Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tại khu phố V, hòm phiếu số 6, đơn vị bầu cử 1, tiểu khu 1, khu phố Ba Đình (Hà Nội) vào ngày 27/4/1969 Ảnh: TTXVN
Nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, hướng tới Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, bài viết này mong muốn góp phần làm sáng tỏ tư tưởng của Người dưới góc độ vai trò của nhân dân trong xây dựng chế độ dân chủ ở nước ta.
Vai trò của nhân dân trong chế độ dân chủ
Hồ Chí Minh đã nhiều lần đưa ra câu hỏi và trả lời một cách ngắn gọn nhất quan điểm của mình về khái niệm dân chủ. Khi nhìn nhận dân chủ là một chế độ xã hội, Hồ Chí Minh xác định: “Nước ta là nước dân chủ”, trong đó, “Địa vị cao nhất là dân vì dân là chủ”. Giải thích “Chế độ ta là chế độ dân chủ”, Người chỉ rõ: “Tức là nhân dân làm chủ”.
Từ xuất phát điểm với việc xác định “địa vị cao nhất là dân”, Hồ Chí Minh xác định vai trò “là chủ” và “làm chủ” của nhân dân như sau:
“Nước ta là một nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến chính phủ đều do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
Để thực hành vai trò với quyền là chủ và làm chủ, ngoài môi trường và điều kiện đủ cho sự sống, con người phải “hiểu biết quyền lợi và nghĩa vụ, biết hưởng, biết dùng, dám nói và dám làm”.
Lý giải trên của Hồ Chí Minh cho thấy “vị trí chủ thể” với “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” và việc “cử ra, tổ chức nên” bộ máy nhà nước, cũng như toàn bộ hệ thống chính trị trong xã hội dân chủ biểu thị vai trò tối thượng của nhân dân.
Giải thích cụ thể vai trò chính trị của nhân dân, Người chỉ rõ: “Ở nước ta, chính quyền là của nhân dân, do nhân dân làm chủ. Nhân dân bầu ra các Hội đồng nhân dân, Ủy ban kháng chiến hành chính địa phương và Quốc hội cùng Chính phủ trung ương. Trong các cuộc bầu cử, công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt gái trai, tôn giáo, mức tài sản, trình độ văn hóa, không phân biệt giống nòi đều được tham gia. Đó là một cách rất hợp lý để nhân dân lao động thực hành quyền thống trị của mình... Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt cho mình thi hành chính quyền ấy. Thế là dân chủ”.
Quan điểm nhân dân “là ông chủ, có địa vị cao nhất” của Hồ Chí Minh được thể hiện trong Hiến pháp năm 1946 tại Chương 1, Điều 1: “Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, trai, gái, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.
Sự khẳng định “toàn bộ quyền lực” thuộc nhân dân được tiếp tục ghi nhận trong Điều 22, Hiến pháp năm 1946: “Nghị viện nhân dân có quyền cao nhất nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”. Điều đó xác định, Nghị viện (Quốc hội) không phải là cơ quan được giao tất cả quyền lực của nhân dân.
Tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh chỉ rõ, nhân dân có “địa vị cao nhất và là chủ thể” với “vai trò thực hiện hành động chính trị” để “bầu ra đại biểu thay mặt cho mình thi hành chính quyền”, “cử ra” chính quyền các cấp và “tổ chức nên” các đoàn thể từ Trung ương xuống địa phương. Nhân dân không chỉ “cử ra” cơ quan quản lý là Nhà nước, mà còn “tổ chức nên” cả hệ thống chính trị, Nhà nước chỉ là một bộ phận trong hệ thống đó.
Làm thế nào để giao quyền mà không mất quyền?
Theo Hồ Chí Minh, có hai vấn đề để giải quyết câu hỏi trên và thể hiện hơn nữa vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng chế độ dân chủ:
Một là, nhân dân có quyền cử ra, cũng có quyền bãi miễn những đại biểu đó. Hồ Chí Minh nêu rõ: “Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân với đại biểu của mình. Nguyên tắc ấy đảm bảo quyền kiểm soát của nhân dân đối với chính quyền”.
Ở mức độ cao hơn, Người nói: “Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân thì dân không cần đến nữa” và “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”.
Hai là, từ việc chỉ ra vai trò của nhân dân sau khi trao quyền lực cho cơ quan đại diện, Hồ Chí Minh nói: “Chính phủ ta là chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là phụng sự cho lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm trọn nhiệm vụ của mình là người đầy tớ tận tuỵ và trung thành của nhân dân”.
Quan điểm đó chỉ rõ vai trò, trách nhiệm làm chủ của nhân dân đối với các hoạt động của Nhà nước. Việc “giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình” các hoạt động của Nhà nước được nhân dân thực hiện chứng tỏ vai trò, trách nhiệm đó.
