NĐ-CP với quy định nới room sẽ mở ra cơ hội lớn thu hút dòng vốn ngoại và là sân chơi đầy tiềm năng cho các CTCK, đặc biệt với chúng tôi, khi BVSC đã xác lập được vị thế dẫn đầu trong mảng hoạt động này”, ông Hòa nói.
Tư vấn M&A đang là “mảnh đất” rộng mở và đầy tiềm năng, nhưng không phải tổ chức, cá nhân nào cũng có thể nắm bắt được cơ hội và hiện thực hóa cơ hội thành giá trị. Làm tư vấn, không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn, hiểu biết pháp lý, mà còn phải có khả năng ngoại giao, kỹ năng thương thuyết, tư duy cởi mở cùng sự trung thực và lòng tin đối với khách hàng.