Văn hóa là nguồn mạch để phát triển đất nước bền vững hơn

Văn hóa là nguồn mạch để phát triển đất nước bền vững hơn

Tư tưởng vượt thời đại của Đề cương về văn hóa Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Đề cương về Văn hóa Việt Nam có vai trò là “cương lĩnh” đầu tiên của Đảng về văn hóa, là sự khai phá mở đường, là nền tảng lý luận về văn hóa của Đảng.

Trải qua 80 năm, những tư tưởng, quan điểm vượt thời đại trong Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo, được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương tháng 2/1943 đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị và tính thời sự sâu sắc. Từ 3 nguyên tắc “dân tộc hóa - khoa học hóa - đại chúng hóa”, văn hóa đã trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực, là hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội.

Nền tảng lý luận về văn hóa của Đảng

Trong bài phát biểu quan trọng kết luận Hội thảo Khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển”, diễn ra ngày 27/2, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, Hội thảo đã thống nhất đánh giá ý nghĩa lịch sử, giá trị to lớn, mang tầm thời đại và sức sống lâu dài, bền vững của Đề cương về văn hóa Việt Nam.

Sự ra đời của Đề cương đã kịp thời đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cách mạng; thể hiện ý chí, nguyện vọng của cả dân tộc, trở thành ngọn cờ tập hợp, cổ vũ nhân dân ta, nhất là giới trí thức, văn nghệ sĩ hăng hái tham gia sự nghiệp cách mạng của Đảng; đóng góp quan trọng làm nên thắng lợi lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945; sau đó là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954 và đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; đưa đất nước ta ngày càng vững vàng trên hành trình đổi mới và phát triển.

Với những luận điểm khoa học và thuyết phục, Đề cương có ý nghĩa lý luận sâu sắc, mang tầm thời đại, có vai trò là “cương lĩnh” đầu tiên của Đảng về văn hóa, là sự khai phá mở đường, là nền tảng lý luận về văn hóa của Đảng. Thực tiễn đã khẳng định những đóng góp quan trọng của Đề cương đối với việc hình thành và phát triển nền văn hóa Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Dưới ánh sáng của Đề cương, Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta, trong đó có đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đã dày công xây dựng nền văn hóa mới, đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, nhất là trên các lĩnh vực khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn học - nghệ thuật…

Quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt của Đại hội Đảng lần thứ XIII là: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”.

Nỗ lực hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển văn hóa, tạo hành lang pháp lý để khơi thông mọi tiềm năng, nguồn lực cho phát triển văn hóa, ngày 8/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, trong đó mục tiêu chủ yếu là đến năm 2020, phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP, tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.

Các nghệ sĩ biểu diễn tại Festival Về miền quan họ với chủ đề: Miền di sản - Tinh hoa và bản sắc
Các nghệ sĩ biểu diễn tại Festival Về miền quan họ với chủ đề: Miền di sản - Tinh hoa và bản sắc

Tinh chất dân tộc là nền tảng chính để phát triển công nghiệp văn hóa

Các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam đang dần được coi là một động lực, vừa góp phần trực tiếp mang lại lợi ích kinh tế, xã hội, vừa góp phần định vị thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhiều lần khẳng định, sản phẩm công nghiệp văn hóa là cầu nối ngắn nhất để quảng bá hình ảnh quốc gia cũng như hình ảnh của các địa phương ra thế giới và thu hút du khách quốc tế.

Còn theo đánh giá của PGS-TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS), phát triển công nghiệp văn hóa là con đường để thúc đẩy sự “tiến bộ và phồn vinh của văn hóa dân tộc”. Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, giao lưu văn hóa và cạnh tranh văn hóa trên thế giới hiện nay, công nghiệp văn hóa đang tạo ra một sức mạnh văn hóa mới cho mỗi quốc gia.

Nhìn vào sự thành công của những nghệ sĩ trẻ hôm nay, không khó để nhận ra, 3 nguyên tắc cốt lõi là “dân tộc hóa - khoa học hóa - đại chúng hóa” của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đang được phát huy đúng nghĩa.

Về vấn đề phát huy 3 nguyên tắc “dân tộc hóa - khoa học hóa - đại chúng hóa” của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam, Nghệ sĩ ưu tú Trần Ly Ly, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khẳng định, tinh chất của truyền thống, dân tộc, sự đặc sắc, khác biệt của dân tộc luôn là nền tảng chính trong sáng tạo nghệ thuật đương đại, nói rộng hơn là để phát triển công nghiệp văn hóa. Bởi, nếu không khẳng định được “tôi là ai”, thì sẽ trở nên mờ nhạt, hòa tan vào tất cả. Do đó, cần tạo ra một trào lưu về sáng tác, đầu tư sâu, bài bản, để có thể tạo ra được những chỉ số xuất khẩu văn hóa; khai thác các giá trị văn hóa để đem ra thế giới.

“Việc này không thể chỉ là việc của từng cá nhân đơn lẻ, mà cần phải tập hợp lực lượng đi cùng nhau. Kết quả từ sự đầu tư cho văn hóa không thể thấy trong ngày một, ngày hai, mà có thể hơn 10 năm, hoặc lâu hơn nữa”, Nghệ sĩ ưu tú Trần Ly Ly nói.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, đầu tư cho văn hóa một cách khoa học, hợp lý, chính là đầu tư cho sự phát triển, đầu tư cho tương lai hội nhập mang tính bền vững hơn của đất nước. Đó cũng chính là nền tảng tiên quyết góp phần hình thành một nền văn hóa mới có khả năng tạo động lực khơi dậy khát vọng cống hiến của toàn dân cho sự nghiệp chấn hưng văn hóa và chuyển hóa hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trên bản đồ sức mạnh mềm thế giới.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất một số giải pháp cải thiện thể chế, hoàn thiện chính sách hiện hành, như: bổ sung lĩnh vực văn hóa vào nhóm ngành nghề ưu đãi đầu tư, vào nhóm lĩnh vực được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng bổ sung các khoản chi tài trợ cho văn hóa, thể thao được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Bên cạnh đó, có chính sách phù hợp tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, nhằm phát huy, sử dụng có hiệu quả tài sản kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa, tài sản đặc thù của văn hóa; xây dựng Bộ chỉ số quốc gia về phát triển văn hóa; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, du lịch; xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trên tinh thần đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự phát triển lâu dài và bền vững.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, phát triển văn hóa không phải chỉ là câu chuyện của riêng ngành văn hóa, mà cần sự phối hợp đồng bộ, trách nhiệm của toàn xã hội mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tới.

Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh, ở vào những bước ngoặt mang tính quyết định, sức mạnh của văn hóa dân tộc luôn được khẳng định và phát huy, góp phần quan trọng đưa đất nước ta phát triển đi lên. Những bài học sâu sắc sau 80 ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam cho chúng ta niềm tin vững chắc rằng, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc sẽ là nguồn động lực lớn lao để toàn Đảng, toàn Dân, toàn quân ta tiếp tục đoàn kết một lòng, ra sức cống hiến trí tuệ, tài năng, đưa dân tộc ta đến những thắng lợi vẻ vang.

Tin bài liên quan