Đây là phương thức trực tiếp và tốt nhất nhằm làm cho hoạt động của cơ quan nhà nước ngày một hiệu quả hơn. Một mặt, làm cho Nhà nước mau chóng nắm bắt được các nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, thúc đẩy nhanh chóng nhà nước hoạt động đúng theo hướng phục vụ lợi ích của nhân dân. Mặt khác, sẽ làm cho Nhà nước tránh khỏi quá trình quan liêu hoá, điều chỉnh xu hướng xa rời nhân dân của Nhà nước, làm gia tăng bản chất dân chủ của nhà nước.
Hơn nữa, thông qua quá trình trên, Nhà nước sẽ luôn nắm bắt được đầy đủ những đòi hỏi đa dạng của cuộc sống và xu thế phát triển của nó để giải quyết một cách kịp thời, đúng đắn nhất, phù hợp với nhiệm vụ phục vụ và tổ chức xây dựng cuộc sống mới của nhà nước dân chủ.
Làm thế nào để phát huy vai trò làm chủ của nhân dân?
Xây dựng nhà nước “dân chủ mới” ở nước ta từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến nghèo nàn, lạc hậu, với đa số cư dân ở trong tình trạng mù chữ, lại thiếu một truyền thống dân chủ theo quan niệm hiện đại, Hồ Chí Minh đã thấy những khó khăn không thể tránh khỏi của bộ máy như “chưa quen kỹ thuật hành chính...".
Do đó, cùng với sự nhấn mạnh nhiệm vụ giúp đỡ, kiểm soát, phê bình của nhân dân đối với chính quyền, Người rất chú ý lãnh đạo hoàn thiện các điều kiện nhằm “phát triển quyền dân chủ và sinh hoạt chính trị của toàn dân”, để không ngừng nâng cao chất lượng thực hiện vai trò là chủ, làm chủ của nhân dân đối với Nhà nước.
Một là, sau khi giành quyền “là chủ” đối với đất nước độc lập, phải làm cho “đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Hai là, phải làm cho toàn dân “hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà”, họ phải “biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”.
Nhưng, độc lập dân tộc, nền dân chủ, cơm ăn, áo mặc, học hành... chỉ là môi trường, là những điều kiện đầu tiên cần cho con người thực hành dân chủ. Để thực hành vai trò với quyền là chủ và làm chủ, ngoài môi trường và điều kiện đủ cho sự sống, con người phải “hiểu biết quyền lợi và nghĩa vụ, biết hưởng, biết dùng, dám nói và dám làm”. “Hiểu quyền” đến “biết dùng quyền” và đến “dám nói, dám làm” là những vấn đề có liên quan trực tiếp với nhau và ở các trình độ khác nhau của quá trình thực hành, phát triển dân chủ. Đó là những nấc thang của trình độ phát triển dân chủ: từ “là chủ” tới “làm chủ”.
Trong xã hội dân chủ, “dám” mà không “hiểu” sẽ tất yếu dẫn tới vi phạm luật pháp và gây ra tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ. Nhưng “biết” mà không “dám” là chưa hiểu hết, là không có hoặc thiếu bản lĩnh của người là chủ, thiếu trách nhiệm của người làm chủ.
Bởi vậy, hiểu biết quyền làm chủ, hiểu biết luật pháp, hiểu biết những cái được làm và cái không cấm là những vấn đề thuộc về “hiểu biết của con người công dân”.
Từ con người công dân, với sự hiểu biết quyền lợi, nghĩa vụ, biết hưởng, biết dùng quyền lợi và nghĩa vụ đó, đến thực hành dân chủ, dám nói, dám làm, có trách nhiệm đạo đức đối với với xã hội, cộng đồng là con người hoàn thiện và ở một trình độ cao của xã hội dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Chính vì vậy, vấn đề xây dựng con người mới luôn được Hồ Chí Minh quan tâm, mà nội dung là nhằm đào tạo ra những “con người có học vấn toàn diện, có trách nhiệm và bản lĩnh” của chủ thể là người là chủ, làm chủ để làm chủ bản thân, làm chủ xã hội, để có thể biết, có trách nhiệm, bản lĩnh trong bàn, làm và kiểm tra, giúp đỡ, phê bình, tham gia quản lý nhà nước và xã hội.
Do đó, một mặt, cùng với việc nâng cao trình độ văn hóa cho đồng bào, Người luôn nhấn mạnh tới công tác tuyên truyền, giáo dục luật pháp và nâng cao ý thức dân chủ cho nhân dân để mọi người dân thực hiện và phát huy vai trò chủ thể của mình. Điều kiện quan trọng nhất vẫn là con người, vì con người là chủ thể thực hành dân chủ và cũng là mục tiêu của thực hành dân chủ.
Chúng ta đang thực hiện cuộc tổng tuyển cử xây dựng Quốc hội mới ở nước ta. Học tập, thấm nhuần và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng chế độ dân chủ ở nước ta, nhất định chúng ta sẽ thành công trong xây dựng một nhà nước dân chủ, thực sự là nhà nước của dân, do dân, vì dân.
(*) Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh