Việc tổ chức ĐHCĐ để thay người đại diện của KSS không dễ khi con dấu của Công ty đang bị thu giữ

Việc tổ chức ĐHCĐ để thay người đại diện của KSS không dễ khi con dấu của Công ty đang bị thu giữ

Từ trường khớp KSS: Người đại diện vướng vòng lao lý, thay không dễ

(ĐTCK) Thông tin lãnh đạo cấp cao, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bị truy tố thường khiến cổ phiếu của doanh nghiệp bị bán tháo. Tuy nhiên, điều mà cổ đông, nhà đầu tư quan tâm nhất vẫn là doanh nghiệp sau đó sẽ hoạt động ra sao.

Khó thay người đại diện, nhìn từ trường hợp KSS

CTCP Khoáng sản NaRì Hamico (KSS) vừa công bố thông tin Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc, ông Nguyễn Văn Dĩnh bị khởi tố để điều tra một số sai phạm cá nhân. Ngoài ông Dĩnh, thành viên HĐQT kiêm Kế toán trưởng Hà Thị Thu Huyền cũng bị khởi tố. Cơ quan điều tra còn thu giữ con dấu giao dịch và toàn bộ hồ sơ hành chính để phục vụ công tác điều tra.

Chuyện lãnh đạo doanh nghiệp bị khởi tố trong các vụ án kinh tế như ở KSS vốn không hiếm, gây thiệt hại ngay lập tức và trực tiếp cho cổ đông thông qua giá cổ phiếu. Nhưng sau cơn hỗn loạn về giá, làm sao để doanh nghiệp vẫn có thể hoạt động tiếp mới là điều cổ đông quan tâm nhất và việc thay đổi người đại diện theo pháp luật cần được tính đến đầu tiên. Nếu không thể thay đổi người đại diện theo pháp luật, mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp đều phải tạm dừng và công ty rơi vào tình trạng đóng băng.

Luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, cách đơn giản nhất là người đại diện theo pháp luật làm giấy ủy quyền cho cá nhân khác trước khi bị bắt. Còn theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp có quyền thay đổi người đại diện theo pháp luật bất kể là vì lý do gì, do nhu cầu nội bộ doanh nghiệp hay do người đại diện vướng vào vụ án kinh tế.

Về thủ tục, doanh nghiệp chỉ cần gửi thông báo thay đổi người đại diện tới Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đăng ký. Kèm theo thông báo là một số giấy tờ, quyết định khác tùy trường hợp cụ thể. Nếu trường hợp thay đổi người đại diện theo pháp luật làm thay đổi nội dung điều lệ công ty thì công ty phải gửi kèm biên bản và Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) đối với công ty cổ phần. Trường hợp việc thay đổi người đại diện không ảnh hưởng tới Điều lệ công ty thì doanh nghiệp cần gửi kèm biên bản và Nghị quyết của HĐQT.

Như vậy, nhìn chung, chỉ cần ĐHCĐ hoặc HĐQT họp ra nghị quyết về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật, sau đó gửi thông báo tới Phòng đăng ký kinh doanh rồi chờ được cấp lại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, việc thay đổi người đại diện theo pháp luật không dễ dàng, chẳng hạn như trường hợp người đại diện theo pháp luật kiêm Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT như KSS. Chưa kể một thành viên HĐQT khác của KSS cũng bị khởi tố điều tra.

“Trường hợp này phải giải quyết vấn đề nhân sự của HĐQT trước. Theo Điều lệ mẫu của công ty niêm yết nói chung và điều lệ KSS nói riêng, khi khuyết một thành viên, HĐQT có thể bổ nhiệm một thành viên thay thế và thành viên này phải được bầu bổ sung tại ĐHCĐ ngay tiếp sau đó. Nhưng trong trường hợp số thành viên HĐQT bị giảm quá 1/3, (2/5 thành viên), HĐQT KSS sẽ phải triệu tập họp ĐHCĐ trong vòng 60 ngày để bổ sung thành viên HĐQT. Sau khi có HĐQT mới, Công ty sẽ bổ nhiệm người đại diện theo pháp luật”, luật sư Thu nói.

Với việc con dấu bị cơ quan cảnh sát điều tra thu giữ để phục vụ công tác điều tra thì rất khó cho HĐQT đứng ra triệu tập cuộc họp ĐHCĐ. Đó là chưa kể, trong hoàn cảnh hiện tại, việc tìm hai ứng viên mới tham gia vào HĐQT của KSS cũng là cả một vấn đề. 

Gỡ vướng với quy định mới tại Luật Doanh nghiệp 2014

Dù vậy, với Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực từ 1/7/2015 tới đây, những rắc rối liên quan đến việc người đại diện vướng vòng lao lý có thể được hạn chế phần nào. Luật quy định, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật.

Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nhiệm vụ, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Trong trường hợp đặc biệt, tòa án có thẩm quyền có quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật trong quá trình tố tụng tại tòa án.

Đây là quy định mang tính đột phá, cho phép doanh nghiệp tự quyết định số lượng người đại diện theo pháp luật, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tận dụng được các cơ hội kinh doanh. Đồng thời, quy định này tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp trong trường hợp người đại diện duy nhất của doanh nghiệp không thực hiện các yêu cầu của HĐQT, ĐHCĐ trong quá trình quản lý, điều hành doanh nghiệp cũng như giao dịch với bên ngoài công ty.      

Tin bài liên quan